Bơm Tạp Chất Vào Tôm Âm Mưu Phá Hoại?
Việc bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu hiện nay diễn ra hằng ngày và dường như không thể kiểm soát
Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu bắt đầu xuất hiện vào năm 1996 ở ĐBSCL. Từ đó đến nay, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn đang nở rộ, nhất là vào thời điểm giáp vụ, khan hiếm nguyên liệu ở khu vực này.
Thấy lãi to là làm
Mỗi năm, chỉ tính riêng vài tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và Sóc Trăng, lực lượng chức năng đã xử lý hàng trăm vụ với hàng trăm tấn tôm nguyên liệu bị bơm chích tạp chất. Trong giới thu mua, chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL đang lưu hành phổ biến 2 loại: hàng nguyên (tôm nguyên liệu chưa bơm tạp chất) và hàng bột (tôm có chích tạp chất). Tuy nhiên, không một doanh nghiệp (DN) chế biến tôm nào dám tự nhận rằng mình “ăn” hàng bột.
Thông qua những người lái tôm, vào cuối tháng 12-2014, chúng tôi thâm nhập một DN thủy sản chuyên sơ chế nguyên liệu cung cấp cho các công ty chế biến tôm xuất khẩu ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ở đây, có hơn 20 công nhân chỉ chuyên làm nhiệm vụ bơm chích tạp chất vào tôm. Những công nhân ở bộ phận khác hay trêu đùa, gọi họ là “bác sĩ tôm”. Tại cơ sở này có hẳn một quy trình chế biến tạp chất để bơm vào tôm rất chuyên nghiệp.
Tạp chất chủ yếu là loại bột trắng có tên gọi Aga, được chứa trong những bao tải lớn. Chất này được pha trộn với nước rồi cho vào nồi lớn nấu thành dung dịch sệt như rau câu. Sau đó, mỗi công nhân lấy một thùng đầy khoảng hơn 10 kg, dùng ống tiêm hút cho đầy ống, bơm vào thân tôm. Cứ 1 kg Aga (giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg) được pha thành 50 lít dung dịch, bơm cho 500 kg tôm.
Như vậy, trọng lượng lô hàng đã được gia tăng lên 10%, kích cỡ tôm cũng tăng lên khoảng 20%. Giới kinh doanh tôm đánh giá bơm tạp chất vào tôm sẽ thu lợi nhuận như... buôn ma túy bởi mỗi ký tôm bơm tạp chất thu lợi bất chính gần 100.000 đồng.
Coi chừng dính bẫy thương lái Trung Quốc
Một lái tôm tên là Quốc ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) tiết lộ con tôm hàng bột khi vào đến xí nghiệp chế biến phải trải qua ít nhất 3 lần bơm. “Đầu tiên là các thương lái nhỏ lẻ tiến hành bơm ngay sau khi thu mua trong dân, sau đó các vựa thu mua ở địa phương bơm thêm 1 lần nữa trước khi bán lại cho lái lớn như chúng tôi. Trên đường vận chuyển, do bị sốc, tạp chất trong tôm bị rò rỉ ra ngoài. Để không bị lỗ, chúng tôi phải đưa vào một cơ sở chuyên bơm chích tạp chất thuê ở TP Cà Mau bơm lại trước khi đưa vào công ty tiêu thụ”.
Ông H., một chủ vựa tôm ở TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), cho biết rất ít xí nghiệp chế biến thủy sản từ chối mua tôm bột do phải cạnh tranh nguyên liệu khốc liệt với những xí nghiệp khác. “Khi mua phải tôm có bơm tạp chất, các xí nghiệp phải tốn nhiều chi phí để xử lý, do đó, họ chẳng ưa gì nhưng nếu không mua thì không có nguyên liệu để chế biến” - ông H. nói.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau), trước đây nạn bơm tạp chất chỉ diễn ra nhiều ở các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng nhưng giờ đây đã có ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, tới
TP HCM, Bình Thuận và tận một số tỉnh phía Bắc. Thậm chí có những nhà máy chế biến cá ở trong khu công nghiệp nay chuyển sang chế biến tôm, họ đầu tư hẳn dây chuyền hiện đại để bơm tạp chất. “Hầu hết tôm bơm tạp chất đều được xuất sang Trung Quốc. Việc này làm ảnh hưởng đến những DN làm ăn chân chính, làm xấu hình ảnh tôm Việt Nam” - ông Quang bức xúc.
