Lãi Cao Nhờ Tỏi Sẻ
Như một cơ duyên, vùng đất Dốc Đá Trắng, thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) có địa chất, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp với cây tỏi sẻ Lý Sơn nổi tiếng của Quảng Ngãi. Vài năm nay, những hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng tỏi sẻ đã có những vụ mùa bội thu.
Đến ruộng tỏi xanh ngát của hộ nông dân Bùi Dân sau Tết Ất Mùi, chúng tôi mới cảm nhận hết niềm vui của anh. Anh Bùi Dân là một nông dân quê gốc ở huyện đảo Lý Sơn. Năm 2008 anh và gia đình di cư vào thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng sinh sống và lập nghiệp.
Ngay từ khi còn ở Lý Sơn, gia đình anh đã nhiều năm trồng cây tỏi sẻ và nay trên vùng đất thôn Xuân Đông, cây tỏi sẻ vẫn là cây trồng chính, làm điểm tựa kinh tế cho gia đình. Ban đầu anh chỉ trồng tỏi ở mảnh vườn sau nhà, sau hơn 6 năm trồng, anh tích cóp gần cả tỷ đồng để đầu tư mua thêm đất và đến nay đã tăng diện tích trồng lên đến hơn 1,6 ha. Bình quân mỗi năm sau vụ tỏi, gia đình anh thu lãi trên 150 triệu đồng/ha.
Gần đó là hộ anh Trần Trung Tiến, cũng là hộ có diện tích trồng cây tỏi sẻ lớn trong thôn, với hơn 7.000m2. Hàng năm anh trồng xen canh nhiều loại cây như dưa hấu, đậu phụng trên cùng chân đất trồng tỏi nên bước đầu cho thu nhập cao. Tuy nhiên, điều trăn trở hiện nay của anh Tiến là làm sao để cây tỏi sẻ ở xã Vạn Hưng có đầu ra ổn định, tránh trường hợp khi có nhiều hộ trồng, cùng lúc thu hoạch dễ bị ép giá.
“Để cây tỏi phát triển lâu dài, nông dân chúng tôi mong muốn các cấp, địa phương quan tâm ổn định thị trường. Mặt khác, chúng tôi rất cần cán bộ tập huấn khoa học kỹ thuật và hướng dẫn sản xuất. Nếu làm được như thế thì cây tỏi sẽ phát triển bền vững và là một trong những cây trồng cho thu nhập cao đối với bà con nông dân ở địa phương”, anh Trần Trung Tiến bày tỏ.
Toàn xã Vạn Hưng hiện có trên 100 hộ trồng tỏi với hơn 50ha, phần lớn tập trung tại thôn Xuân Đông. Đây là vùng đất giáp biển, có địa hình đất cát vôi phù hợp với cây tỏi sẻ. Những năm qua, từ một, hai hộ trồng tỏi nhỏ lẻ, đến nay do hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ học tập cách làm, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, diện tích sản xuất mỗi năm luôn tăng.
Tuy nhiên, hiện nay các hộ còn trồng tự phát nên cần được các cấp, ngành quan tâm hướng dẫn cách làm đất, cải tạo độ màu mỡ cho đất, hướng dẫn cách bảo quản giống và phòng trừ sâu bệnh gây hại để mô hình trồng tỏi sẻ phát triển bền vững.
Ông Phạm Tám, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vạn Ninh cho biết: “Đến nay, bà con nông dân ở khu vực thôn Xuân Đông, Xuân Tây có khoảng 110 hộ trồng tỏi với diện tích hơn 51ha. Cây trồng này giúp ổn định đời sống, tăng thu nhập, giải quyết việc làm hàng năm cho bà con nông dân. Tuy nhiên cái khó hiện nay là bà con sản xuất ngày càng nhiều, nhưng sản phẩm đầu ra chưa có thị trường ổn định.
Chúng tôi cũng có hướng giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, nhất là đưa vào các siêu thị. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để bà con xây dựng thương hiệu, từ đó sẽ ổn định trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Hy vọng mô hình trồng tỏi sẻ này sẽ giúp bà con nông dân phát triển kinh tế ổn định, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Vạn Ninh”.
Cây tỏi sẻ Lý Sơn được xuống giống vào cuối tháng 10 âm lịch và cho thu hoạch cuối tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm thời tiết thuận lợi, giúp cây tỏi sinh trưởng tốt, đạt sản lượng cao. Sản lượng bình quân đạt trên 10 tấn tỏi tươi/ha, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Trừ chi phí, người dân có thể thu lãi 150 triệu đồng/ha. Có thời điểm tỏi được mua với giá gần 40.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm
Vụ lúa Hè Thu ở Vĩnh Long đang thu hoạch rộ. Mặc dù vụ này trúng mùa nhưng nông dân không vui vì giá lúa ở mức thấp. Bên cạnh đó, mưa rả rích những ngày qua làm ruộng lúa lầy lội, nhiều chủ máy gặt cũng lợi dụng cơ hội này “làm giá” nông dân.
Vụ đông xuân này, ngoài "bể bồ" do lúa lai mang lại thì nông dân Mộ Đức lại tiếp tục ghi điểm với mô hình "Cánh đồng 20 tấn". Đây có thể được xem là "Cánh đồng mẫu" đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi, tạo bước đột phá về năng suất và thói quen canh tác, sản xuất lúa theo hướng chuyên canh.
Giá cà phê và tiêu ở nhiều địa bàn như Lâm Đồng, Đăk Lăk Bình Phước… đang có chiều hướng giảm. Đi liền đó là hiện tượng không ít diện tích tiêu đang bị bệnh, năng suất giảm đáng kể khiến nông dân vô cùng sốt ruột.
Ngày 20.4, ông Võ Tấn Đại - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Bình Dương (Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, địa phương đang vào vụ thu hoạch ớt vụ đông xuân 2011- 2012.
Phần lớn lúa đông xuân niên vụ 2011-2012 đang còn ở trên đồng, nhưng nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL đã lại nôn nóng xuống giống lúa vụ xuân hè (hè thu sớm) trên diện tích lớn. Và một diện tích lớn vụ này đã sớm bị nhiễm rầy nâu.