Gỡ gánh nặng cho doanh nghiệp, người nuôi cá tra xuất khẩu
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa đổi, bổ sung Nghị định 36.
Thông tin trên đã tạm cởi được “gánh nặng” cho các doanh nghiệp, người nuôi.
Nuôi tự phát sẽ khó tồn tại
Có thể nói nhiều năm qua, người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn trong tình trạng thua lỗ, nợ vốn ngân hàng, nợ tiền vật tư.
Theo ông Vương Học Vinh, giảng viên trường Đại học An Giang, phần lớn người nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long thường không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, dẫn đến tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi cao (trên 50%).
Các hộ nuôi sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan, nguồn nước nuôi ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến dịch bệnh kéo dài, khó kiểm soát.
Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra thường làm theo đơn đặt hàng.
Tỷ lệ hàng bị trả về hoặc “bán tháo” thường cao.
Nhiều doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu cũng tham gia làm hàng xuất khẩu.
Bởi vậy, việc tranh mua, tranh bán trong vùng nguyên liệu diễn biến phức tạp.
Khi giá xuất khẩu xuống thấp, doanh nghiệp "bỏ chạy," người nuôi lâm vào cảnh không bán được cá, dẫn đến thua lỗ kéo dài.
Nhiều nông hộ ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp...phải phá sản, treo ao.
Trước thực trạng trên, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP để quy hoạch và đưa ra các quy chuẩn đối với việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Nhưng từ khi Nghị định có hiệu lực thi hành từ 20/6/2014, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương lại kêu ca khó thực hiện vì nhiều quy định chưa phù hợp.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một số tỉnh chậm rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nuôi, chế biến cá tra ở địa phương.
Việc làm này ảnh hưởng đến tiến độ cấp mã số ao nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGap).
Đến nay, mới có gần 50% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGap, trong khi Nghị định 36 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGap và các chứng nhận quốc tế tương đương.
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, từ tháng 1-9, diện tích thả nuôi cá tra Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 2.700ha, giảm 3%.
Diện tích thu hoạch hơn 2.600ha, giảm 5%.
Sản lượng đạt hơn 744.000 tấn, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoài.
Hợp tác sản xuất theo VietGap
Theo ông Nguyễn Văn Phú, ấp Hòa Khánh, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, Đồng Tháp, gia đình nuôi cá tra từ năm 2007 với diện tích 1,2ha.
Mới đầu, gia đình gặp nhiều khó khăn vì mất nhiều vốn đầu tư, con giống, kỹ thuật nuôi, và đầu ra.
Nhưng từ năm 2010 ông Phú liên kết với doanh nghiệp thu mua là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Vương và công ty cung cấp thức ăn thủy sản Sao Mai, mô hình đã dần đi vào sản xuất ổn định, đồng thời mở rộng diện tích nuôi lên 2,8ha.
Ông Phú chia sẻ, trên thực tế, nhiều nông dân nuôi cá tra thiếu sự liên kết, bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp nên dễ rơi vào tình trạng thiếu vốn.
Doanh nghiệp khi không liên kết với nông dân dễ bị thiếu nguyên liệu chế biến.
Trường hợp doanh nghiệp tự mở rộng vùng nuôi phải mất nguồn vốn lớn.
Khi nuôi tập trung cũng dễ phát sinh dịch bệnh, gây thiệt hại lớn về năng suất, sản lượng.
Theo ông Trần Văn Hài, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Tiến chia sẻ, nhà máy chế biến của Phát Tiến hoạt động với công suất 180 tấn nguyên liệu/ngày.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định và chất lượng, thời gian qua, Công ty liên kết với các hộ nông dân để nuôi cá tra nguyên liệu.
Công ty cung cấp cơ sở hạ tầng, vốn và con giống, thức ăn, thuốc thủy sản cho người nuôi.
Khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua theo giá thị trường.
Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ 1:3 cho nông dân và doanh nghiệp.
Cho đến thời điểm này, Phát Tiến đã đầu tư cho 10 hộ nuôi cá tra với diện tích 40ha.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ngành cá tra tổ chức lại sản xuất theo hướng chuỗi giá trị là cách thức gắn kết chặt chẽ và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các khâu nuôi, chế biến và xuất khẩu.
Trong đó, các địa phương chú trọng mô hình quản lý cộng đồng như hợp tác xã, nhóm, hiệp hội nuôi cá tra; phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên để đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ cho ngành cá tra./.
Có thể bạn quan tâm
Theo quyết định của Bộ Thương mại Mỹ, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được đưa ra khỏi danh sách điều tra lần này và tiếp tục hưởng mức thuế 0%, trong khi thuế suất áp dụng cho tập đoàn Hùng Vương và 23 công ty khác giảm mạnh từ 1,2 USD/kg xuống còn 0,58 USD/kg.
Ngày 3/7/2014, UBND tỉnh có Quyết định số 3088/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch đốm trắng ở tôm trên địa bàn xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; vùng bị dịch uy hiếp tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Chuyên môn là kỹ sư tự động hóa nhưng sức hút và niềm đam mê nuôi lươn đã trở thành động lực khiến anh trở thành “kỹ sư thủy sản” lúc nào không hay. Với việc tạo ra lươn sinh sản thành công, chàng trai trẻ Hồ Văn Trung đang phát triển mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế cao…
Cá rô đầu vuông một thời là vật nuôi chủ lực của nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, do thị trường không ổn định, giá thức ăn liên tục tăng nên hiện tại hàng ngàn hộ nuôi cá rô đầu vuông trong khu vực đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 3/7/2014, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 3088/QĐ-UBND về việc công bố hết dịch đốm trắng ở tôm trên địa bàn xã Hưng Hòa, Thành phố Vinh và xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc; vùng bị dịch uy hiếp tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.