Bi kịch nhiều ruộng vẫn nghèo bát nháo quản lý lúa giống
Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc người nông dân phải sản xuất các giống lúa kém chất lượng, phẩm cấp thấp, giá trị không cao.
Và hệ lụy là nông dân nhiều ruộng nhưng vẫn nghèo.
Quá nhiều cơ sở kinh doanh lúa giống
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện vùng ĐBSCL có 1.362 cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoặc vừa sản xuất vừa kinh doanh lúa giống, tăng rất nhiều so với 271 cơ sở năm 2012.
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống lúa chưa được quản lý chặt chẽ, chưa thống kê hết các cơ sở sản xuất lúa giống, bao gồm hệ thống nhân giống chính quy và không chính quy.
Do không nắm vững các cơ sở này nên việc quản lý sản xuất và kinh doanh giống lúa gặp nhiều khó khăn, và rất khó kiểm soát chất lượng giống tại địa phương.
Trên thực tế, chỉ có 5 tỉnh vùng ĐBSCL gồm Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu nắm được số cơ sở sản xuất giống tại địa phương, có 8/13 tỉnh biết được các cơ sở vừa sản xuất, vừa kinh doanh và cơ sở chỉ kinh doanh giống lúa mà không sản xuất.
PGS.TS Phạm Văn Dư – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, do không quản lý được các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống nên việc đánh giá năng lực sản xuất giống của các tỉnh cũng chưa đầy đủ và chưa gần với thực tiễn sản xuất kinh doanh giống.
Theo đó, hầu như không có tỉnh nào vùng ĐBSCL kiểm soát hay biết được số lượng, chủng loại giống siêu nguyên chủng được sản xuất trên địa bàn.
Chỉ có 6/13 tỉnh công bố được khối lượng giống lúa cấp nguyên chủng được sản xuất trong tỉnh, nhưng cũng không cung cấp được thông tin về chủng loại giống được sản xuất.
Riêng các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau không cung cấp được khối lượng giống lúa cấp xác nhận được sản xuất.
“Còn lại, có 9/13 tỉnh ĐBSCL cung cấp được số liệu sản xuất giống lúa cấp xác nhận tại địa phương, tuy nhiên con số đưa ra lại chênh lệch rất xa với số thực tế theo tính toán của cơ quan chuyên môn”, ông Dư cho biết.
Làm rõ nhu cầu về giống lúa
Để khắc phục tình trạng “bỏ ngỏ” việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh giống lúa, đồng thời, xác định được cơ cấu giống lúa phù hợp cho toàn vùng ĐBSCL và từng địa phương, tháng 4.2014, Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định 713 về Kế hoạch sản xuất giống lúa vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 – 2015.
Kế hoạch này cũng đặt mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và quản lý chất lượng giống lúa vùng ĐBSCL, phấn đấu đến năm 2015 toàn vùng đạt 50% diện tích được gieo trồng bằng giống lúa xác nhận 1 (XN1) hoặc xác nhận 2 (XN2), tăng 10% so với năm 2012.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, theo thống kê từ các Sở NNPTNT của Cục Trồng trọt, việc thực hiện Quyết định 713 vẫn chưa “tới nơi tới chốn”.
Số liệu về nhu cầu giống lúa cấp xác nhận được các Sở NNPTNT tính toán vẫn dựa trên ước lượng từ các cơ sở sản xuất giống mà không dựa trên thực tiễn sản xuất.
Từ đó cho thấy tỷ lệ sử dụng cấp giống xác nhận theo các tỉnh báo cáo là chưa chính xác.
Ông Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng Giám đốc, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, là vùng sản xuất lúa hàng hóa chính của cả nước, do đó những thông tin giống nào phù hợp với thị trường là rất quan trọng đối với ĐBSCL.
Theo ông Dũng, thay vì chỉ đưa ra mục tiêu tỷ lệ các loại giống sử dụng trong những mùa vụ tới, Bộ NNPTNT cần có các điều tra cụ thể về nhu cầu thị trường trong sử dụng giống lúa.
Qua đó, cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống lúa có cơ sở đáp ứng nguyện vọng của nông dân cũng như các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Dũng đưa ví dụ như gạo thơm, hiện có hàng trăm giống, giống nào cũng tốt, cũng thơm nhưng doanh nghiệp, nông dân không biết thị trường cần giống nào.
Nếu không có những điều tra cụ thể mà chỉ “áp đặt” mục tiêu, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục luẩn quẩn.
Còn theo ông Hàng Phi Quang – Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng miền Nam (SSC), hiện giống lúa OM 5151 đang “sốt”, trong khi một năm trước không ai nghĩ sẽ thiếu giống này trên thị trường.
Do đó, việc định hướng được nhu cầu cụ thể của thị trường, có dự báo chính xác là yếu tố “sống còn” của ngành sản xuất giống, mà ngành nông nghiệp cần xem xét lại.
Lúa giống chỉ đáp ứng được 12,6% nhu cầu
Theo báo cáo tổng hợp từ các Sở NNPTNT vùng ĐBSCL, trong khi nhu cầu giống lúa xác nhận tại các địa phương năm 2015 ở mức khoảng 454.700 tấn thì khả năng sản xuất giống lúa xác nhận của các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn chỉ đạt khoảng hơn 57.500 tấn, đáp ứng khoảng 12,6% nhu cầu toàn vùng.
Có thể bạn quan tâm
Giá hạt tiêu trên huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) hiện dao động 110.000 - 120.000 đồng/kg.Vài năm qua, giá tiêu ổn định, người trồng có lãi, nhưng do chi phí đầu tư trồng mới cây tiêu tăng cao, nông dân huyện đảo không có điều kiện mở rộng diện tích hồ tiêu.
Cách đây vài năm ở Nam Định, nuôi nhím được coi là nghề “hái” ra tiền nên đã thu hút nhiều hộ nông dân không ngần ngại đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này.
Hai năm trở lại đây, mô hình nuôi cá bóp bằng lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sinh sống tại đảo Hòn Chuối (Cà Mau). Đó là tín hiệu đáng mừng để người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo.
Ngày 7-7, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, trong tuần qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ đã xảy ra ở 6 tỉnh, thành Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, TPHCM, Tiền Giang và Cà Mau. Tổng diện tích nuôi tôm bị thiệt hại do bệnh đốm trắng là 1.843ha và diện tích bị thiệt hại do hội chứng gan tụy cấp là 2.797ha. Địa phương có diện tích bị thiệt hại nhiều nhất là Cà Mau.
Với ưu thế “Cận lộ, cận giang”, nhất là tận dụng dòng sông Lô chảy qua với nhiều loài cá quý hiếm tự nhiên, người dân Thái Hòa (Hàm Yên - Tuyên Quang) đã đánh bắt và chuyển sang nuôi thử nghiệm những giống cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Giờ thì riêng khoản nuôi cá chiên lồng trên sông Lô đã trở thành “nghề hốt bạc” của nhiều hộ nông dân nơi đây.