Bình Phước Nuôi Hươu, Nai Lấy Nhung Dễ Làm, Lợi Nhuận Cao
Từ 8 con hươu vào năm 2004, đến nay, anh Trần Văn Phước ở Thị trấn Tân Phú - Đồng Phú - tỉnh Bình Phước đã gây dựng được đàn hươu, nai hơn 70 con. Đây là nông hộ nuôi hươu, nai lớn nhất tỉnh, thu hút sự quan tâm của nhiều bà con trong vùng đến tham quan và học tập.
Dễ nuôi
Năm 2004, anh Phước về quê hương Hà Tĩnh đưa 8 con hươu vào Bình Phước nuôi thử nghiệm tại thị trấn Tân Phú - Đồng Phú trên diện tích gần 10 ha đất mua từ năm 1998. Vừa nuôi, vừa tìm tòi, học hỏi, dần dần anh Phước đã nắm bắt được những kinh nghiệm nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Bình Phước.
Theo anh, hươu, nai vốn là động vật hoang dã, có sức đề kháng cao, vì vậy rất dễ chăm sóc, nuôi dưỡng. Hươu rất sạch, không ăn các loại thức ăn bẩn, ôi thiu nên chúng ít bị bệnh, thỉnh thoảng mới bị các loại bệnh thông thường như: sình bụng, ỉa chảy, ký sinh trùng và chỉ cần điều trị như các loại gia súc khác. Thức ăn của chúng là tất cả các loại lá cây và cỏ.
Chính vì vậy, anh Phước đã tận dụng hết diện tích đất của gia đình để trồng mít, cỏ voi, chuối, sung, đu đủ... được bón bằng chính phân của hươu, nai.
Ông Trần Mạnh Tường – người cha có nhiều kinh nghiệm lâu năm của anh trong nghề nuôi hươu, nai cho biết thêm: Hươu, nai có thể ăn được cả trái điều - loại trái chứa nhiều hàm lượng chất dinh dưỡng rất cần thiết cho chúng vào mùa cắt nhung. Một con hươu trưởng thành ăn khoảng 5 kg cỏ hoặc lá/ngày và nai là 10 kg/ngày.
Vào mùa cắt nhung, cần cho hươu, nai ăn thêm tinh bột và những lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ... thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn nhiều. Chuồng trại để nuôi hươu, nai tương đối đơn giản, mỗi con chỉ cần diện tích vài mét vuông, xung quanh được quây bằng lưới B.40 và lợp tôn che nắng mưa là được.
Ngoài kinh nghiệm thì anh Phước còn tìm hiểu qua mạng. Anh Phước cho biết: “Quê tôi vốn có truyền thống nuôi hươu, nai lấy lộc nhung, đây được coi là nghề xóa đói giảm nghèo”.
Lúc đầu đàn hươu chưa thích nghi với khí hậu ở Bình Phước nên rất khó khăn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng với quyết tâm và bản tính cần cù chịu khó, vừa nuôi anh vừa tìm tòi học hỏi để có thêm kinh nghiệm lai tạo giống phù hợp với khí hậu Bình Phước. Đến nay, đàn hươu, nai của gia đình anh đã sinh trưởng, phát triển tốt.
Tuy nhiên, theo anh Phước, không vì thế mà chủ quan, hàng tuần vẫn phải vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng bệnh theo định kỳ. Thức ăn của hươu, nai chủ yếu là cỏ và các loại lá, củ, quả có sẵn trong vườn (một ngày cho ăn 3 bữa).
Nhu cầu lớn
Sau 2 năm nuôi, hươu và nai đực bắt đầu ra sừng, còn gọi là nhung. Trước Tết Nguyên đán một tháng, người nuôi có thể cắt nhung và thời gian cắt kéo dài đến tháng Hai, tháng Ba Âm lịch.
Mỗi cặp nhung hươu nặng khoảng từ 400 đến 600 gram, nai khoảng 1 đến 1,6 kg, nếu được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, biết thúc vào thời điểm gần cắt, có cặp nhung nặng đến 2kg. Theo anh Phước, bình quân mỗi năm có thể cắt nhung từ một đến hai lần ở mỗi con.
Nhiều con hươu sau khi cắt vài tháng lại mọc thêm nhung, gọi là nhung tái sinh, mỗi cặp chỉ hai ba lạng, giá rẻ hơn nhung cắt ban đầu. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc như cưa và được khử trùng cẩn thận, cắt xong phải tiến hành cầm máu nhanh bằng các loại thuốc lá để tránh mất sức cho hươu, nai.
Sau đó cho hươu, nai ăn nhiều hơn ngày thường và bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức. Nếu chăm sóc tốt, hươu, nai có thể cho nhung đến hơn 20 năm. Hiện tại, nhu cầu nhung hươu, nai trên thị trường là rất lớn, cung không đủ cầu, với giá bán bình quân khoảng 1 triệu đồng/100 gram nhung hươu và 750 ngàn đồng/100 gram nhung nai.
Không chỉ lấy nhung, anh Phước còn nuôi thêm hươu, nai cái để sinh sản, nhân đàn. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần và nai 3 năm sinh sản 2 lần. Trên thị trường, một con hươu giống từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 4-6 triệu đồng và 12-13 triệu đồng/con nai giống.
Từ 8 con giống mua từ Hà Tĩnh vào, sau gần 6 năm, trại nuôi của anh Phước đã lên đến trên 70 con, với 13 con nai, còn lại là hươu lớn nhỏ. Xét về hiệu quả kinh tế, anh Phước cho rằng, nên phát triển đàn nai vì cho nguồn thu nhập ổn định, nhất là thịt nai đang được bán với giá rất cao, thị trường luôn khan hiếm, cung không đủ cầu.
Nguồn vốn đầu tư ban đầu để nuôi hươu, nai có thể lớn hơn trồng cao su, nhưng về lâu dài lợi nhuận mang lại là cao hơn và có nguồn thu nhập ổn định, ít bị biến động bởi thị trường giá cả, nguồn thu nhập ổn định. Mô hình nuôi hươu, nai lấy lộc nhung của gia đình anh Phước hiện được nhiều người dân trong, ngoài tỉnh biết và tìm đến học tập.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi trân trọng những tiến bộ và thành tựu đã đạt được, cần nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật đau lòng là phần lớn nông, lâm, thủy sản của nước ta là những sản phẩm thô hay sơ chế, giá trị gia tăng còn hạn chế, chất lượng thấp và không đồng đều.
Theo Bộ Công Thương, thị trường phân bón thời gian tới sẽ xác lập một mặt bằng giá mới với xu hướng thuận lợi cho các nhà sản xuất phân bón nội địa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Trấn Yên, các loại cây ăn quả có múi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở một số xã vùng cao như: Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca… Vì vậy, thời gian tới, huyện sẽ xây dựng Đề án phát triển vùng cây ăn quả có múi để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người nông dân từng bước làm giàu.
Bốn mươi năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới cơ chế quản lý, mà chúng ta đi không qua khỏi cánh đồng là do tư duy và nền quản trị quốc gia có những vấn đề chưa tương thích?
“Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm và chuộng cau non. Cau non mua được giá, tới 16.000 đồng/kg. Tui mua đem sấy rồi bán đưa sang bên Trung Quốc tiêu thụ. Bây giờ thì giá vậy, nhưng không biết sau này thương lái Trung Quốc có hạ giá xuống không nữa”, bà Nguyễn Thị Kim Ánh - chủ cơ sở thu mua, hấp cau tại Quảng Ngãi - bày tỏ lo lắng.