Cà chua đen đắt gấp 10 lần loại thường, chờ cả tuần mới có hàng

Một cửa hàng trái cây ở quận Bình Thạnh cho biết, nguồn cung loại cà chua đen chủ yếu ở Lâm Đồng. Hiện nay, nhiều hộ trồng nhưng chỉ có vài điểm bắt đầu thu hoạch nên hàng còn khan hiếm. Các cửa hàng, đại lý trái cây tranh nhau thu mua nên nhiều khách phải chờ cả tháng mới có hàng.
Một trong những nông dân tiên phong trồng loạt cà chua này ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng là chị Phạm Thị Thanh Thủy. Sau một năm đưa giống cà chua đen về Việt Nam thuần hóa, đến nay, chị Thủy đã phát triển được 3 nhà lồng, hàng tháng cho thu nhập ổn định. Cà chua đen tại vườn có giá 60.000 đồng/kg, đắt gấp 10 lần loại thường, nhưng vẫn không đủ bán.
Lý giải về mức giá cao, chị Thủy cho biết, chi phí đầu tư để trồng giống cà chua này gấp nhiều lần so với giống truyền thống, chưa kể tiền nhập giống từ nước ngoài. Để trồng cà chua đen, nông dân phải đầu từ nhà kính chi phí từ 150 đến 200 triệu đồng/1.000 m2, riêng hệ thống tưới nước nhỏ giọt là 40 triệu đồng. Kèm theo đó, kỹ thuật cấy ghép, chăm sóc khi cây bị bệnh khá phức tạp.
Theo chị Thủy, giống cà chua này có nguồn gốc từ Mỹ. Để phù hợp với khí hậu Việt Nam, khi cây con ươm được 1 tháng tuổi, người trồng phải ghép với cây cà chua đỏ truyền thống, thêm 3 tháng để cây cho quả. Loại cà chua này có thể cho thu hoạch liên tiếp từ 3 đến 4 tháng sau. Mỗi cây cho 5-7 kg quả.
Một vườn cà chua đen trồng trong nhà kính sắp cho thu hoạch ở huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Ảnh: Zen Nguyễn
Chị Thủy cho biết thêm: “Nhiều khách hàng cứ nghĩ đây là cà chua đột biến gen, nhưng thực tế là loại quả lai tạo bằng phấn từ cà tím và cà đỏ. Vườn nhà tôi có hơn 3.000 cây, đều sắp cho ra quả".
Dự kiến, chị sẽ cung cấp khoảng 18 tấn cà chua đen phục vụ thị trường. Chi phí đến tay khách hàng cao, theo chị Thủy, là do qua tay nhiều đại lý, và cước phí vận chuyển cao, 1 kg cà chua ra đến Hà Nội phải chịu 15.000 đồng phí vận chuyển.
Bà Lê Thị Thanh Nga - Trưởng phòng phân tích chất lượng sản phẩm nông nghiệp thuộc Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, cà chua đen có nhiều sắc tố anthocyanin chống oxy hóa rất tốt. Loại quả này hỗ trợ phòng một số bệnh ở người như béo phì, tiểu đường, và có lợi cho hồng cầu…
Chị Phạm Thị Thanh Thủy, một trong những nhà nông tiên phong đưa giống cà chua đen về Việt Nam thuần chủng bằng cách ghép với gốc cà chua đỏ truyền thống. Ảnh: Zen Nguyễn
Người tiêu dùng chuộng cà chua đen như bài thuốc phòng bệnh nhiều hơn là dùng làm thức ăn hằng ngày.
Chị Hiền (quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết: “Hàng tháng, tôi vẫn mua 1-2 kg, để gia đình ăn sống, xem như bài thuốc phòng bệnh. Giá cà chua đen đắt gấp 10 lần loại đỏ, lại khó mua nên chưa sử dụng làm thức ăn hàng ngày được“.
Trong lúc cà chua thường đang mất giá, sức tiêu thụ chậm, nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng, Đơn Dương đã bắt đầu xây dựng nhà kính để chuyển sang trồng cà chua đen. Hầu hết đều lấy giống từ vườn chị Thủy với mức giá 15.000 đồng một cây con. Trên mạng Internet, nhiều cửa hàng, công ty cũng rao bán hạt giống cà chua đen giá 50.000 đồng/10 hạt hoặc 49.000 đồng một cây con sau khi ghép.
Một cửa hàng bán hạt, giống cây trồng ở quận 7, TP HCM, cho biết, khách nên chọn mua cây giống sau khi ghép sẽ an toàn hơn. Vì hạt nhập từ nước ngoài có tỷ lệ nảy mầm thấp, nếu người trồng không biết chăm sóc trong điều kiện phù hợp, cây sẽ chết.
Có thể bạn quan tâm

Vụ đông xuân 2013-2014, tranh thủ thời tiết thuận lợi, có mưa đều rải vụ, sâu bệnh ít cộng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và nỗ lực của bà con nông dân nên kết quả sản xuất hai vụ được mùa.

Sản lượng lớn, chất lượng tốt song khâu bảo quản và tiêu thụ quả tươi vẫn đang là một thách thức đối với người trồng vải. Việc tìm kiếm, ứng dụng công nghệ bảo quản sẽ mở ra cơ hội cho vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) thâm nhập các thị trường "khó tính”, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế.

Vừa qua, tại xã Cao Xá (huyện Lâm Thao), Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tham quan đầu bờ mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK-S khép kín (chuyên dùng) và ứng dụng bản đồ nông hóa trong bón phân cho cây lúa xuân trên đất phù sa.

Trong khi vải thiều tươi của Việt Nam năm nay xuất khẩu qua biên giới nhỏ giọt, thì loại quả này từ Trung Quốc đang xuất ngược sang ta, gây ra nhiều lo ngại.

Đặc biệt, Hải Dương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất vải quả và ổi theo mô hình VietGAP, với hàng ngàn hộ dân tham gia và trở thành địa phương đầu tiên trong vùng vải miền Bắc được chứng nhận VietGAP.