Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Săn Tôm Hùm Giống

Săn Tôm Hùm Giống
Ngày đăng: 22/04/2014

Không biết từ bao giờ, nghề săn tôm con - thường gọi là tôm hùm giống trở thành nghề chính của hàng ngàn ngư dân ven biển miền Trung. Cái nghề có khi kiếm được vài triệu đồng mỗi đêm.

Những “thợ săn” trên biển

Biển miền Trung mùa này êm ả. Những chiếc bẫy tôm hùm giống giăng đầy mặt biển ven bờ rồi kéo ra tận những đầm, phá. Một ngày trung tuần tháng 4, theo chân anh Bùi Văn Chiến, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, chúng tôi có dịp trải nghiệm nghề săn tôm hùm trên vịnh Nha Trang.

Chiều đã xế bóng, anh Chiến ngồi ở đầu mũi thuyền công suất hơn 20CV, tự tay buông những cái bẫy trong sóng biển đong đưa. Trong chốc lát, gần 100 chiếc bẫy tôm đã được anh thả xuống biển, phao bẫy tôm trắng xóa nổi lềnh bềnh trên mặt biển.

Sáng hôm sau, anh Chiến khoe bẫy của anh dính liền 3 con, trong đó có 1 con tôm hùm sao. Với giá bán hiện nay, 3 con tôm anh kiếm được hơn 1 triệu đồng.

Theo anh Chiến, trước đây, khi nghề nuôi tôm hùm lồng mới bén duyên trên dải đất Nam Trung bộ, nghề săn tôm hùm giống vẫn ít người biết đến vì nhu cầu tôm giống không cao.

Thế rồi, khi những bè nuôi tôm hùm dày đặc, nhu cầu tôm giống cũng tăng theo. Từ chỗ có hơn 10.000 đồng/con tôm hùm giống, nay gấp hàng chục lần. Ngày trước, người ta thường lặn bắt tôm hùm giống ở các rạn đá san hô, về sau người dân nảy ra sáng kiến lấy những cục đá san hô nhỏ khoan nhiều lỗ bằng đầu chiếc đũa tre để dụ tôm vào đó.

Hàng trăm cục đá san hô ấy được buộc vào một sợi dây thừng bện chắc chắn, người bẫy tôm thường gọi là dây triên, có gắn phao xốp rồi thả xuống nước. Hàng đêm, tôm hùm con đi kiếm ăn, gặp những tổ nhân tạo bèn chui vào trú ngụ. Những chiếc bẫy tôm hùm được đặt nhiều ngày dưới lòng biển, mỗi ngày người bắt tôm hùm đi kiểm tra bẫy một lần. Nơi nào thường có tôm hùm dính bẫy, nơi đó bẫy được đặt ngày càng nhiều.

Trong giới bẫy tôm, họ thích nhất bẫy được tôm hùm sao - loại tôm có giá bán cao nhất hiện nay. Anh Nguyên Thế Hải, một ngư dân ở xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, cho biết cách đây 2 năm, có đêm anh trúng liền 5 triệu đồng nhờ bẫy được tôm hùm sao có đến vài chục con.

Anh Hải không phải là số hiếm trong những người kiếm ra tiền triệu mỗi đêm. Ở vùng chài ven biển Vĩnh Lương - một trong những địa phương có nghề săn tôm hùm giống đầu tiên và nhiều nhất Khánh Hòa từ hàng chục năm qua, nên rất nhiều người sống khá giả nhờ nghề này.

Ông Hai Tơn, một ngư dân có thâm niên 40 năm trong nghề biển, chia sẻ: “Trong số những người làm nghề biển tại xã thì có khoảng 30% người làm nghề săn tôm hùm giống. Trước đây, săn tôm hùm giống kiếm tiền khá dễ dàng, nhưng 5 năm trở lại đây nguồn tôm hùm giống ít dần nên thu nhập của dân săn tôm cũng bấp bênh”.

Chưa cấm được bẫy tôm

Nghề nuôi tôm hùm lồng ngày càng phát triển tại miền Trung, trong khi đó nguồn tôm giống ngày càng khan hiếm, bởi vậy tôm hùm giống ngày có giá. Tại Khánh Hòa, hiện có gần 20.000 lồng bè nuôi tôm hùm thương phẩm, do đó phải cần hàng triệu con tôm giống mỗi năm.

Vào những vụ mùa nuôi thả tôm hùm, nhiều chủ lồng bè đi khắp nơi mua tôm giống, đôi lúc việc thả tôm chậm trễ cả tháng trời vì không tìm đâu ra giống. Theo anh Ngô Văn Thắng, một chủ nuôi tôm hùm tại Cam Ranh, giá tôm hùm giống đang ở mức 350.000 - 450.000 đồng/con, cao hơn những năm trước khoảng 100.000 đồng/con. Chính vì giá tôm giống cao nên nhiều hộ dân không kham nổi vốn để đầu tư, chỉ thả tôm cầm chừng.

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, dự tính năm 2014, toàn tỉnh có 19.000 lồng tôm hùm (năm 2013 là 18.842 lồng). Hiện nay, tôm hùm giống chưa thể tiến hành sinh sản nhân tạo, nghề nuôi tôm hùm lồng hoàn toàn phụ thuộc vào việc khai thác tôm hùm con ngoài tự nhiên nên khá bấp bênh. Hiện khả năng tôm hùm giống khai thác ở các vùng biển Khánh Hòa chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, số còn lại trông chờ nguồn giống từ các địa phương khác và giống nhập khẩu từ nước ngoài.

Hơn nữa, vùng biển Nha Trang có quá nhiều bẫy tôm hùm nên đã ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động du lịch. Mới đây, tỉnh Khánh Hòa ra “tối hậu thư” nghiêm cấm việc đánh bắt tôm hùm giống trên vịnh Nha Trang. Tuy cấm là vậy, nhưng những thợ săn tôm hùm giống vẫn bám biển, bởi đây là nguồn sống của nhiều cư dân vùng biển này. Hơn nữa muốn chuyển đổi nghề cũng cần có vốn liếng, trong khi tiền vay từ các ngân hàng phúc lợi khó khăn, nên nhiều người lo lắng.


Có thể bạn quan tâm

Áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm nước Áp dụng giải pháp tưới tiết kiệm nước

Áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp với tưới phân có thể gia tăng năng suất từ 10 - 40%. Không những vậy, phương pháp này đã tiết kiệm nước so với tưới truyền thống từ 20 - 40%

26/05/2015
Hợp tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản Hợp tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản

Tổng cục Thủy sản và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) vừa ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản.

26/05/2015
Hội thảo quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 Hội thảo quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020

Ngày 22/5/2015, tại Bạc Liêu, Tổng cục Thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản phối hợp với Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, định hướng năm 2030”

26/05/2015
Người nuôi thu lãi khá nhờ giá tôm hùm tăng trở lại Người nuôi thu lãi khá nhờ giá tôm hùm tăng trở lại

Ngày 24/5, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (Phú Yên) cho biết, sau thời gian rớt giá mạnh, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn Phú Yên đã tăng trở lại.

26/05/2015
Phòng chống bệnh do nắng nóng gây ra trên bò sữa trong chăn nuôi quy mô nông hộ Phòng chống bệnh do nắng nóng gây ra trên bò sữa trong chăn nuôi quy mô nông hộ

Ở nước ta vào mùa hè thời tiết nắng nóng, oi bức. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi rất lớn đối với sức khoẻ vật nuôi, đặc biệt nắng nóng gây thiệt hại lớn trên đàn bò sữa như giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

26/05/2015