Bưởi da xanh đang lấn các cây trồng
Tại Giồng Trôm và Châu Thành, diện tích trồng mới bưởi da xanh (BDX) tăng rất nhanh trong 6 tháng đầu năm 2015, đã gần bằng diện tích BDX hiện có của TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre (khoảng 610ha). Ở nhiều nơi khác trong tỉnh, nhiều hộ dân cũng đang trồng mới BDX. Thực trạng này, nhiều người lo lắng, hiện việc tăng diện tích trồng BDX như thế có phá vỡ quy hoạch khi Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang được triển khai?
Do giá 1 trái bưởi bằng 1 chục dừa
Anh Lê Tân Kỳ - Chủ nhiệm Hợp tác xã BDX Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) bức xúc nói: Khoảng 5 năm nữa, BDX cũng khó tránh khỏi tình trạng rớt giá như dừa khô hiện nay. Bây giờ, giá 1 trái BDX bằng 1 chục dừa khô nên bà con ồ ạt tỉa thưa vườn dừa để trồng bưởi. Ngay cả ở Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An và nhiều nơi khác của TP. Bến Tre cũng có tình trạng “bưởi lấn dừa”. Trồng mà không theo quy hoạch thì khi cung vượt cầu, sẽ rớt giá; điệp khúc “chặt đốn - trồng mới” sẽ diễn ra.
Tại Châu Thành, ông Nguyễn Anh Quốc - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cùng nhận xét: Diện tích BDX trên địa bàn huyện, nhất là ở các xã cánh Đông như Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, Hữu Định, An Hóa… tăng đáng kể. Trước thực trạng này, ở góc độ quản lý của ngành, ông Quốc cũng băn khoăn vì không biết chắc trong tương lai BDX có giữ được giá như hiện nay, khi sản lượng những năm tới có thể tăng đột biến.
Nhiều nhà vườn trong huyện lo lắng hơn, bởi không những BDX lấn dừa, mà còn lấn cả các loại cây trồng khác như hoa màu, lúa, nhãn, chôm chôm. Tại xã Giao Hòa, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, diện tích BDX tăng từ 138,2ha lên 184,2ha, chủ yếu tại các ấp Long Hội, Long Hòa, Long Thạnh; trong đó, trồng chuyên canh 140ha.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã, năm 2014, diện tích lúa của địa phương còn 42ha, những tháng đầu năm 2015 đã có hơn 30ha lên vườn để trồng BDX. Những mảnh vườn dừa, nhãn cũng được bà con trồng xen BDX và rất có thể sẽ chỉ còn là BDX.
Tại xã Phong Mỹ (Giồng Trôm), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Nhật Trường cho biết: 6 tháng đầu năm 2015, diện tích BDX trồng mới trên địa bàn hơn 42ha (trồng xen hơn 18ha). Một nông dân ở xã này cho biết thêm, bây giờ chỉ cần “đặt lưỡi vá xuống ruộng” là có người của xã mời về làm việc ngay.
Bởi diện tích lúa của địa phương chỉ còn 260ha, trong đó, diện tích lúa thuộc Cánh đồng mẫu là 210ha, mà phong trào lên bờ để trồng BDX, trồng chanh… đang “xôn xao” trên địa bàn, nếu không có sự can thiệp của chính quyền thì chắc chắn khó bảo vệ được diện tích lúa. Một nông dân (xin giấu tên) tâm sự: “Nếu địa phương không cấm thì 3 công đất lúa của tôi cũng sẽ lên vườn đặt dừa và chanh từ lâu rồi”.
Tại đại lý Nguyễn Hoàng thuộc ấp 3, xã Bình Hòa (Giồng Trôm), ông Hoàng - phụ trách Chi nhánh Hợp tác xã Cây giống và hoa kiểng Cái Mơn cho biết: Từ tháng 4 đến tháng 6-2015, thị trường cây giống trên địa bàn huyện “sốt” lên dữ dội, có khi đại lý nhập về gần 1 ngàn cây giống BDX thì chỉ trong 1 ngày là bán hết. Sau cây BDX thì cây chanh cũng bán rất “chạy”. Giá bưởi nhánh có lúc lên đến 57 ngàn đồng/nhánh mà cũng khan hiếm, không đủ hàng để cung ứng.
Cần quan tâm chất lượng và thương hiệu
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, đến năm 2014, diện tích BDX toàn tỉnh là 5.372ha, diện tích cho trái khoảng 3.700ha với sản lượng hơn 42 ngàn tấn. Trong giai đoạn 2010 - 2014, từng năm, diện tích BDX có lúc tăng, lúc giảm. Cụ thể, năm 2010: 4.422ha, năm 2011: 4.144ha (giảm), năm 2013: 4.754ha. Các địa phương có diện tích BDX nhiều như Châu Thành hơn 1.700ha, Mỏ Cày Bắc hơn 1.000ha, Giồng Trôm gần 1.000ha (thấp nhất là Thạnh Phú với 5ha).
