Bước Đầu Phát Triển Mô Hình Nuôi Tằm Ăn Lá Sắn Ở Nậm Nèn
Đầu năm 2014, bản Nậm Nèn 1, xã Nậm Nèn, huyện Mường Chà bắt đầu xuất hiện một số mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Đến nay, sau hơn nửa năm, các mô hình ấy đều đang phát triển tốt, người dân đã thu hoạch được nhiều lứa tằm thịt, tạo thêm nguồn thu nhập đáng kể trong thời điểm nông nhàn.
Hầu hết người dân trong bản Nậm Nèn 1 sống dựa vào ruộng, nương. Ít gia đình có nghề phụ, kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, khi nhận thấy hiệu quả của mô hình nuôi tằm, nhiều người đã đầu tư nuôi thử nghiệm.
Gọi là đầu tư nhưng người dân nơi đây tận dụng gỗ, thanh tre đóng giá nuôi tằm, con giống xin của nhà đã nuôi trước và những lứa sau có thể tự nhân giống nên không mấy tốn kém. Với địa hình vùng cao, bà con nơi đây đã nhiều đời gắn bó với cây sắn nên nguồn thức ăn là lá sắn cho tằm cũng dễ dàng được đáp ứng.
Chúng tôi thăm gia đình chị Lò Thị Ngoái đúng lúc chị đang thay mẻ lá sắn mới cho tằm. Tay vừa trải lá đều lên giá nuôi tằm, chị vừa tâm sự: Nuôi tằm không khó, ai cũng có thể làm được. Người cao tuổi không thể lao động nặng nhọc được thì vẫn có thể cho tằm ăn bình thường.
Gia đình tôi bắt đầu nuôi tằm từ sau Tết 2014. Tôi thường tranh thủ sáng, tối thay thức ăn mới cho tằm. Nhà cũng chỉ nuôi 2 giá tằm nhỏ nên không tốn nhiều thời gian, mỗi tháng bán được 1 lứa trung bình hơn 10kg tằm thịt, 1kg kén, thu được khoảng 1,5 triệu đồng phụ thêm vào chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.
Nuôi tằm ăn lá sắn đang là mô hình kinh tế mới có nhiều hứa hẹn ở Nậm Nèn.
Hầu hết các mô hình nuôi tằm ở Nậm Nèn đều mới hình thành và còn nhỏ lẻ. Các gia đình thường tận dụng diện tích gầm sàn để đặt giá nuôi tằm. Mỗi giá thường được thiết kế 3 tầng, mỗi tầng diện tích khoảng 1m x 1,5m.
Hiện tại, cả xã Nậm Nèn chỉ bản Nậm Nèn 1 có nghề nuôi tằm, vì vậy việc tiêu thụ tằm thịt và kén tằm hết sức thuận lợi. Tằm thịt được người dân mang ra trung tâm xã (cách hơn 1km) bán, kén có người vào tận nhà thu mua.
Gia đình anh Mào Văn Khuyến nuôi 3 giá tằm, mỗi lứa thu được hoảng 20kg, cho biết: “Lứa tằm nào gia đình tôi cũng chỉ mang ra chợ bán trong 1 buổi sáng là hết với giá 100 nghìn đồng/1kg. Giá tằm luôn giữ ổn định, không lên – xuống thất thường nên chúng tôi rất an tâm. Từ khi nuôi tằm, gia đình có thêm đồng ra đồng vào, chi tiêu cũng thoải mái hơn.”
Hiện tại bản Nậm Nèn 1 có gần 10 gia đình phát triển mô hình nuôi tằm ăn lá sắn. Tự đầu tư và học hỏi cách chăm sóc nhưng tằm vẫn sinh trưởng tốt. Tuy người dân mới dừng ở quy mô nhỏ lẻ mang tính chất “công việc tay trái” kiếm thêm thu nhập nhưng nuôi tằm đã bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế, có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Ông Điêu Chính Định, Chủ tịch UBND xã Nậm Nèn cho biết: Nhận thấy nuôi tằm là một hướng phát triển kinh tế mới có nhiều hứa hẹn giúp bà con thay đổi cuộc sống, chúng tôi đang khuyến khích bà con mở rộng quy mô, đồng thời động viên các gia đình tìm kiếm, mở rộng thị trường ra nhiều thôn, bản trong xã, ngoài xã để tạo sinh kế bền vững cho bà con.”
Có thể bạn quan tâm
Càng về những tháng cuối năm, các loại trái cây, rau xanh và nhiều loại nông sản thực phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan lại càng dội vào thị trường nội địa…
Nông dân Việt Nam đang phải đối mặt với muôn vàn rủi ro. Nào an ninh nông thôn, nào phí chồng phí, nào nạn “cường hào mới”... Ngoài điệp khúc “được mùa, mất giá” cứ lặp đi lặp lại trêu ngươi; còn có thêm “trường ca” bi ai là “chặt - trồng, trồng - chặt” ám ảnh.
Trải qua hai thập kỷ phát triển, tính đến năm 2014, cây trồng chuyển gen đã chiếm 12,9% diện tích đất trồng trọt trên thế giới, theo ISAAA (Dịch vụ quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp).
Tạo ra giống chữa bệnh giá cao, sản xuất nguyên liệu dược phẩm từ cám... đang là những giải pháp mới giúp gia tăng giá trị hạt gạo ngoài chuỗi sản xuất khép kín thông thường.
Giảm 105 USD mỗi tấn so với cùng kỳ năm ngoái khiến gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam rẻ hơn Thái Lan 20 USD, Campuchia 80 USD và Brazil tới 160 USD.