Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hà Nội Cung Lớn, Giá Rau Xanh Ổn Định

Hà Nội Cung Lớn, Giá Rau Xanh Ổn Định
Ngày đăng: 05/03/2015

Sau Tết, do thời tiết nắng ấm nên rau xanh phát triển tốt, nguồn cung theo đó cũng khá dồi dào. Đáng chú ý, mặc dù giá rau xanh tại các chợ trong nội thành bị đẩy lên cao, song tại các vùng sản xuất rau ở ngoại thành, giá bán vẫn khá ổn định.

Giá không tăng

Có mặt tại vùng sản xuất rau an toàn của HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) những ngày này, hình ảnh dễ thấy là những ruộng rau cải chíp, cải ngọt, cải mơ đang độ cho thu hoạch tươi xanh mơn mởn.

Chị Nguyễn Thị Mậu, xã viên HTX Tiền Lệ cho biết, từ Mùng 5 Tết, người dân bắt đầu thu hoạch rau đem bán nhưng phải từ Mùng 10 trở đi, lượng hàng bán ra mới nhiều. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình chị Mậu thu hoạch được khoảng gần 100kg rau các loại. "Giá các loại rau ăn lá trung bình khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương thời điểm áp Tết chứ không tăng đột biến" - chị Mậu cho biết.

Điều đáng mừng là ngoài tiêu thụ ở chợ đầu mối, hiện nay, tại HTX Tiền Lệ đã có Công ty CP Đầu tư Giao Long (thương hiệu rau sạch Liên Thảo) về thu mua một phần sản lượng rau tại ruộng cho bà con nông dân. Theo thống kê, hiện toàn HTX Tiền Lệ còn khoảng 20ha rau đang cho thu hoạch, sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 2 - 3 tấn/ngày. Trong số đó, loại rau đang có giá cao nhất là cải mâm xôi từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, còn lại vẫn ở mức tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với thời điểm trong Tết.

Trong khi các loại rau ăn lá giữ được mức giá ổn định, nhiều loại rau dài ngày, rau lấy củ, quả như su hào, cải bắp, súp lơ... vẫn bán với giá khá thấp. Đến vùng rau Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức thời điểm này mới thấy rõ nỗi buồn của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Bé, thôn Phương Viên chia sẻ, giá cải bắp chỉ 1.000 đồng/kg, su hào 1.000 - 1.500 đồng/củ bán buôn và 2.000 đồng/củ bán lẻ. Mức giá này có nhỉnh hơn so với thời điểm trong Tết, song vẫn chưa đảm bảo nông dân có lãi. "Cũng may là thời điểm này còn bán được rau chứ trong Tết thì không có người mua" - bà Bé ngậm ngùi.

Tích cực vào vụ mới

Cùng với thu hoạch diện tích rau màu đúng độ tuổi xuất bán, bà con nông dân các vùng rau đang tích cực làm đất, gieo trồng lứa mới. Theo các hộ nông dân, thời tiết như hiện nay dễ làm cho bọ nhảy phát sinh gây hại. Do đó, phòng trừ bọ nhảy là biện pháp quan trọng để đảm bảo năng suất, chất lượng rau, nhất là các loại rau ăn lá.

Với gần 40ha rau vào vụ mới, ông Hoàng Văn Tùng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, HTX đang hướng dẫn bà con dùng vôi bột để xử lý đất và mua giống rau tại các địa chỉ có uy tín. Đặc biệt, Thanh Đa là một trong những vùng rau trọng điểm của TP và đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Do đó bà con nông dân đã được hướng dẫn quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng rau.

Tại vùng rau Tiền Lệ, do tập quán chuyên canh rau ăn lá nên bà con nông dân đang chuyển sang các chủng loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết ấm như rau dền, rau muống, cải ngọt... Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tiền Lệ cho biết, để tránh bọ nhảy hại rau, HTX khuyến cáo bà con nông dân sử dụng ni lông để quây quanh ruộng. Đồng thời sử dụng các biện pháp sinh học khác để phòng trừ sâu bệnh. Được biết, bước vào vụ mới này, toàn HTX Tiền Lệ trồng khoảng trên 10ha rau.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến nay, toàn TP đã gieo trồng được khoảng 4.000ha rau vụ Xuân. Trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tích cực triển khai hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp xử lý sâu bệnh bằng phương pháp sinh học như trồng rau che phủ ni lông, bẫy bả protein trừ ruồi, sâu khoang, ngâm nước vào ruộng để xử lý mầm bệnh...

Tại các chợ trong nội thành, giá rau xanh vẫn đang ở mức khá cao so với giá bán từ vùng sản xuất. Cụ thể, giá cải bắp 4.000 - 5.000 đồng/kg; cải chíp, cải ngồng, cải ngọt 25.000 đồng/kg; cải cúc 4.000 đồng/mớ; su hào 3.000 - 4.000 đồng/củ...


Có thể bạn quan tâm

Phát triển vườn cây ăn trái Phát triển vườn cây ăn trái

Hơn 414.000ha trái cây các loại với sản lượng khoảng 4,3 triệu tấn mỗi năm, vùng Nam Bộ được mệnh danh là nơi sản xuất và xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước. Mấy năm gần đây việc sản xuất trái cây được ngành chức năng quan tâm, nhiều địa phương xem trái cây là thế mạnh đột phá giúp nông dân làm giàu; nhờ đó mà diện tích trái cây tăng nhanh.

22/06/2015
Cần bộ giống cho cây đinh lăng Cần bộ giống cho cây đinh lăng

Dự báo trong mùa mưa năm nay, nông dân sẽ đổ xô trồng cây đinh lăng bởi giá trị kinh tế của nó vượt xa so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên Bình Phước hiện nay vẫn chưa chọn được loại giống đinh lăng nào phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của tỉnh.

22/06/2015
Cao su tăng giá, người trồng vẫn không vui Cao su tăng giá, người trồng vẫn không vui

Hiện giá mủ cao su được thương lái thu mua ở mức 12.000 đồng/kg mủ đông, tăng 4.000 đồng/kg so với giá bình quân năm 2014. Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, hai năm liền cao su giảm tái tạo mủ, năng suất thấp nên người trồng cao su không vui.

22/06/2015
Nỗi buồn khoai môn Nỗi buồn khoai môn

Khác với tâm trạng phấn khởi trong những vụ khoai môn trước đây, không khí thu hoạch khoai môn vụ hè thu 2015 ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) diễn ra khá buồn tẻ. Khoai môn rớt giá, thương lái không chịu thu mua, nhiều ruộng khoai môn tới ngày thu hoạch nhưng chủ ruộng chẳng màng thu hoạch.

22/06/2015
Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa Mô hình cánh đồng rau VietGAP chuyển đổi từ đất lúa

Xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 2.322,65 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 2002,78 ha. Năm 2013, xã đã thực hiện được 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

22/06/2015