Bình Định chủ động phòng, chống dịch bệnh GSGC
Nguy cơ phát sinh dịch bệnh GSGC
Theo Chi cục Thú y tỉnh, nhờ giá GSGC ổn định ở mức cao, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tái đàn với quy mô lớn. Hiện toàn tỉnh có đàn trâu, bò gần 280 ngàn con, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái; đàn heo 760 ngàn con, tăng 4,6%; đàn gia cầm trên 6,5 triệu con, tăng 2,8%.
Đàn GSGC tăng, giá GSGC ổn định là điều đáng mừng; tuy nhiên, vẫn có điều đáng lo vì những ngày mùa hè này thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, là điều kiện thuận lợi để phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn GSGC. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, tình trạng mua bán, giết mổ GSGC không đảm bảo vệ sinh thú y vẫn còn diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng không tốt đến đàn vật nuôi vì dễ lây lan dịch bệnh.
Một bộ phận người chăn nuôi còn có thói quen khi GSGC bị dịch bệnh chết thường vứt xác ra sông, suối, kênh rạch... nên mầm bệnh luôn tiềm ẩn, có thể bùng phát thành dịch, lây lan ra diện rộng. Đáng chú ý là tại các vùng chăn nuôi trọng điểm như: Hoài Ân, An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn… mật độ chăn nuôi GSGC khá cao, trong khi điều kiện chuồng trại không đảm bảo dễ làm dịch bệnh phát sinh.
Chủ động phòng, chống
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn GSGC trong mùa hè, thời gian qua, Chi cục Thú y tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp tích cực. Trong đó, chú trọng công tác tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm và thường xuyên tổ chức tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi. Chi cục cũng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin kịp thời từ mạng lưới thú y xã, phường, thị trấn về tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đồng thời có biện pháp xử lý nhanh khi có dịch bệnh GSGC xảy ra.
Trong 5 tháng đầu năm, Chi cục Thú y tỉnh đã hỗ trợ các địa phương trên 5,4 tấn thuốc sát trùng Benkocid để tiêu độc sát trùng chuồng trại, các cơ sở giết mổ, các chợ đầu mối mua bán GSGC tập trung. Các địa phương cũng đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò đợt 1.2015 với số lượng 241 ngàn con, đạt tỉ lệ gần 90% tổng đàn trong diện tiêm; tiêm vắc-xin lở mồm long móng cho đàn heo với số lượng 70.106 con.
Bằng nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh, Chi cục đã mua vắc-xin phòng chống cúm gia cầm để hỗ trợ các trạm thú y tiêm cho đàn gia cầm tại các địa phương có nguy cơ tái phát dịch cao. Kết quả, toàn tỉnh đã tiêm phòng cúm gia cầm cho 2,7 triệu con gia cầm; tiêm phòng dịch tả cho 523.654 con heo. Hiện, lực lượng thú y đang tiếp tục tiêm bổ sung vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho đàn GSGC, phun thuốc tiêu độc, sát trùng chuồng trại; hướng dẫn bà con các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, Chi cục Thú y đã yêu cầu các trạm thú y tăng cường công tác kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ; chú trọng công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào tỉnh, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và có các biện pháp xử lý kịp thời. Mặt khác, Chi cục đã yêu cầu lực lượng thú y các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên hỗ trợ người chăn nuôi tiêm phòng bổ sung vắc-xin phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã yêu cầu các Trạm Thú y đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, giảm mật độ nuôi, có biện pháp làm mát chuồng nuôi, sử dụng nguồn nước sạch cho vật nuôi uống, thường xuyên thu gom, vận chuyển phân, các chất thải ra khỏi khu vực chăn nuôi và xử lý an toàn trước khi đưa ra môi trường.
Song song với các biện pháp trên, lực lượng thú y vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; bổ sung thêm các chất điện giải, vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi; thực hiện tiêm phòng khép kín đầy đủ các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh lở mồm long móng, “tai xanh” ở heo, dịch cúm gia cầm. Chi cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn vật nuôi của mình, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường thì báo ngay cho cán bộ thú y tại địa bàn để xử lý kịp thời, không nên tự ý chữa trị hoặc vứt xác GSGC ra các sông, suối, kênh rạch, gây nguy cơ lây lan dịch bệnh.
“Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, Chi cục Thú y đã yêu cầu các trạm thú y tăng cường công tác kiểm dịch, thực hiện đúng quy trình kiểm dịch, quy trình kiểm soát giết mổ; chú trọng công tác kiểm tra lâm sàng, kiểm tra động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào tỉnh, nhằm phát hiện sớm dịch bệnh và có các biện pháp xử lý kịp thời”. Ông NGUYỄN VĂN QUỐC, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, trên cánh đồng đậu nành (ĐN) 51 ha của xã Trường An (TP Vĩnh Long), nông dân đang dồn sức thu hoạch. Tất bật nhưng ai cũng vui bởi vụ ĐN năm nay không chỉ được mùa mà còn được giá.
Theo định hướng phát triển ngành mía đường ĐBSCL đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60.000 ha, tập trung tại Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại.
Tiền Giang là địa phương có vùng chuyên canh sơ ri lớn với diện tích đất trồng khoảng 300 hecta, tập trung chủ yếu ở vùng đất nhiễm mặn thuộc huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Hơn 3 năm qua, đầu ra cây sơ ri được ổn định, có giá cao, người trồng sơ ri lãi gấp 3 lần trồng lúa.
Khi cấy, gốc và rễ mạ bị dúi sâu 3-5 cm trong bùn đất do vậy cây lúa lâu hồi xanh, đẻ nhánh muộn và hay bị bệnh nghẹt rễ làm giảm năng suất, tăng chi phí phân bón, kéo dài thời gian sinh trưởng. Ném mạ trong phương pháp gieo mạ ném bằng khay nhựa khắc phục được những nhược điểm này.
Huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau có 17 hợp tác xã (HTX) nuôi nghêu, thu hút 1300 lao động, hiện có 11 HTX tan rã. Sau gần 2 năm thành lập, mặc dù đây là mô hình có hiệu quả kinh tế, xã hội hóa tốt, nhưng do các HTX ở lĩnh vực này còn chưa tạo được sự liên kết, vẫn thường xuyên tranh giành lợi nhuận và mạnh ai nấy làm dẫn tới không tạo được uy tín, thương hiệu cho nghề nuôi nghêu.