Cá rô phi xuất hiện dày ở đầm Ô Loan

Cá rô phi được bày bán ven đầm Ô Loan
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Cư, cho biết:
“Thời gian gần đây, khi thả lưới xuống đầm, tôi bắt được đa phần là cá rô phi.
Gia đình tôi có ba chiếc sõng câu, đầu mùa (khoảng tháng 3, 4 âm lịch) thả lưới một đêm bắt 40 đến 50kg cá rô phi.
Những tháng còn lại, trung bình mỗi đêm bắt 10 đến 15kg, có đêm trên đầm có đến 100 người thả lưới bắt cả tấn cá rô phi.
Mấy năm trước, đầm không có loại cá này”.
Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Hiệp, nói: Cá rô phi bắt về bán xa cạ 10.000 đồng/kg; còn phân loại thì cá lớn 15.000 đồng/kg, cá nhỏ 6.000 đồng/kg.
Cá rô phi xuất hiện nhiều nên rất nhiều người đi đánh bắt.
Còn theo anh Nguyễn Hùng (xã An Ninh Đông), đi thả lưới tính bắt cá bống, cá cháo, nhưng ngâm tấm lưới từ đầu hôm đến sáng ra thăm thì chỉ thấy toàn cá rô phi, có tấm lưới dày đặc cá rô phi.
“Tôi để ý thấy thời gian gần đây, quanh đầm Ô Loan có 100 hồ thả tôm nuôi sau hơn một tuần thì hầu như tôm chết sạch, ngược lại, cá rô phi ngày càng sinh sản rất nhiều.
Nhiều người đoán chừng do chúng ăn tạp, to khỏe nên ăn hết các loại tôm, cá con.
Cá rô phi rất háu ăn trong khi hồ nuôi tôm ở đây là hồ hở, cá chui vào sinh sôi nảy nở nhanh nên người dân sợ thả tôm giống mới sẽ bị cá rô phi ăn hết”, anh Hùng nói.
Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước hơn 1.200ha.
Ngư dân năm xã ven đầm (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Hiệp) hàng năm thả nuôi trên 360ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng hiện nay không còn nuôi tôm được.
Ngoài diện tích hồ nuôi tôm, phần diện tích mặt nước còn lại là sò huyết, hàu, cua gạch, cá bống, cá cháo… bản địa sinh sản.
Tuy nhiên những năm gần đây, các loại cá, tôm, cua vắng bóng, ngược lại cá rô phi xuất hiện dày dưới đầm.
Cá rô phi là loài cá ngoại lai sống thích nghi ở vùng nước ngọt, nhưng nay xuất hiện nhiều trong môi trường nước lợ đầm Ô Loan.
Giải thích vấn đề này, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cho hay:
Cá rô phi là loài cá sống ở nước ngọt, tuy nhiên độ mặn trong đầm thấp thì cá sống trong ngưỡng rộng, trong môi trường nước lợ chúng cũng thích nghi nhanh chóng.
Cá rô phi giá trị thấp nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập cho người dân, cá lớn đem bán cho các quán, cá nhỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Điều đáng lo ngại là cá rô phi sinh sôi nhiều lấn át các loài cá, tôm bản địa.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đang tiến hành kiểm tra môi trường nước và tính thích nghi của cá rô phi ở đầm Ô Loan, xem loại cá này có gây hại các loài cá, tôm bản địa hay không.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua huyện Tiên Phước (Quảng Nam) đã đầu tư tạo dựng được rất nhiều khu vườn kinh tế cao, chủ lực là các loại cây như quế, lòn bon, hồ tiêu, măng cụt, dó bầu… Nhưng nay, nhiều vườn đã tan hoang do bão.

Năm 2013, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh Đồng Tháp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình hình chế biến xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá tra cũng không thuận lợi. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, do việc nuôi cá tra đã có sự sắp xếp lại, phần lớn diện tích nuôi cá tra trong tỉnh là các vùng nuôi thuộc 41 doanh nghiệp (chiếm 65,21% diện tích) nên chủ động cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

“Tôi dự định sẽ nhân giống thanh long tím bán cho các gia trại, trang trại bạn nhằm tạo vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Đồng thời, sẽ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này bằng cách đứng ra làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm, cùng bà con phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới” - Anh Trịnh Tiến Mạnh chia sẻ

Việc đưa cây chuối tiêu hồng có giá trị kinh tế vào trồng ở vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam) đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân nơi đây. Thế nhưng, trên thực tế việc trồng tập trung và đầu ra cho sản phẩm chuối lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Người trồng bưởi Năm Roi ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh (Vĩnh Long) đang tỏ ra phấn khởi khi mùa bưởi năm nay, trúng mùa, tốt giá...