Cá Cơm Thắng Lớn

Hiện nay giá cá cơm tươi từ 8 - 10 ngàn đồng/kg, tùy theo chất lượng tốt xấu. Cao hơn năm trước khoảng 2 – 3 ngàn đồng/kg.
Hàng năm cứ vào khoảng tháng tháng 9 (âm lịch), mùa đánh bắt cá cơm lại đến. Ngư dân vùng ven biển Tây Cà Mau chuẩn bị ngư cụ ra khơi. Niềm vui của ngư dân năm nay được nhân đôi khi cá cơm trúng mùa, được giá.
Đây là hình thức đánh bắt gần bờ, phù hợp với những ghe tàu nhỏ, đi về trong ngày. Vùng chuyên đánh bắt cá cơm tập trung tại các cửa biển thuộc các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển…, trong đó cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) là hai điểm được người dân tập trung trao đổi mua bán mặt hàng này.
Theo một số ngư dân đánh bắt tại Sông Đốc, năm nay đầu ra con cá cơm rộng mở hơn, không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được các doanh nghiệp chế biến thu mua để XK. Hiện nay giá cá cơm tươi từ 8 - 10 ngàn đồng/kg, tùy theo chất lượng tốt xấu. Cao hơn năm trước khoảng 2 – 3 ngàn đồng/kg.
Anh Trần Thanh Quang, hộ dân chuyên đánh bắt cá cơm, bán tươi cho các doanh nghiệp chế biến tại thị trấn Sông Đốc cho biết: Năm nay ngư dân có thu nhập cao hơn mấy năm trước, nhờ sản lượng đánh bắt khá, giá cá cao. Hơn nữa mùa cá cơm đến sớm hơn mọi năm, ngư dân đã vào vụ đánh bắt hơn một tháng rồi.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trần Văn Thời cho biết: "Mùa khai thác cá cơm từ tháng 9 âm lịch, nhưng tùy theo thời tiết từng năm mà mùa cá cơm dài ngắn khác nhau, thường thì đến gần tết sẽ hết mùa, ngư dân lại chuyển qua khai thác các đối tượng khác. Năm nay cá cơm được giá, sản lượng đánh bắt cũng tương đối nên bà con bám biển có nguồn thu khá".
Với gia đình ông Huyến ở xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời), cứ đến mùa này ông lại đưa ghe biển nhà mình ra neo đậu tại cửa biển Sông Đốc để đón con nước lên, biển êm chờ “săn” loài cá nhỏ này.
Hiện đang đợt lặng biển, hằng ngày ông cùng một người bạn đi cùng thường rẽ sóng ra biển từ 3 – 4 giờ sáng, đánh cá đến gần trưa lại vận chuyển về cửa biển tiêu thụ. Theo ông Huyến, trúng mối một ngày có thể đánh bắt được cả tấn cá tươi, nếu được ít thì mang về phơi khô bán sẽ lời hơn.
Những người đánh bắt cá cơm địa phương tính toán, khoảng 4 kg cá cơm tươi sau khi phơi sẽ được 1kg cá khô. Giá cá cơm khô được thương lái thu mua trung bình từ 45 – 50 ngàn đồng/kg. Cá cơm có 3 loại phổ biến, cá cơm bún (là loại cá cơm nhỏ và trắng như cọng bún), loại này hiếm và đắt nhất, giá lên tới 90 ngàn đồng/kg.
Còn cá cơm đầu nhọn là loại cá phổ biến nhất được bán với giá 50 ngàn đồng/kg và cá cơm đầu bằng, loại cá này dẹt và ít thịt hơn nên giá bán chỉ khoảng 35 ngàn đồng/kg. Với giá cá cơm khô như hiện nay, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 10 ngàn đồng/kg.
Ông Phạm Văn Tình, một thương lái thu mua cá cơm khô cung cấp cho thị trường miền đông Nam bộ và Tây Nguyên cho biết: Giá cá năm nay cao, tuy nhiên thị trường tiêu thụ khá kén chọn, họ chỉ thích loại cá cơm bún và cá cơm đầu nhọn. Hiện mới vào mùa cá cơm chưa lâu nên còn hút hàng. Đặc biệt, vùng Tây Nguyên đang là thị trường dễ tiêu thụ loại cá này nhất.
Thêm vào đó, năm nay một số doanh nghiệp thu mua tươi để chế biến, sau đó XK sang thị trường các nước trong khu vực (chủ yếu là Trung Quốc), chứ không chỉ được phơi khô tiêu thụ nội địa và một phần dùng chế biến nước mắm như trước.
Có thể bạn quan tâm

Nếu như trước đây, huyện Con Cuông (Nghệ An) rộ lên phong trào làm đường giao thông nông thôn thì năm 2013, mũi nhọn được xác định là thực hiện các mô hình kinh tế hộ. Hiện nay, nuôi bò sinh sản ở xã Chi Khê và nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Mậu Đức là những mô hình đem lại hiệu quả...

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 7 cơ sở sản xuất, dịch vụ tôm giống. Hàng năm các cơ sở này sản xuất khoảng 872,9 triệu và dịch vụ 202,3 triệu con tôm giống phục vụ cho nhu cầu thả nuôi trên địa bàn tỉnh.

Giá nghêu thương phẩm ở vùng nuôi nghêu xuất khẩu ven biển thuộc các xã Tân Thành, Tân Điền, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang có giá cao, nông dân nuôi nghêu rất phấn khởi.

Từ năm 1995, định cư tại ấp Phước Xuân, xã An Khánh (Châu Thành - Bến Tre), ông Nguyễn Hữu Thành bắt đầu trở lại với nghề nuôi ong.

Ngày 5-12, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa phê duyệt dự án vận chuyển cá biển nuôi tại Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.