Biện Pháp Phòng Trừ Bệnh Thán Thư Hại Ớt

Trên cây ớt, bên cạnh một số đối tượng sâu bệnh hại thường gặp như bệnh thối trái, sương mai, rệp sáp, sâu ăn lá... thì bệnh thán thư (còn gọi là bệnh nổ trái) do nấm Colletotrichum spp. gây nên cũng có những tác hại nghiêm trọng.
Bệnh thán thư có thể xuất hiện và gây hại trên nhiều bộ phận của cây, đặc biệt là đối với trái. Bệnh lây lan nhanh trong điều kiện ẩm ướt, nhất là từ tháng 8 đến tháng 10 hằng năm. Lúc đầu vết bệnh chỉ là những đốm nhỏ sũng nước lõm vào bên trong, sau đó lan rộng, nếu nặng, trái ớt sẽ khô dần, chuyển sang màu nâu xám hay xám, khiến trái teo quắt lại.
Trước đây, bệnh gây hại chủ yếu trong mùa mưa, nhưng vài năm gần đây bệnh có chiều hướng phát sinh và gây hại cả trong mùa khô, nhất là ở những nơi trồng ớt liên tục, nguồn bệnh được tích lũy hoặc do không biết cách phòng trừ. Bệnh thường gây hại từ khi trái già chín trở đi, nhưng nếu gặp điều kiện thuận lợi, bệnh có thể xuất hiện và gây hại trên trái non.
Để hạn chế tác hại của bệnh, có thể áp dụng kết hợp một số biện pháp sau:
- Sử dụng giống lai F1 bán ở các cửa hàng giống cây trồng, hạt giống thường có chất lượng tốt. Tuyệt đối không lấy hạt ở những ruộng đã bị bệnh ở vụ trước để làm giống cho vụ sau.
- Không trồng ớt quá dày, để ruộng luôn thông thoáng, khô ráo, không bị ẩm thấp, nhất là vào mùa mưa.
- Không nên trồng ớt liên tục nhiều năm trên cùng một mảnh đất, hoặc mảnh đất trước đó đã trồng nhiều vụ những loại cây cùng là ký chủ của nấm Colletotrichum spp. như cà chua, cà pháo, bầu bí, thuốc lá...
- Không nên bón quá nhiều phân urê mà tăng cường bón phân hữu cơ đã được ủ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng ớt để thu gom, tiêu hủy trái và các tàn dư của cây bị bệnh.
- Không nên tưới quá nhiều nước, tưới nhiều lần trong ngày và tưới vào chiều tối vì sẽ gây ẩm độ không khí cao vào ban đêm, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
- Thường xuyên kiểm tra ruộng ớt, nếu phát hiện chớm có bệnh cần dùng luân phiên một số loại thuốc như: Biodazim 500SC, Kacie 250EC, Bioride 50SC, Score 250ND/EC, Manozeb 80WP, Ricide 72WP,... phun định kì 7-10 ngày một lần.
Có thể bạn quan tâm

Loại ớt nói trên chính là ớt Peter. Đây là giống ớt có nguồn gốc từ Mỹ và Mexico. Kỹ thuật trồng ớt Peter cũng không khác nhiều so với loại ớt thông thường.

Cùng tìm hiểu một số loại sâu hại ớt và biện pháp phòng trị hiệu quả. Sâu hại ớt và biện pháp phòng trị

Cây ớt cho lợi nhuận khá nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật gieo trồng cũng như chăm sóc bằng dòng phân bón thích hợp.

Ớt là cây gia vị có giá trị kinh tế cao ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, đem lại lợi nhuận kinh tế, là mặt hàng xuất khẩu đứng vị trí số một

Có 2 cách thường sử dụng để bổ xung canxi cho cây trồng là bón vào đất và phun qua lá.