Cá Tra Và Điệp Khúc Rớt Giá
Sau một thời gian giá cá tra nguyên liệu tăng lên ở mức đảm bảo cho người nuôi có lãi thì đầu tháng 4/2012, giá cá tra nguyên liệu lại giảm mạnh, khiến người nuôi tiếp tục sống trong cảnh thấp thỏm âu lo. Điệp khúc rớt giá không còn là vấn đề mới nhưng vì sao tình trạng này vẫn liên tiếp diễn ra?
Liên tiếp rớt giá
Hiện giá cá tra nguyên liệu tại nhiều tỉnh, thành ĐBSCL đã giảm thêm khoảng 2.000 đồng/kg so với cách đây hơn 2 tuần. Như vậy, so với thời điểm tháng 2/2012, giá cá tra nguyên liệu đã giảm tổng cộng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu loại 1 chỉ còn ở mức 24.000 đồng/kg; cá loại 2 khoảng 23.000 đồng/kg, loại 3 khoảng 22.000 đồng/kg.
Còn ở An Giang, theo số liệu của Sở Công Thương An Giang, giá cá tra nguyên liệu xuất khẩu các loại tuần từ 30/3 – 5/4/2012 tại An Giang dao động ở mức từ 23.000 - 24.000 đồng/kg, giảm từ 200 - 500 đồng/kg tùy loại, tương đương giảm 1 - 2%. Trong tuần này, mặc dù biên độ giảm giá đã thấp hơn tuần trước nhưng cá thịt trắng, loại chủ yếu để chế biến xuất khẩu lại giảm sâu nhất. So với cùng kỳ năm trước, giá cá đã giảm tới 8 - 10% tùy loại.
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở Đồng Tháp. Hiện, giá cá tra thu mua tại Đồng Tháp cũng chỉ ở mức còn 23.000 - 23.500 đồng/kg. Với giá này, người nuôi lỗ từ 500 - 1.000 đồng/kg.
Theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, sản lượng cá còn lại trong dân không nhiều, chỉ còn khoảng 200.000 tấn. Với giá bán như hiện nay, có thể nhiều hộ nuôi sau khi bán cá xong sẽ “treo ao”, bỏ nghề hàng loạt, có thể dẫn đến nguy cơ thiếu cá tra phục vụ chế biến xuất khẩu trong thời gian tới.
Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi cá tra rất lo lắng, nhất là những hộ nuôi có cá gần tới thời điểm để xuất bán. Ông Trần Hữu Đại, nông dân nuôi cá ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết: “Nếu cá tra vẫn giảm giá hoặc đứng ở mức thấp, tới đây người nuôi cá sẽ gặp rất nhiều khó khăn, lỗ nặng, cộng với các loại chi phí đầu vào tăng thì chắc chắn nhiều người nuôi sẽ bỏ nghề”.
Doanh nghiệp gặp khó
Theo tính toán của doanh nghiệp, 1 kg cá fillet xuất khẩu hiện nay doanh nghiệp thiệt hại khoảng 9.000 đồng. Trong đó giá xuất khẩu là 2,9 đô la/kg, so năm ngoái là 3,2 đô la/kg (tương đương khoảng 6.000 đồng), giảm 30 cent/kg. Bên cạnh đó, sự điều chỉnh tỉ giá tiền giữa tiền đồng và ngoại tệ cũng khiến doanh nghiệp phải mất thêm 1.000 đồng/kg cá; phần phụ phẩm chế biến cá trước đây bán 7.000 đồng/kg nay giảm còn 5.000 đồng/kg, mất 2.000 đồng/kg và không thể lấy khoản này bù vào chi phí chế biến như trước.
Do đó, doanh nghiệp muốn có lãi thì có hai cách, một là phải bán với giá hơn 3,1 đô la/kg, hai là phải hạ giá thu mua cá nguyên liệu.
Bên cạnh đó, việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) giảm thuế chống bán phá giá cho mặt hàng cá tra fillet đông lạnh của Việt Nam vào ngày 9/3 vừa qua khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này. Con số ước tính hiện nay các doanh nghiệp tham gia chào bán hàng cá tra sang Mỹ đã tăng lên gấp đôi so với 18 doanh nghiệp của một vài năm trước. Điều này khiến cho giá khó tăng do tính cạnh tranh cao.
Một nguyên nhân khác khiến cá tra rớt giá như hiện nay là do, gần đây, tình trạng một số công ty thủy sản nợ nần đã khiến ngân hàng thắt chặt tín dụng, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất nên đã tạm thời ngừng thu mua hoặc hạn chế thu mua cá tra nguyên liệu do phải thực hiện công tác tổng vệ sinh và bảo trì nhà máy.
Đã nhiều năm qua, kể từ khi ngành công nghiệp cá tra hình thành và phát triển, tình trạng biến động giá cá tra nguyên liệu giá xảy ra như một điệp khúc quen thuộc. Cứ mỗi lần cá tra rớt giá, người nuôi và doanh nghiệp đều không “bằng lòng” với nhau.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế thủy sản, diễn biến thị trường cá tra không nằm ngoài qui luật cung - cầu. Giá cá tăng thường rơi vào lúc hụt nguồn cung nguyên liệu, thị trường xuất khẩu hút hàng. Và ngược lại, giá giảm thường trùng vào thời điểm nguồn cung đang thừa, xuất khẩu gặp khó, sức tiêu thụ giảm.
Tuy nhiên, nông dân cũng không nên quá lo lắng bởi qua diễn biến giá tăng - giảm còn cho thấy, hiện tượng này mang tính chu kỳ, mức giá tăng cao đỉnh điểm hay giá xuống thấp thường không kéo dài quá 3 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.
Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.
Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.
Ấp Bình Thới và Bình Thiện (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú - An Giang) hiện có gần 20 hộ làm nghề đánh bắt cá bông lau. Chị Bùi Thị Dành (ngụ ấp Bình Thới), có hơn 30 năm trong nghề đánh bắt cá bông lau cho biết, hiện trên sông Vàm Nao, người dân đánh bắt cá bông lau bằng cách dùng lưới đăng (hay còn gọi là lưới ngầm) và lưới thả dùng đánh bắt vào ban đêm. Từ đầu mùa đánh bắt đến nay, chị Dành đã bắt được 9 con cá bông lau, mỗi con nặng từ 3 - 8kg; giá bán cho thương lái thời điểm đầu mùa từ 160 - 180 ngàn đồng/kg, còn hiện tại khoảng 120 ngàn đồng/kg.
Hàng chục hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì cây bắp (ngô) bị "bệnh lạ" tấn công khiến cho cây bắp không phát triển. Nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng một mùa vụ trồng bắp.