Cá sặc nuôi ế ẩm
ÔNG Trần Đình Vân (thôn Tân Phú) thả nuôi hơn 2.500 con giống cá sặc trong lồng trên sông Trường Giang từ tháng 3.2015.
Qua 6 tháng nuôi đã đến kỳ thu hoạch cách đây hàng chục ngày nhưng đến nay vợ chồng ông vẫn loay hoay đủ cách để tìm mối bán cá.
Ông Vân than thở: “Theo tính toán, qua gần 6 tháng nuôi, chúng tôi chi phí cho con giống, thức ăn lên đến hơn 80 triệu đồng.
Hiện tại, cá nuôi trong lồng có trọng lượng từ 0,4 đến 1kg, trừ hao hụt, xuất bán hết, nếu được trên 1 tấn vẫn chưa hòa vốn vì giá hạ quá mà ngặt một nỗi không có người mua hết chỗ cá này.
Giữ cá lại, mỗi ngày phải tốn 3 - 4 trăm nghìn đồng, mà cá càng lớn càng khó bán”.
Hiện ở thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1) cũng có hàng chục hộ nuôi cá sặc chưa xuất bán được.
Lồng nuôi cá sặc trên sông Trường Giang.
Năm nay, giá cá sặc nuôi từ 90 nghìn đồng/kg tụt xuống còn 65 rồi 60 nghìn đồng/kg.
Giá đã hạ nhưng người mua hạn chế.
Tại thôn Phú Tân, hàng chục hộ nuôi cá sặc lồng nhưng với quy mô nhỏ hơn (mỗi hộ chừng 1.000 con giống).
Các hộ ông Lê Văn Sơn, Lê Văn Bảy, Hồ Văn Mân… tranh thủ xuất cá sớm từ giữa tháng 8 dương lịch, bán được 80 - 85 nghìn đồng/kg.
Tuy vậy, để bán hết số lượng cá sặc nuôi, dù không nhiều, các hộ đã phải xuất từng đợt trong nhiều ngày, mỗi ngày chừng vài chục ký cho tư thương ở Tam Kỳ.
Xuất bán sớm được giá, mỗi hộ nuôi từ 1.000 - 1.500 con cá sặc ở thôn Phú Tân thu lãi trên dưới 20 triệu đồng.
Được giá đầu mùa nhưng đến thời điểm này cá sặc nuôi lại tụt giá mạnh và ế ẩm, nhiều hộ nuôi đang rất lo lắng.
Cá sặc được mệnh danh là “chúa tể” của các loài thủy sản ở vùng sông rạch vì thịt béo, thơm ngon.
Trước đây, ngư dân không dễ đánh bắt được nhưng gần đây, nhiều hộ dân triển khai mô hình nuôi trồng loài thủy sản này.
Nghề nuôi cá sặc phát triển mạnh ở xã Tam Xuân 1, Tam Hòa, thôn Tân Phú từ năm 2013.
Người đi tiên phong trong nghề này ở Tam Xuân 1 là anh Lê Minh Hải (thôn Phú Tân).
Năm 2013, anh vào tận Nha Trang mua 1.000 con giống cá sặc về nuôi.
Cá sặc giống có chiều dài chừng vài phân mua với giá 3 nghìn đồng/con.
Đem giống về, anh Hải làm lồng bọc luới ny lon rộng chừng 30m2, cao khoảng 3m và thả nuôi ở vùng hạ du sông Tam Kỳ.
Năm đó, với giá dao động 80 - 100 nghìn đồng/kg, anh Hải thu lãi 15 triệu đồng.
Anh nói: “Số tiền lãi không phải là lớn nhưng có giá trị cao vì nuôi cá sặc ít tốn công lại dễ nuôi”.
Nhận thấy nuôi cá sặc đem lại hiệu quả khá, năm nay hàng trăm hộ dân vùng ven sông Trường Giang thả nuôi, có hộ nuôi đến vài ba nghìn con cá giống.
Cá phát triển tương đối tốt nhưng người dân đang đối mặt với khó khăn trong việc tìm mối tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê, cánh đồng liên kết vụ hè thu năm 2015 được thực hiện ở 10 huyện, thị với diện tích 31.378,1ha/44.826ha kế hoạch đạt 70%, có trên 16.000 hộ tham gia.
Tính đến thời điểm hiện nay, nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt hạn đầu vụ nên năng suất lúa đạt thấp, trung bình từ 6 - 6,5 trấn/hécta, có khu vực chỉ đạt 4 tấn/hécta.
5 năm trở lại đây, nhờ cây keo có giá nên diện tích cây keo ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã tăng lên đáng kể, nhiều nhất là ở xã Khánh Nam. Một số diện tích đất rẫy đất đồi trước đây trồng bắp, mì kém hiệu quả kinh tế bà con đã chuyển sang trồng keo, đưa diện tích cây keo lại toàn xã hiện nay lên khoảng 1.000 ha, cao nhất huyện.
Huyện Bắc Hà (Lào Cai) có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cây ăn quả ôn đới, trong đó có các loại cây ăn quả đặc sản, như mận, đào, lê…
Hiện thanh long ruột đỏ bán tại vườn chỉ còn 3 - 4 ngàn đồng/kg. Đây là loại trái cây đặc sản Đồng Nai phát triển khá nhanh về diện tích trong vài năm trở lại đây vì có tiềm năng xuất khẩu lớn, do các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản... đã mở cửa cho mặt hàng này. Nhật Bản cũng đã cấp phép cho trái xoài của Đồng Nai, nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu nào cho 2 loại trái cây này.