Bỏ Tôm, Nuôi Cá Chẽm
Những năm gần đây, do nuôi tôm thua lỗ nên người dân ven đầm Thủy Triều ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi cá chẽm. Tuy nuôi cá đang mang lại hiệu quả cao nhưng không ít người dân vẫn tỏ ra lo lắng.
Chuyển hướng
Cách nay chừng 2 - 3 năm, vùng đìa nuôi trồng thủy sản ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc luôn vắng vẻ, đìu hiu do bị bỏ hoang. Nhưng hiện nay, nơi đây đang tất bật chuẩn bị thu hoạch cá chẽm.
Gặp chúng tôi khi đang cho cá ăn, ông Lê Văn Minh chia sẻ, cũng như những gia đình khác, trước đây gia đình ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 đìa nuôi với diện tích hơn 1,5ha. Nhưng do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, thiệt hại nhiều vụ lên đến cả trăm triệu đồng. Vì vậy, cách đây 2 năm, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm sang nuôi cá chẽm.
Cá chẽm dễ nuôi, phát triển ổn định, lại được giá nên mỗi năm gia đình ông thu được hàng trăm triệu đồng. “Hiện gia đình tôi có 1 ao cá (0,5ha) sắp thu hoạch, dự kiến sẽ thu được khoảng 10 tấn cá; trừ chi phí đầu tư nuôi trong 8 tháng khoảng 500 triệu đồng; với giá cá 85.000 đồng/kg như hiện nay, ao cá này cho lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng. Ngoài ao cá sắp xuất bán này, tôi còn 2 ao cá đã nuôi được hơn 6 tháng” - ông Minh nói.
Cách đìa nuôi của gia đình ông Minh không xa là đìa nuôi của gia đình bà Phạm Thị Xuân Đào, diện tích các ao nuôi hơn 1ha. Bà Đào cho hay: “Nếu so sánh thì nuôi tôm thẻ chân trắng đầu tư thấp, chỉ khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha, thời gian nuôi ngắn, nếu không bị dịch bệnh thì con tôm mang lại lợi nhuận rất cao.
Nuôi cá chẽm đầu tư tuy lớn, gấp 10 lần nuôi tôm; thời gian nuôi kéo dài 8 tháng đến 1 năm nhưng do cá ít bị dịch bệnh nên người nuôi yên tâm hơn. Vì vậy, nhiều người dân trong vùng đã bỏ tôm chuyển sang nuôi cá chẽm”.
Vụ nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2012, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Suối Cam) đã thua lỗ gần 100 triệu đồng. Trước tình hình đó, bà Lan quyết định bỏ hoang đìa nuôi. Đến đầu năm 2014, thấy nhiều hộ trong xã đầu tư nuôi cá chẽm hiệu quả nên bà cũng đầu tư nuôi cá.
Bà Lan vui mừng chia sẻ: “Nuôi cá được cái yên tâm chứ không phải lúc nào cũng thấp thỏm lo âu như nuôi tôm. Gia đình tôi đầu tư nuôi 8.000 cá giống trên diện tích ao 0,5ha; đến nay cá sắp xuất bán, tỷ lệ hao hụt chỉ 20%, với giá cá như hiện nay thì ao nuôi này sẽ cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng”.
Hiệu quả nhưng vẫn lo
Trò chuyện với chúng tôi, nhiều hộ nuôi cá chẽm tại xã Cam Thành Bắc cho biết, với giá cá hiện nay, trung bình 1ha nuôi cá chẽm có thể cho nông dân lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng là giá cá cao sẽ không duy trì được lâu, khi cá chẽm được thu hoạch rộ, giá sẽ bị ép xuống thấp.
“Thực tế trong 5 - 6 năm trở lại đây, giá cá chẽm lên xuống rất thất thường, điều này phụ thuộc vào sản lượng cá; có thời điểm giá chỉ còn 45.000 đồng/kg, nên nhiều hộ nuôi từ hòa đến lỗ một phần tiền đầu tư. Việc đầu tư nuôi cá chẽm cần vốn lớn, nhiều gia đình dù muốn đầu tư cũng không đủ vốn để nuôi… Đây là những khó khăn chính trong việc nuôi cá chẽm hiện nay” - ông Minh chia sẻ.
Theo ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc, toàn xã có 80ha nuôi trồng thủy sản. Do nuôi tôm thua lỗ từ những năm trước nên hiện vẫn còn 15ha ao đìa chưa được người dân thả nuôi. Hiện nay, trong các đối tượng nuôi thì cá chẽm đang mang lại hiệu quả cao nhất, bởi loại cá này ít dịch bệnh và giá bán cao.
Trước tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi sang nuôi cá chẽm, UBND xã liên tục khuyến cáo người dân không nên nuôi quá nhiều, tránh trường hợp sản lượng lớn, việc tiêu thụ chậm sẽ bị thương lái ép giá dẫn đến lãi ít, thậm chí có thể thua lỗ. “Trong kế hoạch nuôi trồng thủy sản của xã, cao điểm diện tích cá chẽm chỉ chiếm 50%, phần diện tích còn lại dành để nuôi: tôm, ốc hương, cá mú…” - ông Thọ nói.
Qua trao đổi với những hộ nuôi trồng thủy sản tại xã Cam Thành Bắc, nhiều ý kiến cho rằng, nghề nuôi trồng thủy sản hiện nay đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, nông dân rất mong doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trực tiếp cho bà con với giá cả ổn định.
Bên cạnh đó, đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay để đầu tư sản xuất. Ngoài ra, ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ nông dân trong việc kiểm định chất lượng con giống, môi trường nuôi... để có khuyến cáo kịp thời cho người dân, tránh xảy ra dịch bệnh.
Ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết: Thời gian qua, diện tích nuôi cá chẽm trên địa bàn xã không ngừng tăng. Toàn xã có 80ha nuôi trồng thủy sản nhưng hiện có hơn 50ha ao đìa nuôi cá; sản lượng cá thu hoạch đến nay đã hơn 112 tấn, đến cuối năm lượng cá thu hoạch dự kiến vượt 250 tấn.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2007, Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam Bộ, Sở KH-CN Đồng Nai bắt tay thực hiện chiếu xạ năng luợng hạt nhân để tạo ra giống bưởi mới mang tính đặc trưng, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật mới.
Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn huyện Đại Lộc tất tả thu hoạch dưa hấu vụ đông xuân. Trên nhiều cánh đồng dưa hấu, nông dân khẩn trương thu hoạch bán cho thương lái để xuất sang Trung Quốc.
Hiện nay sản phẩm tôm chiếm 65% trên tổng số lượng và giá trị xuất khẩu thủy sản của Khánh Hòa. Nghề nuôi tôm nói chung và nuôi tôm chân trắng nói riêng đã trở thành một hoạt động kinh tế quan trọng của tỉnh, đặc biệt là các vùng ven biển, nơi con tôm đang mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ nuôi trồng.
Những năm gần đây, ngoài sản xuất vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa mùa trong năm, nhiều nông dân tỉnh Kiên Giang còn tự phát gieo sạ vụ lúa Thu Đông (hay còn gọi là lúa vụ 3) để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sản xuất lúa vụ 3 được đánh giá là lợi bất cập hại khi rủi ro rất cao.