Bước Ngoặt Thủy Sản Ở Bình Thuận
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2014 lĩnh vực thủy sản đã tạo bước ngoặt trong đánh bắt và cả nuôi trồng. Cả năm khai thác hải sản được 187.000 tấn, đạt 103% kế hoạch.
Sự chuyển biến đó là kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa, và hiện nay là triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản nhằm thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống ngư dân gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo. Là kết quả khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên để nuôi trồng và sản xuất tôm giống, cá nước ngọt, cá lồng bè trên biển.
Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu và sự khai thác hải sản quá mức trước đây nên nguồn lợi hải sản những năm gần đây ở Bình Thuận ngày càng suy kiệt, tỷ lệ tàu thuyền làm ăn hiệu quả ngày càng ít dần, nhất là tàu thuyền công suất nhỏ đánh bắt tuyến lộng, tuyến bờ.
Để bảo vệ nguồn lợi, nhiều năm nay tỉnh ta đã hạn chế phát triển tàu công suất nhỏ và khuyến khích sắm tàu lớn để đánh bắt xa khơi, cộng với một số chính sách mới của Chính phủ về hỗ trợ đánh bắt xa bờ đã tạo cho ngành thủy sản Bình Thuận ngày càng “bỏ bờ vươn khơi”.
Tàu cá công suất lớn để đánh bắt xa khơi đã gia tăng, toàn tỉnh hiện có 2.372 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên với tổng công suất 681.037 CV, chiếm 80% tổng công suất của 7.402 tàu thuyền toàn tỉnh (riêng năm 2014 đã đóng mới 215 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên). Tàu cá công suất từ 30 CV trở xuống đã ngày càng giảm, trong năm 2014 đã giảm gần 300 chiếc. Với cú hích của Nghị định 67, những năm tới tàu công suất lớn sẽ tiếp tục có điều kiện tăng thêm.
Đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ có tổ chức cơ cấu thuyền nghề hợp lý sau nhiều năm xây dựng đang dần hình thành, nổi rõ là 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ với những điều kiện ràng buộc để được hưởng hỗ trợ của Chính phủ đã làm ăn hiệu quả, mở ra hướng phát triển xa khơi thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và phát triển bền vững.
Sự ra đời của 370 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển với 2.658 tàu tham gia, đã thêm cơ hội cho ngư dân hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả đánh bắt và mạnh dạn vươn khơi giữ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Phát huy lợi thế nuôi và sản xuất tôm giống
Nhờ điều kiện khí hậu, địa hình nên việc sản xuất tôm thịt, nhất là sản xuất tôm giống trong năm 2014 tiếp tục ổn định và có bước phát triển mới.
Như nhiều địa phương trong cả nước, do thời tiết ngày càng biến đổi thất thường, dịch bệnh xuất hiện liên tục, khó khăn về thị trường tiêu thụ nên tình hình nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống sẽ khó khăn hơn. Nhờ dự báo trước điều đó, Chi cục Thủy sản đã tăng cường công tác quản lý giống nhằm đảm bảo con giống đạt chất lượng khi xuất ra thị trường.
Định kỳ Chi cục kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh của cơ sở gắn với tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở duy trì tốt các điều kiện theo quy định, như không sử dụng kháng sinh cấm hoặc thức ăn, thuốc thú y thủy sản không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo dõi chặt chẽ các vùng nuôi tôm thương phẩm, định kỳ lấy mẫu giám sát môi trường và lấy mẫu đột xuất khi nuôi tôm có dấu hiệu bệnh để khuyến cáo cho người nuôi kịp thời xử lý, ngăn chặn không để phát sinh dịch. Nhờ đó năm 2014, các vùng nuôi tôm trong tỉnh không để xảy ra dịch bệnh, sản xuất tôm thương phẩm trên 11.500 tấn đạt 115% kế hoạch, người nuôi tôm có thu nhập khá.
Riêng sản xuất tôm giống tiếp tục thuận lợi, tôm giống xuất đi cả nước, chất lượng giữ vững thương hiệu Vĩnh Tân, đã sản xuất 28 tỷ post đạt 280% kế hoạch. Để tiếp tục phát huy lợi thế nuôi tôm giống ở Tuy Phong, hiện nay tỉnh đang tích cực triển khai đầu tư Dự án khu sản xuất giống thủy sản tập trung tại xã Chí Công giai đoạn 1 với quy mô 90 ha.
Để bước ngoặt năm 2014 tạo đà cho năm 2015 và những năm tiếp theo trên lĩnh vực thủy sản, ngoài sự tăng cường quản lý nhà nước của ngành nông nghiệp, đòi hỏi sự chung tay của các ngành, địa phương và cộng đồng ngư dân trong các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản, tái cơ cấu khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.
Từ đầu tháng 8 đến nay, sâu cuốn lá bùng phát mạnh trên rất nhiều cánh đồng lúa ở Quảng Nam. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 1.200ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng và trổ bị sâu cuốn lá gây hại. Trong đó, khoảng 80ha bị thiệt hại nặng, nhất là các chân ruộng trên địa bàn huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn.
Từ các chương trình và dự án về phát triển nghề nuôi thủy sản nước ngọt, Trung tâm Giống thủy sản và Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức nhiều lớp huấn luyện, xây dựng điểm trình diễn để chuyển giao kỹ thuật ương lươn giống và nuôi lươn thịt. Đây là mô hình giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.
Mấy năm gần đây, nghề nuôi ong trên địa bàn thị trấn Mậu A (Văn Yên, Yên Bái) phát triển mạnh. Tuy là nghề mới nhưng lợi nhuận được cho là “một vốn đôi lời” từ vật nuôi này đang mở hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân trong vùng.