Cá Tra Mất Thế… Độc Quyền
Chiếm hơn 80% thị phần trên thế giới, do đó cá tra được xem là sản phẩm “độc quyền” của Việt Nam trên thương trường quốc tế. Song, vấn đề đáng buồn là nghề nuôi và xuất khẩu cá tra ngày càng đi vào ngõ cụt, bởi giá cá bấp bênh càng sản xuất càng thua lỗ. Vì sao cá tra lại rơi vào tình cảnh khốn đốn như vậy...
Nông dân thua trắng
Giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL đang dao động ở mức thấp chỉ 22.000-23.000 đồng/kg, đây là mức giá mà người nuôi bị lỗ sau khi trừ chi phí.
Ông Nguyễn Khắc Phục, ở phường An Lộc, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) chua chát: “Sau thời gian dài giá giảm thê thảm, đến đầu tháng 4-2014 cá tra tăng lên 27.000 đồng/kg đảm bảo cho người nuôi lãi khoảng 3.000 đồng/kg nên ai cũng nhốn nháo chạy đi vay tiền đầu tư nuôi cá trở lại. Nào ngờ niềm vui kéo dài chẳng bao lâu thì nay giá cá giảm mạnh, tình hình này người nuôi chết chắc”.
Thu hoạch cá tra ở TX. Ngã Bảy, Hậu Giang.
Cùng lo lắng trên, ông Võ Văn Đệ, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), thở dài: “Không biết vì đâu mà mấy ngày nay giá cá tra giảm liên tục, có nơi nhà máy chỉ tới xem cá rồi lắc đầu không mua. Với chiều hướng này nhiều hộ vô cùng bất an bởi càng nuôi càng lỗ”.
Theo Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, hy vọng vực dậy nghề nuôi cá tra sau thời gian dài trầm lắng đang có nguy cơ bị phá sản, bởi hiện tại nông dân chịu lỗ từ 1.000-2.000 đồng/kg cá. Mấy năm qua, nông dân đã lỗ nhiều rồi, nay để họ “tự bơi” nữa sẽ không chịu đựng nổi.
Nguyên nhân khiến giá cá tra giảm được các ngành chức năng và doanh nghiệp lý giải là do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu khó khăn, cộng với Bộ Thương mại Hoa Kỳ tăng thuế chống bán phá giá… ít nhiều tác động đến giá cả cá tra trong nước.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ khi Hoa Kỳ tăng thuế đối với cá tra làm cho nhiều hộ nuôi dè dặt không biết có nên đầu tư số tiền lớn để tiếp tục nuôi cá hay không, bởi muốn nuôi 1ha cá tra cần vốn khoảng 11 tỉ đồng/vụ. Đây là số tiền rất lớn mà không phải ai cũng có khả năng nuôi cá.
Về cơ bản con cá tra đã giúp nhiều hộ dân vùng sông nước Cửu Long làm giàu, nhưng không ít hộ phá sản vì thất bại do nuôi gặp thời điểm rớt giá. Trong khi đó, cái khó là người nuôi thiếu liên kết với nhà máy trong tiêu thụ và mọi chuyện về giá cả lên xuống đều phụ thuộc thị trường.
Nhiều yếu kém...
Sản phẩm cá tra của Việt Nam được xuất đi 149 quốc gia và vùng lãnh thổ, với kim ngạch mỗi năm dao động khoảng 1,6-1,7 tỉ USD. Nguồn lợi là vậy, nhưng vấn đề nan giải là giá cá tra cứ mãi phập phù, chỉ nhích lên trong thời gian ngắn rồi rớt giá kéo dài mấy năm liền khiến hàng loạt hộ nuôi cá lỗ, nợ chất chồng, ao hầm bỏ phế tăng liên tục.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đặt vấn đề: “Tại sao cá tra là sản phẩm độc quyền “một mình một chợ” trên thế giới, nhưng luôn bị các nhà nhập khẩu ép giá đến nỗi bán rẻ “như cho”.
Rồi chuyện nhiều nhà máy làm ăn chụp giựt bơm nước quá nhiều vào cá để bán giá rẻ, bán phá giá trên thị trường gây mất uy tín nhưng chưa được xử lý. Việc quy hoạch vùng nuôi cá đến nay còn nhiều bất cập, cộng với phát triển nóng ở nhiều địa phương đã kéo theo hệ lụy… Đây là những chuyện được đưa ra bàn thảo tại rất nhiều hội nghị nhưng cuối cùng vẫn đâu vào đấy”.
