Bình Thuận Thêm Một Hướng Làm Giàu Cho Nông Dân
Ông Hồ Văn Nhung vốn là cựu thanh niên xung phong của Nông trường quốc doanh La Ngà. Năm 1983, xuất ngũ về quê nhà ở khu phố 5, phường Đức Long, Phan Thiết, Bình Thuận. Thời điểm đó, cuộc sống gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn.
Năm 2006, ông được Hội Nông dân tỉnh đưa đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của những chủ trang trại nuôi ba ba, cá sấu, bồ câu Pháp… ở tỉnh Bình Phước. Về nhà ông cứ trăn trở mãi: “Tại sao người ta có thể làm giàu còn mình lại không?”.
Ông đem suy nghĩ của mình bàn bạc với vợ và cuối cùng vợ ông đồng ý thử nghiệm mô hình. Vậy là năm sau, vợ chồng ông cùng vào Bình Phước mua 50 cặp bồ câu. Lúc đầu ông nuôi tại nhà số 1/17 đường Trần Lê, phường Đức Long.
Đàn bồ câu ngày càng phát triển nên ông chuyển về thôn 2, xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc. Hiện tại Trang trại Giống gia cầm vật nuôi Hòa Bình của ông có 670 cặp. Hướng đến nuôi bồ câu thương phẩm, ông cùng những người bạn ở xã Thiện Nghiệp mở lò mổ gia cầm tập trung. Sản phẩm bồ câu ra ràng đang được tiêu thụ tại siêu thị Lotte - Phan Thiết.
Rồi một lần “lang thang” trên mạng, ông thấy mô hình nuôi gà Đông Tảo ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Gà Đông Tảo là giống quý hiếm bậc nhất, chỉ ở nước ta mới có. Giống gà này có đặc điểm là cặp giò xù xì và to khủng khiếp. Chăm sóc kỹ, gà rất mau lớn, con trống trưởng thành cân nặng 6 kg và con mái chừng 4 kg. Đây là giống gà quý hiếm nên được Nhà nước bảo tồn nguồn gen và hỗ trợ kinh phí chăn nuôi.
Một lần nữa ông lại đón xe ra tận xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tìm gặp ông chủ nuôi gà Đông Tảo. Sau mấy ngày học hỏi kinh nghiệm nuôi giống gà thuần chủng này, ông quyết định mua 5 con gà trống và 10 con gà mái đem về Bình Thuận với giá 20 triệu đồng.
Sau một thời gian gầy dựng đàn gà, hiện tại ông đủ giống để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Giống gà này dễ nuôi, đẻ nhiều. Một ký thịt gà thương phẩm lên đến 350.000 đồng nên cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, vì gà có trọng lượng lớn và nhất là cặp giò to nên không dám để gà tự ấp trứng (sợ trứng bể) mà phải ấp trong lò với nhiệt độ 37,5 oC, trong vòng 21 ngày là nở.
Tham quan trang trại của ông Hồ Văn Nhung không chỉ có bồ câu Pháp, bồ câu Mỹ, gà Đông Tảo mà có cả chim trĩ. Ông Nhung chia sẻ: Với đặc điểm dễ nuôi, không cần đầu tư nhiều, thức ăn, chuồng trại, trong khi hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi chim trĩ đỏ đã mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc lựa chọn giống vật nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế địa phương cũng như gia đình mình.
Chim trĩ đỏ nuôi giống như nuôi gà nhưng từ khi mới nở đến lúc xuất chuồng lượng thức ăn của chim trĩ đỏ chỉ bằng một nửa lượng thức ăn của gà, giá bán theo thời giá hiện tại là 450.000 đồng/kg. Sau hơn 5 tháng nuôi, con trống đạt từ 1,2 - 1,4 kg, con mái đạt trọng lượng từ 0,8 - 1 kg.
Và sau 8 tháng nuôi, chim mái bắt đầu đẻ trứng, bình quân đẻ 100 trứng mỗi năm. Hiện tại Trang trại giống gia cầm vật nuôi Hòa Bình cung cấp chim trĩ trưởng thành với giá 1- 1,5 triệu đồng/cặp, kèm theo giấy phép của cơ quan kiểm lâm.
Có thể bạn quan tâm
Anh Trần Quốc Việt, cư ngụ tại ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long (Bạc Liêu) là người thành công với mô hình đa canh, đa con kết hợp khép kín với quy mô diện tích gần 05 ha. Nhờ biết tận dụng diện tích đất sẵn có và vận dụng sáng tạo những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm nên anh đã thực hiện mô hình sản xuất tổng hợp: 02 vụ tôm sú kết hợp 01 vụ cua, cá rô phi; 01 vụ lúa kết hợp với tôm càng xanh; nuôi cá sấu, cá bống tượng, mỗi năm thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng.
Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình đã nhập nuôi khảo nghiệm và nhân giống thành công gà Sao thương phẩm (hay còn gọi là sao Lôi, gà Nhật, gà Phi hay chim trĩ châu Phi).
Trong vụ 1 nuôi tôm chân trắng năm 2013, người dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã thả nuôi 2.000 ha, chiếm 50% diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh. Những địa phương có diện tích thả nuôi lớn là: Ninh Hòa, Vạn Ninh. Vụ nuôi này, người nuôi tôm đã có sự đầu tư, quản lý chặt từ con giống đến môi trường nước, chất lượng thức ăn.
Nông nghiệp đô thị (NNĐT) Bình Dương thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong thời gian tới, NNĐT sẽ có những bước phát triển mới nhờ các chính sách hỗ trợ tích cực hơn từ các ngành chức năng.