Bình Phướcn ông dân đang mạo hiểm với hồ tiêu giống lạ Malaysia
Đó cũng chính là “mũi tên” trúng 2 đích của quảng cáo giống tiêu lạ được người bán đặt tên “tiêu Malaysia” với giá “cắt cổ” ở cả xứ sở chuyên cung cấp giống tiêu truyền thống cho toàn quốc là 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp.
Gốc, thân, ngọn và lá đều to gần gấp đôi so với các giống tiêu truyền thống nên người bán dễ quảng bá chất lượng của tiêu Malaysia. Trong ảnh là vườn tiêu Malaysia của gia đình ông Nguyễn Văn Long
Mùa trồng mới năm 2014, giống tiêu Malaysia được đưa từ Campuchia vào Lộc Ninh bằng đường tiểu ngạch với quảng cáo “siêu năng suất” và nhiều người săn lùng mua với giá “khủng” 500 ngàn đến 1,5 triệu đồng/dây. Người bán giống là của một công ty Malaysia trồng ở Campuchia nên lấy tên là “tiêu Malaysia”.
Năm nay đã có nhiều người trồng và kinh doanh giống tiêu này, giá bán từ 170 - 500 ngàn đồng/dây, tương đương 2-3 triệu đồng/nọc.
Thạc sĩ Võ Ngãi, Trưởng trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Lộc Ninh cho rằng: Khả năng chống chọi với bệnh của cây phải bắt đầu khi tiêu đi vào kinh doanh (năm thứ 3 trở lên) và đánh giá năng suất bằng nhiều tiêu chí nên chưa thể khẳng định dây to, ngọn khỏe, chuỗi dài là tin vào khả năng kháng bệnh cũng như năng suất của giống “tiêu Malaysia”...
Giá "khủng"
Năm 2014, khi thực hiện phóng sự “Thực hư tiêu ghép trên cây trầu rừng Amazon”, tôi đã được nghe nhiều nông dân ở Lộc Ninh khao khát muốn tìm mua cho bằng được một vài dây tiêu lạ có tên là “tiêu Malaysia”.
Giá các giống tiêu truyền thống như Ấn Độ, Vĩnh Linh, tiêu sẻ lúc này dao động 250 - 300 ngàn đồng/nọc (25 - 30 ngàn đồng/dây) nhưng giá “tiêu Malaysia” là 1,5 triệu đồng/dây và rất hiếm, chỉ nghe người trồng bàn tán là có chuỗi dài hơn 2 lần so với tiêu Vĩnh Linh (giống đang được bán nhiều nhất).
Đầu tháng 8-2015, đang mùa xuống giống, theo đoàn cán bộ tuyên truyền vận động thành lập Hội hồ tiêu Lộc Ninh, chúng tôi đến ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn gặp nông dân Nguyễn Văn Tài, có gần 30 năm trồng tiêu đang trồng thử nghiệm 10 nọc tiêu giống lạ Malaysia, giá 500 ngàn đồng/dây (mỗi nọc trồng 2 dây, giống 1 triệu đồng).
Anh Tài cho biết:
“Năm 2014 ở Thạnh Tây có 1 hộ trồng 300 nọc giống tiêu này, bán giống 3 triệu đồng/nọc nên nhà báo có thể đến tham quan”.
Chị Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cũng cho biết:
“Tại Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh lần thứ X, diễn ra trong 3 ngày từ 5 đến 7-8, hộ nông dân ở xã Lộc Tấn muốn trình diễn giống tiêu này nhưng lo bị mất nên bỏ ý định”.
Những ngày đầu tháng 9 này, mùa trồng mới đã đi vào cuối vụ nhưng đi đến đâu tôi cũng nghe nông dân bàn tán, giá bán tiêu giống Malaysia đã hạ nhiệt, dao động từ 150-170 ngàn đồng/dây... Nếu ai có vài ba trăm nọc tiêu Malaysia cũng đã có thể thu tiền tỷ .
Ông Nguyễn Văn Long ở tổ 5, ấp Măng Cải, xã Lộc Tấn có 100 nọc tiêu giống Malaysia cho biết: “
Giá bán chỉ 150-170 ngàn đồng/dây (2 triệu đồng/nọc) nhưng đã có một người mua giống của tôi đem lên Gia Lai bán với giá 500 ngàn đồng/dây. Nhờ năm nay cắt giống bán sớm, tiêu phát triển kịp cắt ngọn bán lứa thứ 2. Mỗi nọc tiêu Malaysia tôi thu về 4 triệu đồng bán giống”.
Chưa rõ thực hư
Cây tiêu giống Malaysia của ông Long có gốc và thân to gần gấp đôi so với giống tiêu truyền thống như Vĩnh Linh, Ấn Độ và tiêu sẻ cùng trồng trong vườn.
Tiêu Malaysia lá to gần gấp đôi và có hình tròn và lên khỏe. Đây chính là tố chất để người bán giống quảng bá về khả năng kháng bệnh của giống tiêu này.
