Cá Ngừ Việt Nam Đạt Mức Đấu Giá 22 Triệu Đồng/con
Trong lô hàng cá ngừ của ngư dân Bình Định vừa xuất sang Nhật, một con được bán đấu giá với mức cao gấp 5 lần ở Việt Nam.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ngày 8/8, lô hàng 9 con cá ngừ đầu tiên của ngư dân xuất sang Nhật Bản đã được đem ra bán tại trung tâm đấu giá thủy sản thành phố Osaka (Nhật Bản).
Tại phiên chợ, hai con cá ngừ đại dương được mua với giá hơn 2.100 JPY mỗi kg (tương đương khoảng 440.000 đồng) gấp hơn năm lần giá bán tại Việt Nam. Theo mức giá này thì con cá ngừ đại dương có trọng lượng 50 kg có giá 22 triệu đồng. Số cá ngừ còn lại được bán từ 150.000 đến hơn 300.000 đồng mỗi kg.
Các chuyên gia thủy sản Nhật Bản nhận định, chất lượng lô cá do ngư dân Bình Định đánh bắt chênh lệch không lớn với sản phẩm cùng loại đang bán tại thị trường Nhật Bản. Nếu tiếp tục điều chỉnh, khắc phục một số hạn chế trong khai thác, xử lý và bảo quản, chắc chắn chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn, giá bán cao hơn.
Theo ông Lộc, chuyến biển thí điểm đầu tiên này chất lượng cá ngừ đại dương chưa đồng đều là do bà con chưa tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật đánh bắt theo thiết bị và công nghệ bảo quản do Nhật Bản hỗ trợ, chuyển giao.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ công bố rộng rãi giá bán cá ngừ đại dương ở Nhật Bản nhằm khuyến khích bà con ngư dân nhân rộng mô hình nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, cải thiện thu nhập từ loài thủy sản này", ông Lộc nói.
Trước mắt, tỉnh Bình Định tiếp tục cử cán bộ, ngư dân sang nước này tập huấn kỹ thuật đánh bắt, bảo quản; đồng thời đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi để bà con đóng tàu công suất lớn, đầu tư bộ ngư cụ hiện đại lập tổ, đội để đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản.
Trung bình mỗi năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài nhưng chỉ có 100.000 tấn là cá tươi, 200.000 tấn đông lạnh. Các nước xuất khẩu cá sang thị trường Nhật đã có tới 80% ngư dân sử dụng thiết bị và công nghệ của Nhật Bản.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc thi viết Tự hào Nông dân Việt Nam (THNDVN) lần thứ 2 (2014-2015) do Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức đã kết thúc với gần 1.000 bài dự thi, trong đó đã có 11 tác phẩm được trao giải.
Sáng 6.10, tại Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái diễn ra Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng an toàn, bền vững vùng Trung du miền núi phía Bắc”.
Từ một xã nghèo, nhờ tích cực hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), mọi mặt kinh tế - xã hội của xã Quế Châu (Quế Sơn, Quảng Nam) đều phát triển, đời sống người dân khởi sắc đi lên.
Tại thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà), Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh vừa khởi công xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ nhung hươu với tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 9 tháng thi công.
Để đưa nông nghiệp phát triển thành nền nông nghiệp hiện đại, với năng suất cao tương đương các ngành khác, cần thu hút đầu tư của doanh nghiệp, giúp nối kết nông dân với thị trường.