Vì sao DN thủy sản Trung Quốc chủ trương mua tôm bơm chích tạp chất của Việt Nam? Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), lý giải: “Thật ra, từ lâu, thị trường Trung Quốc đã chuộng tôm có tạp chất vì họ mua được với giá rẻ, cung cấp cho người tiêu dùng dễ tính tại Trung Quốc. Thế nhưng, việc Trung Quốc thu mua tôm có tạp chất với giá cao là rất bất thường. Nếu không vì cạnh tranh nguyên liệu thì chắc chắn là âm mưu hạ uy tín của tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Do đó, người dân và DN phải hết sức bình tĩnh, thận trọng và phải thực hiện cam kết “nói không với tôm tạp chất” bằng hành động cụ thể chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu nhưng lại âm thầm chấp nhận sống chung...”.
Kiên quyết dẹp!
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết tại hội nghị góp ý cho Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 19-12 ở TP HCM, nhiều địa phương cho biết tình trạng bơm tạp chất vào tôm hiện đã được hạn chế rất nhiều. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tình hình rất nóng bỏng, báo động. “Vì vậy, chúng tôi sẽ đi xác minh các thông tin này” - ông Điền nói.
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 22-12, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, đánh giá: Việc bơm tạp chất mới chỉ diễn ra trên tôm sú, tuy nhiên, nhiều người lo ngại nếu không dẹp bỏ tình trạng này thì e rằng sẽ diễn ra trên tôm thẻ chân trắng, khi ấy sẽ rất nguy hiểm, vì vậy phải kiên quyết dẹp!
Về thông tin cho rằng có yếu tố nghi ngờ phá hoại kinh tế từ nước ngoài thông qua hoạt động bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, ông Nguyễn Huy Điền cho rằng thông tin này cần phải được xác minh, điều tra kỹ lưỡng. “Sắp tới đây sẽ có sự vào cuộc của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại); lực lượng an ninh, cảnh sát môi trường và nhiều lực lượng khác cùng với các chế tài đủ mạnh thì tình hình sẽ được kiểm soát triệt để” - ông Điền nhìn nhận.
V.Duẩn
Có thể sẽ bị xử lý hình sự
Ngày 1-8-2014, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển - đặc biệt là các tỉnh trọng điểm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang - tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định đối với các cơ sở nuôi trồng, khai thác, thu gom, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến, kinh doanh thủy sản nhằm ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, TAND Tối cao cùng các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương nghiên cứu hành vi tổ chức, tham gia đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất kinh doanh tôm có chứa tạp chất để các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung tội danh mới trong Bộ Luật Hình sự.
Có thể bạn quan tâm
Theo Quyết định số 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, mục tiêu phát triển diện tích cây cao su của Việt Nam đến năm 2015 là 800.000ha và giữ diện tích ổn định ở mức này.
Từ kết quả trên, xã Nga Tiến tiếp tục cải tạo 34 ha cói kém hiệu quả sang trồng lúa. Để hỗ trợ nông dân trong vùng chuyển đổi diện tích trồng cói kém hiệu quả, UBND huyện Nga Sơn tiếp tục cơ chế hỗ trợ về giống lúa, khoa học sản xuất thâm canh cây lúa và đầu tư các công trình thủy lợi phục vụ tốt cho yêu cầu sản xuất.
6 tháng đầu năm, XK thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều tăng tương ứng là 7,32%, 51,33% và 35,28%...
Ngày 5/8, tại TP Cần Thơ, nhiều đại biểu dự hội nghị “Bàn các giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản ĐBSCL” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức đã đặt vấn đề: Nói ĐBSCL thiếu gạo như chuyện không tưởng. Vậy một lượng lúa gạo lớn đang nằm ở đâu?
Địa phương trồng nhiều cây sắn dây hiện nay ở Nam Đàn (Nghệ An) có các xã: Nam Thanh, Nam Nghĩa, Nam Xuân, Nam Anh, Nam Lộc, Vân Diên,… Trong đó, xã Nam Anh là xã có truyền thống và kinh nghiệm trồng sắn dây lâu đời nhất ở Nam Đàn.