Ngoài nọc đã cắt giống bán, ông Long cũng để lại mấy gốc tiêu kinh doanh nay đã ra chuỗi dài hơn. Và tuy chưa có trái đóng trên chuỗi nhưng ông Long khẳng định “như đinh đóng cột” tiêu Malaysia năng suất vượt trội và dung lượng bình quân là 700 gram/lít (tiêu 500 gram/lít trở lên là đạt tiêu chuẩn xuất khẩu).
Thạc sĩ Võ Ngãi cho biết: Hiện trạm đã báo cáo về Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật để theo dõi. Nếu có kết quả tốt sẽ bổ sung thêm vào bộ giống.
Thực tế cho thấy, chuỗi dài chưa thể kết luận được năng suất và chất lượng mà phải dựa trên các yếu tố như mật độ đóng trái và dung lượng của hạt. Bởi khoảng 10 năm trước đã có giống “tiêu trâu” được trồng nhiều ở các xã Thanh Hòa, Thiện Hưng, huyện Bù Đốp.
Giống tiêu trâu chịu được hạn lâu nhưng do trái thưa và nhẹ nên nông dân loại bỏ dần. Hiện nay, giống tiêu chủ yếu là trao đổi mua bán trong nông dân, Nhà nước chưa quản lý được vì không có đại lý bán và giống không có nhãn hiệu của nơi sản xuất.
Tuy nhiên, 3 giống tiêu chủ lực đang trồng ở Đông Nam bộ và các tỉnh Tây Nguyên vẫn là Ấn Độ, Vĩnh Linh và tiêu sẻ. Ba giống tiêu này đều có đủ các tiêu chuẩn tốt về năng suất, dung lượng và phù hợp với đất đai, khí hậu ở cả 6 vùng trọng điểm trồng tiêu của cả nước.
Lộc Ninh và Bù Đốp hàng chục năm nay đã trở thành trung tâm cung cấp tiêu giống cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.
Người trồng tiêu Lộc Ninh, Bù Đốp có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất hồ tiêu, kể cả sản xuất giống. Giống tiêu theo phương thức cắt ngọn chỉ lấy được ở năm đầu tiên.
Ở Tây Nguyên tiêu được trồng trên nền đất mới (chưa tái canh) nên phát triển nhanh và năng suất cao gấp đôi so với tiêu già, tiêu tái canh ở Bình Phước. Và với giá tiêu từ 120-200 ngàn đồng/dây, theo tính toán của nông dân, để tiêu kinh doanh (từ năm thứ 2) vẫn cho lãi nhiều hơn là bán giống.
"Việt Nam chiếm hơn 30% sản lượng hồ tiêu thế giới và gần 60% thị phần xuất khẩu. Năng suất tiêu Việt Nam cao gấp 3-6 lần so với các nước trồng tiêu trọng điểm như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Brazil…
Tiêu Việt Nam có dung lượng từ 500-550 gram/lít, trong khi các nước trồng tiêu khác chỉ đạt 450-500 gram/lít.
Hạn chế của ngành hồ tiêu Việt Nam là chỉ xuất khẩu thô, không bảo đảm chất lượng do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác nên giá thấp hơn so với các nước. Nếu nông dân sản xuất theo hướng tiêu sạch, bền vững, giá có thể cao hơn 10-15%."
Bà Nguyễn Mai Oanh, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện Phú Thiện gieo trồng gần 8.400 ha cây trồng các loại, trong đó lúa với diện tích 6.066 ha gồm các giống lúa như: HT1, Ma Lâm, Q5, OM4900, hương cốm, tám thơm, DV 108….; còn lại là các loại cây lương thực khác (bắp 350 ha), thực phẩm (rau các loại, đậu), cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, thuốc lá, khoai lang) và cây công nghiệp dài ngày (mía trồng mới 800 ha).
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực nghiệm nhiều mô hình trồng cây mắc ca trên địa bàn các huyện: Kbang, Mang Yang, Chư Pah, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa và nhiều hộ dân các huyện: Kông Chro, Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Prông và TP. Pleiku tự đầu tư trồng mắc ca. Đến nay, diện tích cây mắc ca toàn tỉnh là 215,6 ha. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế của nó vẫn còn bỏ ngỏ.
Vượt qua trở ngại về tuổi tác, điều kiện sức khỏe, ông Ksor Jú (làng Kom Yố, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) luôn nêu gương sáng trong lao động sản xuất, trở thành trụ cột về tinh thần lẫn vật chất cho gia đình và giúp đỡ những người khó khăn trên địa bàn.
Những năm qua, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) giúp cho nông nghiệp ở Bắc Quang có những bước tiến đáng kể với năng xuất, sản lượng lương thực dẫn đầu toàn tỉnh. Để tiếp tục tạo đột phá, năm 2015 huyện Bắc Quang bắt đầu triển khai Kế hoạch dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), chỉnh trang đồng ruộng. Đây là điều không còn lạ, nhưng mới ở Hà Giang.
Hiện nay, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, đang ở giai đoạn quyết liệt để sẵn sàng cho chặng đường cuối về đích trong năm nay.