Bỏ Nghề Cơ Khí, Về Nuôi Hàng Độc
Là thợ cơ khí lành nghề với lương khá cao, nhưng anh Võ Lợi ở Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lại bỏ nghề để mở trang trại nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và bồ câu Pháp.
Đầu năm 2013, anh Võ Lợi vào TP.HCM để tìm hiểu mô hình nuôi trĩ đỏ. Trở về, anh nuôi thử 1 con trĩ trống và 3 con mái. Theo anh Lợi, đặc tính của loại chim này ăn ít (chỉ bằng 1/3 lượng thức ăn của gà nhốt chuồng) và rất dễ sống. Chim trĩ sinh sản liên tục từ tháng 2 đến tháng 10.
Không như các loài khác, trĩ mẹ không có khả năng ấp trứng. Hiểu được đặc tính đó, anh Lợi đã dùng gà để ấp. Khả năng trứng nở đạt tiêu chuẩn lên đến 80%. Giá thành phẩm của loại chim quý hiếm này rất cao, từ 320.000 đến 350.000 đồng/kg. Mỗi con mái trưởng thành có thể đẻ 70 đến 90 trứng, giá bán từ 35.000 đến 40.000 đồng/con cái.
Cuối năm 2013, đàn chim trĩ của anh phát triển hơn 60 con, anh bán hết chỉ giữ lại 4 con giống. Từ nguồn thu đó, anh đầu tư nuôi gà Đông Tảo. Gà giống được anh tìm mua từ Hưng Yên. Loại gà này nuôi từ 6 đến 8 tháng là có thể sinh sản và xuất chuồng, giá thịt từ 350.000 đồng/kg. Mỗi con gà trưởng thành có trọng lượng từ 3,5 đến 4,5kg. Trung bình mỗi ngày, anh Lợi thu gần 500.000 đồng từ trứng chim trĩ và gà Đông Tảo.
Bên cạnh đó, anh cũng đang sở hữu trên 200 chim bồ câu Pháp và bồ câu gà. Khả năng sinh sản của bồ câu rất cao. Giá 1 cặp bồ câu trưởng thành là 230.000 đồng. Trong trang trại hơn 1,5ha, anh Lợi trồng hơn 2.000 cây gỗ sưa và ươm giống để cung cấp cho những hộ lân cận, đồng thời tạo cảnh quan thoáng mát cho nuôi gà.
Việc vệ sinh chuồng trại được anh quan tâm đặc biệt, nhờ đó, từ khi nuôi tới nay, trang trại chim, gà của gia đình anh chưa mắc một dịch bệnh nào. Hỏi về thu nhập, anh cho hay, năm đầu tiên, gia đình anh lãi gần 100 triệu từ chim, gà thịt và trứng. “Mình rất hứng thú với công việc trang trại. Mình sẽ thử nghiệm nuôi thêm nhiều loài khác”, anh Lợi chia sẻ. Anh Trương Quốc Hùng - Chủ tịch hội nông dân phường Phú Bài cho biết: “Trang trại của anh Lợi là một điểm cho bà con trong phường đến tham khảo”.
Có thể bạn quan tâm
Tình trạng khai thác thủy sản hủy diệt, làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Các khu bảo vệ thủy sản (BVTS) ở đầm phá được thành lập, ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng ngư dân được nâng cao.
Sáng 8-11, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp Gia Lai đã tổ chức tổng kết Liên minh sản xuất mật ong bền vững Ia Grai.
Giá gà thịt nuôi thả vườn ở huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang)... tăng cao, làm người nuôi phấn khởi vì có lãi lớn.
Ngày 7-11, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành và 4 huyện tham gia thí điểm đầu tư hạ tầng vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, gồm: Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và Trảng Bom.
Vào giữa năm 2002, cả tỉnh Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy. Theo đó, những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh Bình Thuận được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi bò. Thế rồi, đại bộ phận đồng bào đã có từ 1 - 2 con bò do các cơ quan được chỉ định mua bò giống, cung cấp. Nhiều hộ nuôi từ 1 - 2 con trước đây, vài năm sau có 4 - 5 con, thậm chí có đàn trên dưới 25 con. Ông Mai Sên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Chương trình phát triển đàn bò 04, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho 3.160 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay 22.035 triệu đồng để mua 4.680 con trâu, bò. Trong đó, có 186 con bò đực giống trị giá 1.928 triệu đồng…