Cá Đồng Lạc Địa Phát Triển Trở Lại

Để khôi phục nghề nuôi cá đồng từ xưa của nông dân, năm 2002, Sở Thủy sản Bến Tre đầu tư Dự án “Phục hồi nghề nuôi cá đồng Lạc Địa” tại xã Phú Lễ (Ba Tri - Bến Tre).
Theo đó, Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như nạo vét kênh mương, đắp bờ bao, cống thoát nước, phân lô sản xuất và tổ sản xuất. Đến năm 2007, xã Phú Lễ tiến hành thành lập Hợp tác xã nuôi cá nước ngọt Lạc Địa. Tuy nhiên, loại hình này hoạt động chưa phù hợp dẫn đến hiệu quả đạt không cao và giải thể.
Năm 2010, UBND và Hội Nông dân xã Phú Lễ thành lập Tổ nuôi cá nước ngọt Lạc Địa có 15 thành viên tham gia với diện tích 15ha, trong đó có 7,5ha mặt nước. Các thành viên của Tổ được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn vay từ quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư nuôi trồng với số tiền 100 triệu đồng, trong thời gian 18 tháng, lãi suất thấp. Song song đó, ngành chức năng còn thường xuyên chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên để áp dụng vào nuôi trồng nhằm mang lại hiệu quả cao. Từ đó, nông dân mạnh dạn đầu tư nuôi cá, chủ yếu là cá sặc rằn, cá rô phi, cá tra.
Nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên cá nuôi phát triển tốt, hầu hết các thành viên của Tổ nuôi đều đạt được hiệu quả cao. Gần đây, nhiều người thử nghiệm sản xuất cá giống và đã thành công, tạo được nguồn giống đảm bảo chất lượng tại chỗ, hạn chế chi phí. Nhờ sử dụng vốn vay có hiệu quả nên Hội Nông dân tỉnh tiếp tục duy trì nguồn vốn này cho các thành viên của Tổ và sau mỗi kỳ vay số tiền được nâng lên. Năm 2012, Hội Nông dân tỉnh giải quyết cho các thành viên vay 300 triệu đồng.
Sau 18 tháng nuôi, các thành niên của Tổ thu hoạch được 127 tấn cá các loại, bán trừ chi phí còn lãi trên 889 triệu đồng. Bình quân mỗi thành viên lãi 60 triệu đồng. Nuôi hiệu quả nhất là anh Nguyễn Văn Lạc với 3 công mặt nước chuyên nuôi cá sặc rằn, thu trên 6 tấn cá, sau khi bán trừ chi phí còn lãi trên 160 triệu đồng.
Ngoài ra, tận dụng diện tích đất bờ, nông dân còn trồng các loại rau màu, trồng cỏ làm thức ăn nuôi bò để tăng thu nhập.
Có thể nói, Tổ nuôi cá đồng Lạc Địa đã hoạt động có hiệu quả, tạo thu nhập đáng kể, đặc biệt là dần khôi phục nghề nuôi cá đồng nơi đây.
Có thể bạn quan tâm

Tiêu chết nhanh, chết chậm (thối gốc, rễ) luôn là nỗi ám ảnh lớn của người nông dân bởi đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một biện pháp nào để khắc phục hiệu quả căn bệnh này. Với người trồng tiêu huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, năm nay lại là một mùa vụ buồn khi mà diện tích tiêu tàn lụi ngày một tăng. Thậm chí, ở nhiều hộ gia đình, số lượng tiêu sống chỉ còn vài trụ.

Mô hình trồng nấm bào ngư xuất hiện ở TX. Gò Công (Tiền Giang) khoảng 2 - 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, do người mua phôi nấm không rõ nguồn gốc, người bán không chịu trách nhiệm về chất lượng; đầu ra sản phẩm nấm bấp bênh, dễ bị thương lái ép giá… nên không ít người trồng lâm vào cảnh lỗ vốn, bỏ nghề.

Vụ hè thu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thực hiện mô hình sản xuất đậu nành kết hợp bao tiêu sản phẩm tại xã Tân Nhuận Đông, mô hình bước đầu cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa.

Mùa mưa, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi việc trồng cây rau màu gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, thì với nhiều bà con nông dân ở các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) lại là mùa "ăn nên làm ra", nhờ trồng cà tím trên những vùng đất cát.

Giá khoai lang tím Nhật tại huyện Bình Tân (Vĩnh Long) tăng liên tục những ngày qua. Ngày 8/11, thương lái mua khoai tại ruộng giá từ 850.000- 900.000 đ/tạ (60kg). Các loại khoai trắng giấy, trắng sữa cũng tăng thêm từ 20- 30% so đầu vụ.