Các Ngân Hàng Giảm Lãi Suất Cho Vay: Lĩnh Vực Nông Nghiệp Hưởng Lợi

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Agribank, việc giảm lãi suất cho vay từ 1 – 1,5%/năm sẽ được ngân hàng này thực hiện đối với mọi đối tượng vay vốn. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp mà Agribank đang có thế mạnh và dư nợ cao nhất, được chú trọng hơn cả.
Cụ thể, đối với cho vay ngắn hạn, các hộ SX nông - lâm - ngư - diêm nghiệp lãi suất thấp nhất là 15,5%. Cho vay thu mua chế biến để XK nông sản là 14,5%, thu mua và chế biến tiêu dùng trong nước là 16,5%. Cho vay kinh doanh các ngành nghề khác thấp nhất là 17%. Đối với cho vay trung và dài hạn, đối với các hộ nông dân thấp nhất là 17%; cho vay thu mua chế biến XK ở mức 17,5%, cho vay cung ứng, dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp là 18%, đối với các ngành nghề khác là 18,5%. Đối với cho vay dài hạn thấp nhất là 19%.
Riêng với lĩnh vực phi sản xuất thuộc diện không khuyến khích, lãi suất cho vay thấp nhất là 19%. “Agribank sẽ tập trung mọi nguồn vốn huy động và nguồn thu nợ từ cho vay phi sản xuất để chuyển sang cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cho vay xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, giảm cho vay phi sản xuất, như bất động sản hay tiêu dùng”, ông Bảo cho hay.
Để thực hiện cho vay có hiệu quả, Agribank đã xây dựng các chương trình cho vay rất cụ thể theo từng chương trình sản xuất kinh doanh của từng lĩnh vực, cây con, vùng chuyên canh lớn. Cụ thể, cho vay hộ nông dân 10 nghìn tỷ, ngành lương thực 20,95 nghìn tỷ, thủy sản 12,1 nghìn tỷ, cà phê 3,8 nghìn tỷ, cao su 2,3 nghìn tỷ, chăn nuôi gia súc, gia cầm 13,3 nghìn tỷ...
Trước Agribank, BIDV là ngân hàng dẫn đầu trong cuộc đua hạ lãi suất cho vay khi trong 4 tháng cuối năm 2011, ngân hàng này 5 lần giảm lãi suất. Mức thấp nhất tại đây đang là 14,5%/năm, áp dụng cho khắc phục hậu quả bão lũ. Cho vay XK là 15%, còn cho vay đối với khu vực “tam nông” là 15,5%/năm.
Trước động thái của 2 “ông lớn” trên, nhiều nhà băng không nằm trong tốp đầu cũng đang niêm yết lãi suất thấp hơn so với thời gian trước. Cán bộ một phòng giao dịch ngân hàng ACB tại Hà Nội cho biết, đơn vị này đang triển khai chương trình cho vay phát triển sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản, với mức lãi suất thấp hơn thông thường 0,5%. Trước đó, Ngân hàng quốc tế (VIB) cũng thông báo hạ lãi suất cho vay 1% đối với các hộ sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia ngân hàng, bà Nguyễn Thị Mùi, nhận định, xu thế giảm lãi suất cho vay là tất yếu trong bối cảnh hiện tại, khi Chính phủ thực hiện mạnh mẽ việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, giảm lãi suất đang được các ngân hàng thận trọng áp dụng, đồng thời, để vay vốn với mức lãi suất thấp như niêm yết, DN và người đi vay cũng không dễ dàng.
Lãi suất huy động sẽ sớm hạ
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Agribank đã chuẩn bị để khi thị trường hội đủ các điều kiện để thực hiện giảm lãi huy động ngay. Bởi vì, lãi suất huy động hiện nay đã có những dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm là tất yếu. Cụ thể hơn, ông Bảo cho biết, lãi suất liên ngân hàng ngắn hạn hiện ổn định ở 12 - 14% là tín hiệu tích cực. Trong khi đó, tại Agribank, chỉ trong hơn 1 tháng đầu năm, huy động tiền gửi dân cư đã tăng 4%, nếu tiền gửi các tổ chức kinh tế phục hồi tốt thì nguồn vốn để cho vay của Agribank là rất ổn.
“Có một số yếu tố tác động đến lãi suất cho vay gồm đối tượng khách hàng, nguồn vốn, khả năng trả nợ của khách, tài sản đảm bảo... Cùng một khách hàng, hồ sơ, có thể ngân hàng này đồng ý giải ngân, song chỗ khác lại từ chối”, bà Mùi nói. Cũng theo chuyên gia này, để được hưởng lãi suất cho vay chỉ tương đương huy động một số ngân hàng đang áp dụng, chắc chắn người đi vay phải chấp nhận các điều kiện rất ngặt nghèo, bởi lãi suất và rủi ro có mối quan hệ thuận chiều với nhau: Rủi ro càng nhiều, lãi suất càng cao và ngược lại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Bảo lại không đồng ý với quan điểm trên. Theo ông Bảo, tùy thuộc vào nguồn vốn và thị phần của từng ngân hàng mà họ sẽ có những chiến lược cho vay khác nhau. Riêng đối với Agribank, dù chưa giảm lãi suất huy động nhưng để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng sẽ thực hiện nhiều biện pháp tiết giảm chi phí, đồng thời chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để hạ lãi suất cho vay.
Dù gì, việc hạ lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn, đặc biệt là lãi suất cho khu vực “tam nông”, cũng là tín hiệu cho thấy, các nhà băng đã hướng đến thị trường rộng lớn tuy có không ít rủi ro này. Và, nếu thực hiện chặt chẽ và đầy đủ các thủ tục tiếp cận nguồn vốn, đây sẽ là động lực giúp khu vực nông nghiệp – nông thôn phát triển mạnh hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) hoàn tất việc thực hiện thí điểm các mô hình nuôi cá chẽm và được đánh giá là khá thành công trên địa bàn tỉnh Dak Lak, đến nay, người dân vẫn chưa mặn mà với việc ứng dụng nhân rộng loại cá này. Nguyên nhân được đánh giá là do chi phí nuôi cao, đầu ra không ổn định…

Năm 1975, từ miền Tây, ông Trần Công Rạng (ấp Tân Tiến, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc - Đồng Nai) đưa vợ con về Xuân Hiệp lập nghiệp với 2 bàn tay trắng và 6 đứa con nhỏ. Hàng ngày, vợ chồng ông phải đi cày thuê, cuốc mướn để trang trải cuộc sống.

Chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang ương cá giống, cá kiểng, anh Nguyễn Văn Đực Nhỏ, sinh năm 1964 tại xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Trang trại của gia đình anh Phạm Văn Quang ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) có 3 dãy chuồng rộng gần 1.500 m2, thường xuyên nuôi khoảng 2.500 con gà CP lấy trứng thương phẩm. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai xây dựng mô hình nuôi gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản trên địa bàn huyện.