Ông Huỳnh Văn Phước - Tổ nhân dân tự quản số 6, ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre) là nông dân có cây bưởi được chứng nhận cây đầu dòng (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chứng nhận năm 2008) cũng không khỏi băn khoăn: “Với việc phát triển ồ ạt diện tích BDX như hiện nay thì không lâu nữa giá bưởi sẽ giảm mạnh. Liệu chất lượng và thương hiệu BDX Bến Tre có còn giữ được hay không, bởi cây BDX không phải trồng ở chỗ nào, vùng đất nào cũng cho chất lượng tốt như nhau”.
Theo bà Lê Thị Đỏ - Trưởng Phòng Kinh tế TP. Bến Tre, theo quy hoạch, thành phố không có diện tích dừa, các xã như Sơn Đông, Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An, Phú Nhuận là những địa phương có quy hoạch vùng BDX nhưng nhiều năm qua, giá dừa ổn định, bà con không chịu chuyển đổi. Phòng Kinh tế thành phố cũng tham mưu cho UBND thành phố sẽ tổ chức hội thảo để chuyển giao kỹ thuật trồng BDX, thông tin thị trường, chính sách hỗ trợ cho bà con thành phố.
Cũng theo bà Đỏ, điều đáng quan tâm là hiện nay BDX của tỉnh vẫn chưa xây dựng được chỉ dẫn địa lý để có thương hiệu chính thức. Nhiều tỉnh, thành trong khu vực đến mua cây giống và trồng với diện tích khá lớn. Đây cũng là nguy cơ làm mất uy tín, chất lượng sản phẩm, thương hiệu BDX Bến Tre.
Anh Lê Tân Kỳ cũng nói: “Coi chừng giống như sầu riêng, BDX cũng có thể “dội chợ” trở về tỉnh thì càng nguy cho bà con nông dân trồng bưởi của tỉnh nhà. Trong một lần đem sản phẩm BDX của hợp tác xã tham gia Hội chợ quốc tế về các mặt hàng nông sản, một đơn vị của nước Nhật có tìm đến gian hàng BDX của hợp tác xã, họ bảo có biết BDX Mỹ Thạnh An rất ngon, vậy nguồn gen của giống cây trồng này có được bảo vệ hay không. Tôi không trả lời được”.
“Chấp nhận cho người dân chuyển đổi” nhưng…
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chấp nhận cho người dân chuyển đổi diện tích nhưng nên chuyển đổi ở vùng đất nào cho phù hợp, có hiệu quả. Cây BDX là loại cây trồng khó tính, cần có sự đầu tư lớn, kỹ thuật cao, nguồn nước tưới phải là nước ngọt. Có nhiều hình thức trồng BDX, có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen trong vườn dừa.
Trong Chương trình Khoa học công nghệ phát triển BDX của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2439, ngày 8-12-2014, UBND tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì để xây dựng 5 đề tài, dự án để đảm bảo chất lượng, sản lượng, vùng sản xuất tập trung, thương hiệu, vị thế, đa dạng hóa các sản phẩm, thị trường tiêu thụ, thị trường xuất khẩu BDX nhằm nâng cao chuỗi giá trị, tăng hiệu quả kinh tế cho người trồng bưởi.
Cái quan trọng nhất hiện nay là các ngành chuyên môn như Chi cục Bảo vệ thực vật, Sở Khoa học và Công nghệ nên sớm chuyển giao khoa học kỹ thuật đại trà để bà con nông dân áp dụng đúng quy trình, hướng dẫn kỹ thuật cho việc trồng bưởi.
Hiện nay, BDX vẫn chưa được xuất khẩu theo con đường chính ngạch mà chỉ có một số ít được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch từ các thương lái. Hợp tác xã BDX Mỹ Thạnh An dù có thương hiệu hẳn hoi nhưng chỉ bán ở thị trường trong nước, tại các siêu thị và chợ đầu mối.
Với sản lượng, diện tích, giá cả như hiện nay, đời sống bà con trồng BDX khá ổn định dù rằng giá bưởi có lúc lên, xuống bất thường (phần lớn do thương lái quyết định). Nhưng vài ba năm nữa, giá cả như thế nào vẫn còn “lơ lửng” đối với người trồng bưởi trong khi diện tích BDX mỗi ngày một tăng. Nói như ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Giao Hòa (Châu Thành), diện tích BDX của địa phương hôm nay là như vậy nhưng ngày mai có thể sẽ khác đi.
Có thể bạn quan tâm
Hơn một tháng nay, nông dân trồng bưởi tại Bến Tre rất lo lắng trước hiện tượng xuất hiện loại sâu mới hại bưởi da xanh. Loại sâu này có màu hồng, thường chọn trái bưởi to, vỏ dày và đục thẳng vào ruột, khiến quả rụng chỉ trong khoảng vài tuần.
Trong chăn nuôi, đặc biệt là heo và gia cầm, các tiến bộ khoa học kỹ thuật như con giống, dinh dưỡng, chăm sóc, quản lý có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Với gia cầm, ngoại trừ cúm H5N1, những yếu tố này đã giúp tạo sự phát triển ổn định những năm qua, đạt năng suất cao.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.
Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.
Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.