Cá rô phi xuất hiện dày ở đầm Ô Loan

Cá rô phi được bày bán ven đầm Ô Loan
Ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã An Cư, cho biết:
“Thời gian gần đây, khi thả lưới xuống đầm, tôi bắt được đa phần là cá rô phi.
Gia đình tôi có ba chiếc sõng câu, đầu mùa (khoảng tháng 3, 4 âm lịch) thả lưới một đêm bắt 40 đến 50kg cá rô phi.
Những tháng còn lại, trung bình mỗi đêm bắt 10 đến 15kg, có đêm trên đầm có đến 100 người thả lưới bắt cả tấn cá rô phi.
Mấy năm trước, đầm không có loại cá này”.
Bà Nguyễn Thị Hồng ở xã An Hiệp, nói: Cá rô phi bắt về bán xa cạ 10.000 đồng/kg; còn phân loại thì cá lớn 15.000 đồng/kg, cá nhỏ 6.000 đồng/kg.
Cá rô phi xuất hiện nhiều nên rất nhiều người đi đánh bắt.
Còn theo anh Nguyễn Hùng (xã An Ninh Đông), đi thả lưới tính bắt cá bống, cá cháo, nhưng ngâm tấm lưới từ đầu hôm đến sáng ra thăm thì chỉ thấy toàn cá rô phi, có tấm lưới dày đặc cá rô phi.
“Tôi để ý thấy thời gian gần đây, quanh đầm Ô Loan có 100 hồ thả tôm nuôi sau hơn một tuần thì hầu như tôm chết sạch, ngược lại, cá rô phi ngày càng sinh sản rất nhiều.
Nhiều người đoán chừng do chúng ăn tạp, to khỏe nên ăn hết các loại tôm, cá con.
Cá rô phi rất háu ăn trong khi hồ nuôi tôm ở đây là hồ hở, cá chui vào sinh sôi nảy nở nhanh nên người dân sợ thả tôm giống mới sẽ bị cá rô phi ăn hết”, anh Hùng nói.
Đầm Ô Loan có diện tích mặt nước hơn 1.200ha.
Ngư dân năm xã ven đầm (An Cư, An Ninh Đông, An Hải, An Hòa và An Hiệp) hàng năm thả nuôi trên 360ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng, nhưng hiện nay không còn nuôi tôm được.
Ngoài diện tích hồ nuôi tôm, phần diện tích mặt nước còn lại là sò huyết, hàu, cua gạch, cá bống, cá cháo… bản địa sinh sản.
Tuy nhiên những năm gần đây, các loại cá, tôm, cua vắng bóng, ngược lại cá rô phi xuất hiện dày dưới đầm.
Cá rô phi là loài cá ngoại lai sống thích nghi ở vùng nước ngọt, nhưng nay xuất hiện nhiều trong môi trường nước lợ đầm Ô Loan.
Giải thích vấn đề này, ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên, cho hay:
Cá rô phi là loài cá sống ở nước ngọt, tuy nhiên độ mặn trong đầm thấp thì cá sống trong ngưỡng rộng, trong môi trường nước lợ chúng cũng thích nghi nhanh chóng.
Cá rô phi giá trị thấp nhưng cũng mang lại nguồn thu nhập cho người dân, cá lớn đem bán cho các quán, cá nhỏ làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Điều đáng lo ngại là cá rô phi sinh sôi nhiều lấn át các loài cá, tôm bản địa.
Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đang tiến hành kiểm tra môi trường nước và tính thích nghi của cá rô phi ở đầm Ô Loan, xem loại cá này có gây hại các loài cá, tôm bản địa hay không.
Related news

Trong đó sản lượng nuôi nước lợ đạt 693 tấn, gồm tôm các loại 631 tấn, các loại thủy sản khác 61 tấn. Sản lượng nuôi nước ngọt đạt 429 tấn, gồm cá các loại 426 tấn, thủy sản khác 3 tấn... Nhìn chung sản lượng các loại thủy sản đều đạt và vượt so với cùng kỳ.

Những ngày qua, hàng loạt ngư dân trong tỉnh An Giang lao đao vì thời tiết giao mùa, cá chết hàng loạt. Cơ quan chức năng của tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo hướng dẫn ngư dân cách phòng ngừa và làm hạn chế thiệt hại… Song, tình trạng cá chết do nguồn nước ô nhiễm vẫn chưa dừng lại.

Với diện tích 1.613 ha cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 1.410 ha, nhưng phần lớn đã già cỗi cho năng suất thấp, khiến cho thu nhập của người dân ngày càng giảm.

50 trang trại chăn nuôi bò sữa, sản xuất tối thiểu 7 triệu kg sữa mỗi năm và tạo ra 345 việc làm. Mỗi trang trại chăn nuôi sau năm năm tham gia dự án sẽ có đàn bò sữa đạt quy mô từ 50-80 con, có đất trồng cỏ và bắp để cung cấp đủ thức ăn cho đàn bò. FrieslandCampina bảo đảm tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu với mức giá cạnh tranh trên thị trường.

Để tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất giống nhân tạo cá chim vây vàng và tổ chức chuyển giao cho người dân tại Khánh Hòa” của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Đại học Nha Trang) đã mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi biển tại Khánh Hòa.