Cũng bức xúc về việc này, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hùng Vương, cảnh báo: “Hiện nay, ngành cá tra đang lún sâu vào 3 cái thừa là “thừa diện tích nuôi, thừa nhà máy chế biến xuất khẩu và thừa nhà máy sản xuất thức ăn”; từ đó gây ra những lãng phí lớn về cơ sở vật chất, trong khi ngành cá tra ngày càng yếu. Giải quyết việc này cần phải suy tính thận trọng, nếu không sẽ kéo theo hệ lụy dây chuyền”.
Có thể nói nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra lâu nay phát triển theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, từ đó dẫn đến không ít trường hợp “cá lớn nuốt cá bé”, cạnh tranh không lành mạnh. Mặt khác, giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng hay giảm chủ yếu do một vài doanh nghiệp lớn “thâu tóm, làm giá” theo dạng “lợi ích nhóm”. Đây chính là sự “lộn xộn” bất hợp lý, làm cho ngành cá tra chao đảo trong nhiều năm qua.
Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) cho rằng, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đang thay đổi rõ rệt. Nếu như trước đây đa số nông dân nuôi cá để cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, thì hiện nay những hộ nuôi cá thể đã “chết dần” và có tới 70%, thậm chí một số tới 80% diện tích và sản lượng cá tra do doanh nghiệp nuôi.
Nguyên nhân do chi phí nuôi cá tra bây giờ quá lớn, trong khi tính rủi ro cao bởi doanh nghiệp “ngại” ký hợp đồng với nông dân, và những nông dân “tự bơi” rất khó đứng vững. Việc xóa hình thức nuôi cá nhỏ lẻ để tiến tới nuôi tập trung quy mô lớn, áp dụng các tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP… là cần thiết.
Liên kết cùng phát triển
Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) đề xuất, cần nghiên cứu mô hình nuôi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, nông dân đầu tư đất đai, ao hầm và công chăm sóc, còn doanh nghiệp đầu tư con giống và thức ăn; đến khi thu hoạch thì doanh nghiệp lấy nguyên liệu và trả tiền công cho nông dân từ 4.500-5.000 đồng/kg (tùy thời điểm).
Mô hình “nuôi gia công” này được xem là giải pháp hài hòa lợi ích đôi bên. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cá tra là thế mạnh của tỉnh và vấn đề cấp bách hiện nay là nhanh chóng sắp xếp lại nghề cá theo hướng liên kết. Phải kéo doanh nghiệp và nông dân lại với nhau thì mới giải quyết được những khó khăn tồn tại.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cho rằng: Chính phủ đã xác định đưa cá tra trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 về “nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra”; nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo hướng đi mới thúc đẩy ngành cá tra phát triển bền vững.
Nghị định 36 ra đời sẽ giải quyết hàng loạt những bất cập tồn tại của ngành cá tra nhiều năm qua. Từ đó, siết chặt vấn đề quy hoạch, diện tích nuôi, sản lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, giá cả xuất khẩu… đưa ngành cá tra vào hoạt động một cách bài bản. Nghị định là cơ sở pháp lý cao nhất để ổn định và phát triển bền vững ngành cá tra, đồng thời giúp nông dân an tâm đầu tư nuôi cá.
Điều đáng mừng là không chỉ chính quyền các tỉnh ĐBSCL, ngành chuyên môn, người nuôi cá, doanh nghiệp làm ăn chân chính… ủng hộ nghị định này, mà các đối tác quốc tế cũng đồng tình bởi họ an tâm và đánh giá cao nghề sản xuất, xuất khẩu cá tra của Việt Nam được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.
“Mục tiêu là làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, để người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cùng có lãi thì nghề cá mới phát triển bền vững được…”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Giá trị sản xuất trên mỗi diện tích canh tác thấp, các khoản vay không đủ trang trải, nông sản chủ lực phát triển tự phát… là những nút thắt khiến nông nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với thế giới trong bối cảnh hội nhập.
Nhiều nhà vườn trồng bưởi, mãng cầu, xoài, thanh long ruột đỏ... đang tất bật vào vụ sản xuất cho thị trường Tết Nguyên đán 2016.
Bên cạnh những loại cây cho trái chính vụ mùa Tết, nhiều loại cây để cho thu hoạch đúng thời điểm chuẩn bị mừng năm mới, nhà vườn phải chăm sóc, xử lý từ nhiều tháng trước đó.
Vào vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, giá các loại phân bón không tăng và duy trì ở mức ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân sẵn sàng vào vụ sản xuất lúa quan trọng nhất trong năm.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến thời điểm này bà con nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa thu đông, với năng suất, sản lượng đạt khá. Điều vui nhất là cuối vụ giá lúa tăng.