Cam Cao Phong Hành Trình Xây Thương Hiệu
Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).
Cùng với thời gian, cây cam đã thể hiện được sức sống mãnh liệt trên mảnh đất Cao Phong ngọt lành. Sự gắn kết giữa cây và đất, giờ đây đã mật thiết đến độ khi nhắc đến mảnh đất Cao Phong không thể không nhắc đến sản vật đặc trưng nhất của nơi này: cây cam với vị ngọt thơm đặc biệt được kết tinh từ đất - nước - nắng - gió Cao Phong.
Cây vàng trên đất Cao Phong
Các giống cam trồng tại huyện Cao Phong đều có nguồn gốc di thực. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, nông hóa và thổ nhưỡng nơi đây nên không chỉ duy trì được những đặc tính di truyền tốt của giống gốc mà còn thể hiện một số ưu thế nổi bật về chất lượng. Cam Canh, cam Xã Đoài, cam CS1...
Mỗi giống cam cho ra những sản phẩm có đặc tính riêng không trộn lẫn nhưng đều giống nhau ở vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng.
Cây cam được phát triển tại huyện Cao Phong từ đầu những năm 1960 do Nông trường Cao Phong (nay là Công ty TNHH MTV Cao Phong) đưa vào trồng đại trà.
Trong chu kỳ 1 của cây cam, diện tích cam của Nông trường Cao Phong lúc bấy giờ lên tới 900 ha, sản lượng cao nhất năm 1976 đạt 3.000 tấn và được xuất khẩu sang thị trường Liên Xô cũ gần 50% sản lượng. Như vậy, chất lượng của cam Cao Phong đã được khẳng định từ mấy chục năm trước.
Tuy nhiên, sau đó, do nhiều nguyên nhân, cam Cao Phong rơi vào thời kỳ thoái trào, hàng trăm ha cam đổ bệnh và bị đốn sạch. Phải đến những năm 1990, cơ chế khoán hộ trong sản xuất mới thực sự trả lại tên cho cam Cao Phong.
Các hộ nông dân sau khi nhận khoán đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng KH -KT vào sản xuất, diện tích, sản lượng và chất lượng cam Cao Phong tăng dần, nối lại niềm tự hào trong quá khứ.
Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN &PTNT huyện Cao Phong cho biết: Chỉ tính riêng vài năm trở lại đây, cây cam, quýt đã liên tục tăng về cả diện tích lẫn sản lượng. Năm 2010, diện tích 557 ha, sản lượng đạt 9.000 tấn. Năm 2013, diện tích là 920 ha, sản lượng đạt 16.000 tấn.
Năm nay, ước tính diện tích toàn huyện đạt khoảng 1.200 ha, trong đó trồng mới gần 200 ha, sản lượng dự kiến đạt 16.500 tấn. Theo thống kê, hiện tại bình quân 1 ha cam có tổng giá trị thu nhập khoảng 600 triệu đồng, trừ chi phí, người nông dân thu 2/3.
Điển hình như trong năm 2013, toàn huyện có trên 160 hộ trồng cam có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, 16 hộ có thu nhập từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng từ việc bán sản phẩm. Với hiệu quả kinh tế nổi bật và tính ổn định cao, cây cam đã thực sự trở thành cây vàng trên đất Cao Phong, là cây chủ lực làm giàu cho hàng trăm hộ nông dân trong huyện.
Lời giải cho bài toán phát triển thị trường
Cam Cao Phong ngày càng chứng tỏ ưu thế vượt trội so với các loại cam trên thị trường. Quả có mẫu mã đẹp, mọng nước, vị ngọt thanh mát đặc trưng nên ngày càng được ưa chuộng. Từ chỗ chỉ là một huyện miền núi thuần nông, mảnh đất Cao Phong với sự phát triển mạnh mẽ của cây cam đã không chỉ trở thành vựa cam của tỉnh mà còn là một điển hình thành công trong phát triển cây có múi của cả nước.
