Các Loài Cá Quý Hiếm Trên Sông Lô, Sông Gâm
Sông Lô, sông Gâm chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang đã đi vào lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ngoài tạo cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, các dòng sông này còn có tiềm năng lớn về giao thông, thủy sản.
Bao đời nay, cư dân sống hai bên sông được hưởng lợi từ nguồn nước, giao thông và thủy sản từ dòng sông mang lại. Dọc theo các con sông đã hình thành các làng vạn chài, cuộc sống mưu sinh đánh bắt cá gắn chặt vào sông từ bao đời nay.
Theo các nhà khoa học, trên sông Lô, sông Gâm chảy qua địa phận tỉnh Tuyên Quang có rất nhiều loại cá đặc sản quý hiếm. Do đặc điểm sông ở đây có độ dốc lớn, vận tốc dòng nước chảy siết qua nhiều dải đá ngầm. Vào mùa mưa, nước sông có màu phù sa, còn mùa khô nước trong xanh.
Để thích ứng với đặc điểm sống này, các loài cá sống ở đây thường rất khỏe, khả năng bơi, di chuyển vượt thác tốt. Thường thì cá sông có đặc điểm giống nhau là đầu nhọn, mình thon dẹp, dài. Thịt cá chắc, dai, thơm ngon hơn cá nuôi trong các ao hồ.
Từ xa xưa, sông Lô, sông Gâm nổi tiếng với hai loài cá tiến Vua là cá dầm xanh và cá anh vũ. Trước kia, hai loài cá này có rất nhiều trên sông.
Nhưng do đánh bắt, do thay đổi môi trường sống nên sản lượng không còn nhiều. Cá dầm xanh là một loài cá thuộc họ cá chép, thường sống ở tầng đáy của sông ở những dải đá ngầm. Thức ăn của cá là các loại tảo, mùn bã hữu cơ, động vật không xương sống cỡ nhỏ ở đáy sông. Cá di cư theo mùa, theo độ trong của nước, khi nước đục cá thường ở trong hang.
Đây là một loài cá quý có xương mềm, thịt ngọt, đặc biệt bộ trứng bùi ngầy ngậy rất hấp dẫn. Không như nhiều loại cá khác thường chỉ ngon khi có kích cỡ lớn, thịt dầm xanh ngon từ lúc con cá nhỏ như đầu ngón tay cho tới khi có trọng lượng trung bình 6 - 7 kg.
Trên sông Lô, sông Gâm còn có loài cá anh vũ cũng rất nổi tiếng. Theo sử tích, cá anh vũ đã được dùng để tiến Vua từ thời Hùng Vương thứ ba. Loài cá này có điểm đặc trưng dễ nhận ra là phần miệng loe ra như mũi lợn. Thịt cá anh vũ trắng, quánh chắc và có hương vị thơm ngon đặc biệt. Theo quan niệm dân gian, thịt loài cá này tính mát, có thể chữa một số loại bệnh tính nhiệt.
Cặp môi cũng là phần ngon nhất của cá anh vũ vì được cấu tạo từ sụn, tạo cảm giác giòn sần sật khi nhai. Ngày nay, do bị đánh bắt quá mức, do môi trường sống ô nhiễm nên cá anh vũ còn rất ít trên sông. Cá có trọng lượng trưởng thành đạt tới 5 kg.
Ngoài hai loại cá tiến vua trên, cá chiên - một loài cá da trơn thường được mệnh danh là chúa tể lòng sông vì bản tính hung dữ cũng sinh sôi ở hai dòng sông này.
Cá có thể đạt tới kích thước 50 - 60 kg khi trưởng thành. Thịt cá chiên rất ngon, nhưng loài cá này nổi tiếng nhờ bộ lòng to, dày như dạ dày lợn, giòn sần sật, là đặc sản dùng để dâng lên các bậc vua chúa. Cá chiên thường ăn các loại côn trùng, tôm, tép, cá con khác. Gần giống cá chiên về bộ da trơn là cá lăng.
Cá lăng miệng có râu, thường sống ở tầng đáy của sông, nơi có nhiều phù sa. Cá ăn côn trùng, tôm, tép, cua, cá con. Đây là loài cá có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, chế biến được nhiều món ngon. Trên sông Lô, sông Gâm còn có các loài cá tiêu biểu khác như cá chạch, các đục, cá bống… thịt rất thơm ngon, đặc trưng của cá sông.
Hiện nay, để bảo vệ các loài cá quý trên sông Lô, sông Gâm trước nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang nhân giống thành công hầu hết các loài giống cá quý trên. Một là để thả về môi trường sống tự nhiên của chúng, hai là chuyển giao cho nông dân trong tỉnh nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Trong đó có một số loài cá đã được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam như cá dầm xanh, anh vũ, chiên, lăng… cần được bảo vệ nghiêm ngặt và có biện pháp đánh bắt theo đúng quy định. Ngư dân các làng vạn chài giờ cũng ý thức điều đó, hạn chế đánh bắt cá vào mùa sinh sản. Nếu đánh bắt được cá có kích cỡ nhỏ, một là thả ra, hai là mang về nuôi trong lồng theo hình thức bán tự nhiên.
Khách du lịch đến với Tuyên Quang được thưởng thức các món cá sông đặc sản thì không thể nào quên được hương vị tuyệt vời của nó… Nếu biết bảo tồn, khai tác hợp lý, cá sông Lô, sông Gâm sẽ trở thành mặt hàng có giá trị kinh tế cao, phục vụ đắc lực cho du lịch phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu của Chi cục Thú Y Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có hơn 2.800 con trâu, hơn 28.500 con bò (trong đó 21.000 còn bò thịt, 7.100 con bò sữa). Số lượng đàn bò tăng nhanh so với năm 2014, đặc biệt là bò sữa do mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao; Tuy trong vài năm trở lại đây, Sóc Trăng chưa ghi nhận trường hợp gia súc bị nhiễm bệnh lở mồm long móng (LMLM), nhưng nguy cơ bệnh xuất hiện và lây lan vẫn còn tiềm ẩn.
Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai), cho biết trong gần 4 năm lại đây, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng khoảng 800 hécta. Hiện nay, toàn huyện Tân Phú có gần 2 ngàn hécta tiêu.
Ngày 14/7, tại Trại ứng dụng, thực nghiệm cây trồng An Phong (ấp Nhứt, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tổ chức buổi hội thảo đánh giá 23 giống lúa đang được trồng phổ biến và giống lúa có triển vọng vụ hè thu năm 2015.
Ngày 14/7, thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, chính quyền phía Đài Loan, nơi tiêu thụ tới 95% sản lượng chè Oloong của Lâm Đồng vừa có thông báo 100% mẫu loại chè Oloong xuất vào Đài Loan đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Để hạn chế sâu bệnh hại chè, bên cạnh sử dụng thuốc BVTV, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc. Trong ảnh: Xã viên HTX Chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, T.P Thái Nguyên) bón phân chuồng cho cây chè.