Cá Sặc Rằn Gặp Hạn

Hiện nay giá cá bổi loại 8 con/kg chỉ còn 45 ngàn đ/kg, giảm khoảng 25 ngàn đ/kg so với thời điểm này năm trước. Loại 6 con/kg giá hơn 60 ngàn đ/kg, giảm hơn 20 ngàn đkg so với cùng kỳ.
Nhiều cơ sở SX và hộ dân nuôi cá sặc rằn ở Cà Mau (người dân thường gọi là cá bổi) khẳng định, cá sặc rằn ở vùng trên đang đổ dồn về địa phương này tiêu thụ làm giá cá giảm mạnh, cá nuôi ra đến kỳ thu hoạch không bán được.
Điều đáng lưu tâm là cá được đưa về với giá thấp, sau đó một bộ phận thương lái thu mua lại cung ứng cho các cơ sở SX bổi khô lấy thương hiệu “Cá khô bổi U Minh” bán để thu lợi, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường cá bổi địa phương.
Trước đây, tại các xã Trần Hợi, Khánh Bình Tây, Khánh Lộc (huyện Trần Văn Thời) có rất nhiều cơ sở SX cá bổi khô nằm rải rác để tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ. Sau khi có thành phẩm, mang thương hiệu “Cá khô bổi U Minh” đi cung ứng cho các đầu mối để tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và các vùng trong cả nước.
Tuy nhiên, gần đây do lượng cá bổi “bơi ngược” từ vùng trên về đây nhiều, các cơ sở SX cá bổi lớn tuyến trên mua nguyên liệu giá rẻ về, rồi lấy thương hiệu cá của địa phương đưa ngược lên, mà họ “quên mất” nguồn cá nội địa đang thừa.
Chủ cơ sở SX cá bổi khô Dũng ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời chia sẻ, năm trước lượng cá bổi làm ra bao nhiêu, tiêu thụ được bấy nhiêu, thậm chí chúng tôi còn thiếu hàng cung ứng cho các đầu mối. Năm nay, không hiểu sao giá cá giảm sâu, liên hệ với các đầu mối tiêu thụ tuyến trên thì nói đủ hàng rồi.
Nhiều chủ cơ sở SX cá bổi nhỏ lẻ tại các địa phương trên khẳng định, chính sự ranh mãnh của một bộ phận thương nhân, thu mua cá bổi vùng trên với giá rẻ về, sau đó làm khô và lấy thương hiệu “Cá khô bổi U Minh” để xuất đi, làm biến động giá cả thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến các cơ sở SX và người nuôi.
Nhiều cơ sở SX do không thể cạnh tranh đã ngưng hoạt động, hoặc SX cầm chừng chờ thời. Trong khi đó, lượng cá đã đến thời gian thu hoạch, tồn đọng lại trong dân còn nhiều mà họ không thể bán, hoặc bán được thì giá làm người nuôi đắng lòng.
Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội Thủy sản Cà Mau cho biết: "Cá sặc rằn là đối tượng dễ nuôi, tuy nhiên vốn đầu tư khá lớn và đầu ra rất khó khăn nên quan điểm của chúng tôi là không khuyến khích nuôi. Chúng tôi đang đề xuất quy hoạch lại vùng nuôi bền vững, đặc biệt chú trọng tìm đối tác đảm bảo đầu ra cho sản phẩm."
Nhiều hộ dân không bán được cá cho thương lái địa phương đã lên thị trấn hay thành phố nơi có các cơ sở lớn để tìm đầu ra. Tuy nhiên, nhiều chỗ thì lắc đầu không mua, có chỗ nói giá dưới “đáy ao” nên người dân đành chịu, ngồi thở dài mà chẳng biết kêu ai.
Anh Nguyễn Văn Khuyến, một hộ dân nuôi các sặc rằn tại xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã nhiều năm nay cho biết, hiện nay giá cá bổi loại 8 con/kg chỉ còn 45 ngàn đ/kg, giảm khoảng 25 ngàn đ/kg so với thời điểm này năm trước. Loại 6 con/kg giá hơn 60 ngàn đ/kg, giảm hơn 20 ngàn đkg so với cùng kỳ.
Ông Trần Văn Khoát, hộ dân có gần 1ha nuôi cá bổi thâm canh bức xúc: Chúng tôi phải nuôi cá tới 8 tháng mới có thể thu hoạch, trong khi dân vùng trên chỉ nuôi 4 – 5 tháng là thu hoạch, đỡ tốn công, đỡ tốn tiền thức ăn đương nhiên họ sẽ bán rẻ hơn.
Năm trước giá mỗi kg thức ăn chỉ khoảng 12 – 13 ngàn đồng, năm nay tăng lên tới 16 – 17 ngàn. Tính sơ qua, 1kg cá đến khi thu hoạch mất 2,5 kg thức ăn, cộng thêm các chi phí khác như cải tạo ao đầm, thuê công chăm sóc đều cao hơn năm trước.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng nuôi cá sặc rằn của tỉnh Cà Mau tập trung chủ yếu ở vùng ngọt hóa thuộc các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP.Cà Mau với số liệu thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản Cà Mau trong năm 2013 là 245 ha. Huyện Trần Văn Thời là địa phương có diện tích nuôi cá sặc rằn lớn nhất tỉnh, với gần 200 ha.
Ông Duy Quốc Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết, cá bổi vùng này do được nuôi ở vùng đất bị nhiễm phèn mặn, môi trường nước không được ngọt như các vùng trên. Chính vì vậy con cá chậm lớn hơn, thịt dai hơn, thơm ngon hơn cá ở các nơi khác. Khô bổi địa phương mình đã khẳng định được tên tuổi, được người tiêu dùng rộng khắp biết đến với Thương hiệu “Cá khô bổi U Minh”.
Có thể bạn quan tâm

Ở phía Bắc, cá chép, cá trắm giòn… không còn xa lạ nhưng với nông dân miền Tây, đây là loài nuôi hoàn toàn mới. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin kỹ thuật, tìm tòi học hỏi tài liệu, ông Phạm Đăng Thập (phường Mỹ Thạnh, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) đã thành công khi đem cá chép giòn về nuôi thương phẩm.

Cần đổi mới công nghệ bảo quản hải sản mới nâng cao được chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Trong ảnh: Cá ngừ (bò) được bốc lên xe đưa vào nhà máy chế biến thủy sản.

Các hộ nuôi cá lóc đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ vì giá đang giảm thấp, môi trường nuôi ngày một xuống cấp, chi phí đầu tư tăng cao

Trong khi trang trại đang gặp khó khăn về diện tích, vốn đầu tư thì nhiều mô hình chăn nuôi gia trại tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Chè Việt Nam XK đang vướng vào tình trạng “đã nghèo còn neo” khi giá XK vốn thấp, lại còn bị đối tác nước ngoài trả lại do tồn dư vượt mức cho phép hoạt chất thuốc BVTV, về đến cảng vẫn bị đánh thuế NK đến 40%.