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, phải đến vài năm gần đây, cái tên Cam Cao Phong mới xác lập được vị thế là một thương hiệu nông sản nổi bật của Hòa Bình.
Chục năm về trước, trong một thời gian dài, sản vật này luôn phải đối mặt với tình trạng bị tư thương ép giá, thậm chí đã phải chịu hai nỗi oan: đội lốt cam Vinh và nhầm với cam Trung Quốc vì... mẫu mã quá đẹp! Đó là hệ quả tất yếu của chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm cam Cao Phong.
Trở lại quãng thời gian cách đây không xa, vào đầu những năm 2000, giá cam Cao Phong bán ra thị trường chỉ dao động trên dưới mức 3.000 đồng /kg.
Cùng với nỗi lo giá thấp, cam Cao Phong phải chịu sức ép rất lớn đến từ thị trường tiêu thụ. So với các sản phẩm cam đã có tiếng như cam Vinh, cam Bố Trạch, cam Hà Giang... cái tên “Cam Cao Phong” lúc bấy giờ còn khá mới mẻ với người tiêu dùng.
Đó là nguyên nhân tại sao cam Cao Phong mặc dù chất lượng không hề thua kém các đặc sản của địa phương khác nhưng thường bị “lép vế” khi đưa ra các thị trường lớn. Những thiệt thòi này đều xuất phát từ một vấn đề cốt lõi: Cam Cao Phong chưa có thương hiệu.
Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, huyện Cao Phong đã hoạch định lộ trình cụ thể với những giải pháp đồng bộ. Kết quả là vào năm 2007, sản phẩm cam Cao Phong đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Nhãn hiệu thương mại (do Công ty Rau quả Nông sản Cao Phong quản lý và khai thác).
Sau đó, sản phẩm cam tươi của Công ty được khẳng định có chất lượng tốt và đã đạt Cúp vàng Hội chợ Agro Việt do Cục VSATTP cấp, được tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn nằm trong top 100 thương hiệu Việt năm 2009 sau khi vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp trong cả nước.
Đến cuối tháng 6/2010, thương hiệu Cam Cao Phong được Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng công nhận nhãn hiệu cạnh tranh Việt. Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu Cam Cao Phong.
Nguồn bài viết: http://www.baohoabinh.com.vn/220/88430/Cam_Cao_Ph111ng__Hanh_trinh_xay_thuong_hieu.htm
Có thể bạn quan tâm
Theo nhiều nông dân và doanh nghiệp, do giá giống, phân bón đầu tư cho vụ này tăng, cộng với việc giá lúa vẫn đang giảm sút nên khả năng nông dân cùng lắm chỉ lãi 14%.
“Ban đầu tiếp xúc với rắn cũng sợ nhưng riết rồi quen, thậm chí cho rắn quấn vào cổ cũng chẳng sợ. Hằng ngày, việc chăm sóc rắn do tôi trực tiếp làm, còn ông xã thì lo đi tìm mồi cho rắn...”.
Điệp khúc “được mùa, mất giá” là nỗi lo sợ của bà con nông dân nói chung và những người trồng cây ăn trái nói riêng. Mùa chôm chôm năm nay cũng vậy, nhiều người đầu tư vốn liếng, công sức vào vườn cây với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận. Thế nhưng, khi đến vụ thu hoạch thì chôm chôm bị rớt giá thê thảm, không tìm được đầu ra khiến nhiều nông dân đang hết sức băn khoăn.
Đó là anh Đào Văn Bằng- một chủ trang trại ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm qua luôn thành công trong chăn nuôi gà thịt quy mô lớn theo hướng tập trung để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần đây, anh đầu tư phát triển đàn lợn rừng vừa bán thịt, đồng thời nhân giống cũng mang nhiều kết quả khả quan.
Đến thôn 4 xã Hưng Bình – huyện Đắk Rlấp hỏi thăm nhà bác Phạm Đình Thuấn thì không ai là không biết bởi bác nổi tiếng là người cần cù chịu khó lại ham học hỏi, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất