Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cà Mau Thiếu Con Giống Chất Lượng, Ngành Chăn Nuôi Gặp Khó

Cà Mau Thiếu Con Giống Chất Lượng, Ngành Chăn Nuôi Gặp Khó
Ngày đăng: 11/08/2014

Tập quán lâu đời của người dân miền sông nước là chăn nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, hay nuôi cặp heo để tận dụng thức ăn thừa và để giải quyết khó khăn lúc túng bấn.

Tuy nhiên, cũng từ suy nghĩ trên mà đã nhiều năm nay ngành chức năng khó kiểm soát được dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC).

Việc thiếu con giống chất lượng trong chăn nuôi cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây khó khăn trong quản lý về chăn nuôi của ngành nông nghiệp.

Nằm trong quy hoạch chung của ngành nông nghiệp, đến năm 2020 Cà Mau sẽ có tổng đàn heo hướng nạc là 350.000 con, gia cầm 2,575 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại là 52.560 tấn, trứng gia cầm là 15 triệu quả.

Tuy quy hoạch là vậy, nhưng đến thời điểm tháng 6/2014, tổng đàn heo trong tỉnh đã là 516.461 con, tổng đàn gia cầm hơn 5 triệu con… Như vậy, ngành chăn nuôi có nhiều bước phát triển đáng kể, thế nhưng vẫn chưa có quy hoạch riêng cho ngành này, việc chăn nuôi đa phần vẫn là nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung.

Anh Ðoàn Ðình Toàn, chuyên viên Phòng Kỹ thuật, Sở NN&PTNT, cho hay: “Thực tế hiện nay phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán và tình trạng chăn nuôi tự phát chưa có kiểm soát khá phổ biến, khó áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nên năng suất và chất lượng còn hạn chế, công tác phòng, chống dịch bệnh còn gặp nhiều khó khăn”.

Thiếu con giống chất lượng là thực tế tồn tại nhiều năm nay ở Cà Mau. Anh Ðoàn Ðình Toàn cho biết thêm, hiện nay việc thiếu con giống chất lượng là rào cản lớn nhất để phát triển ngành chăn nuôi. Các công ty lớn cũng ngại đầu tư trang trại trên địa bàn tỉnh cũng vì một trong những lý do này.

Theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay giá thành thức ăn chăn nuôi và con giống ở mức cao, chưa có chiều hướng giảm. Ðã vậy, Cà Mau lại không có nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp và thiếu các cơ sở sản xuất giống, do đó chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trại sản xuất gia súc, gia cầm tập trung. Người dân cũng chưa mặn mà với các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học do chi phí cao lại phải tìm nguồn con giống rất khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, bộc bạch: “Các mô hình chăn nuôi được thí điểm cũng ít. Ðã vậy, sau khi thực hiện xong mô hình, người dân muốn nhân rộng rất khó khăn do không tìm được nguồn con giống chất lượng. Vì vậy, người dân mặc dù đã được tập huấn chăn nuôi an toàn nhưng vẫn quay về với tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình”.

Cà Mau có trung tâm giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường một lượng con giống nhất định nhưng chủ yếu là giống gia súc, chưa có giống gia cầm. Trong khi đó, nhu cầu chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân bình quân mỗi năm khoảng vài triệu con.

Anh Toàn cho biết thêm, con giống chất lượng hiện nay rất khó tìm, đặc biệt là với giống gia cầm. Ða số người dân tự liên hệ lên vùng trên hoặc mua giống trôi nổi ngoài chợ nên năng suất không cao, lại tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Toàn tỉnh có gần 20 cơ sở ấp trứng gia cầm đã đăng ký với Chi cục Thú y, hằng năm xuất lò khoảng vài trăm ngàn con giống, trong khi nhu cầu của người chăn nuôi (luỹ kế 6 tháng đầu năm 2014) trên 2,6 triệu con.

Chính việc cung cấp con giống có chất lượng không đáp ứng nhu cầu đã tạo điều kiện cho con giống trôi nổi có điều kiện xâm nhập thị trường. Hệ luỵ là dịch bệnh xảy ra thường xuyên, hằng năm tỉnh phải tốn hàng tỷ đồng để phòng, chống dịch.

Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau Nguyễn Thành Huy cho biết, xuất phát từ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu tập trung, con giống chất lượng không đủ đáp ứng nên công tác tiêm phòng không đạt chất lượng cao, từ đó vấn đề dịch bệnh khó kiểm soát triệt để.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Pó Xôi Cho Nông Dân Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Pó Xôi Cho Nông Dân

Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) vừa hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật trồng rau pó xôi gồm các nội dung từ khâu chọn giống đến kỹ thuật làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bảo quản theo VietGAP cho hơn 1.300 lượt nông dân và 30 cán bộ khuyến nông tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương (Lâm Đồng).

16/08/2013
Cá Rô Đầu Vuông Nhanh Lớn, Giá Cao Cá Rô Đầu Vuông Nhanh Lớn, Giá Cao

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm.

17/08/2013
Người Nuôi Tôm Hùm Nhơn Hải Thiệt Hại Trên 2 Tỉ Đồng Người Nuôi Tôm Hùm Nhơn Hải Thiệt Hại Trên 2 Tỉ Đồng

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

17/08/2013
Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

17/08/2013
Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

17/08/2013