Bệnh Xá Cây Trồng Điểm Tựa Cho Nhà Nông
Với mục đích phát hiện sâu bệnh trên cây trồng và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ, chăm bón hiệu quả, Chi cục BVTV Hưng Yên đã tiến hành thành lập 5 bệnh xá cây trồng. Tuy mới đi vào hoạt động, song bước đầu mang lại hiệu quả trong việc phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, được nông dân đồng tình ủng hộ. Đặc biệt, các hoạt động của bệnh xá được hỗ trợ miễn phí cho nông dân.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên triển khai thí điểm mô hình “Bệnh xá cây trồng” tại 5 điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), chợ Phố Son, thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) và 3 điểm tại huyện Kim Động gồm: thôn Đồng An (Toàn Thắng); Bằng Ngang, Động Xá (thị trấn Lương Bằng). Bệnh xá cây trồng là nơi tư vấn trực tiếp cho nông dân về kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.
Nội dung hoạt động là tiếp nhận ý kiến, các mẫu cây trồng bị dịch hại để tư vấn các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Bệnh xá cây trồng bao gồm đội ngũ bác sỹ là cán bộ kỹ thuật của Chi cục BVTV tỉnh trực tiếp khám bệnh cây trồng cho nông dân. Mọi hoạt động của Bệnh xá cây trồng đều được thực hiện miễn phí cho nông dân.
Tại Bệnh xá cây trồng thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa (thành phố Hưng Yên), ngay từ sáng sớm, hàng chục hộ nông dân đã mang các mẫu rau xanh, cây ăn quả bị nhiễm sâu bệnh đến nhờ các bác sỹ của bệnh xá kiểm tra và tư vấn. Bác Nguyễn Thị Hinh, nông dân trong thôn cho biết: “Sau các đợt mưa úng vừa qua, trên các loại rau màu xuất hiện nhiều loại sâu bệnh, để biết được rau màu bị nhiễm sâu bệnh gì, biện pháp phòng trừ như thế nào tôi đã mang một số mẫu đến đây để được tư vấn trực tiếp.
Từ khi Bệnh xá cây trồng đi vào hoạt động trên địa bàn của thôn, hàng trăm hộ nông dân trồng rau màu, cây ăn quả, cấy lúa đã hiểu rõ hơn nguyên nhân, thời điểm gây ra sâu bệnh và các biện pháp phòng trừ. Đặc biệt, tại đây các bác sỹ còn tư vấn cho chúng tôi kỹ thuật canh tác để hạn chế sâu bệnh gây hại”.
Mang đến bệnh xá cây trồng thân cây chuối nhiễm bệnh, chị Nguyễn Thị Linh, thôn Động Xá, thị trấn Lương Bằng (Kim Động) phấn khởi được bác sỹ Bệnh xá cây trồng kiểm tra phát hiện bệnh và kê đơn thuốc phòng trừ. Chị Linh cho biết: “Gia đình tôi có 5 sào trồng chuối, thời gian gần đây nhiều cây bị chết héo nhưng tôi chưa biết là do bệnh gì và sử dụng loại thuốc nào để phòng trừ. Sau khi đến gặp các bác sỹ Bệnh xá cây trồng, tôi đã biết được đó là bệnh thối thân do một loại nấm gây ra và các biện pháp phòng trừ”.
Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết: 5 Bệnh xá cây trồng được thành lập và đi vào hoạt động ngày từ 25.7, tuy thời gian hoạt động chưa nhiều, nhưng đến nay đã có hàng trăm lượt hộ nông dân đến với bệnh xá để được tư vấn. Bệnh xá cây trồng do tổ chức CaBi (Trung tâm nghiên cứu sinh học nông nghiệp Quốc tế) tài trợ, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam triển khai thực hiện.
Đây là mô hình mới, hiện nay tỉnh ta là một trong 4 tỉnh của cả nước triển khai thí điểm Bệnh xá cây trồng. Bệnh xá được trang bị đầy đủ các dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn như: kính lúp, tài liệu, mẫu kê đơn thuốc, biện pháp phòng trừ… Các loại vật tư, thiết bị được trang bị đáp ứng đủ điều kiện để phát hiện các loại sâu bệnh phổ biến trên cây trồng hiện nay, những loại sâu bệnh gây hại từ một loại vi - rút lạ sẽ được chuyển lên “tuyến trên” để phân tích.
Hiện nay, 5 Bệnh xá cây trồng được bố trí hoạt động định kỳ vào các ngày 10 và 25 hàng tháng, thời gian từ 7h30 đến 10h. Ngoài ra, để đáp ứng công tác phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng của nông dân, đặc biệt trong các thời kỳ cao điểm của chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, Chi cục BVTV chỉ đạo các bệnh xá hoạt động thêm hai buổi vào các ngày 2 và 17 hàng tháng. Đối với đội ngũ bác sỹ của bệnh xá, ngoài việc phân tích phát hiện sâu bệnh còn hỗ trợ nông dân các biện pháp canh tác, khuyến cáo nông dân sử dụng thuốc phù hợp.
Đặc biệt, để nâng cao trình độ chuyên môn, trong quá trình hỗ trợ nông dân đội ngũ bác sỹ cần phải đưa ra các khuyến cáo về độ độc của thuốc, sử dụng thuốc ít độc, biện pháp phòng trừ hiệu quả để giảm lượng thuốc… Ngoài hỗ trợ, tư vấn trực tiếp tại bệnh xá, nông dân còn được hỗ trợ qua phương tiện điện thoại nhằm tiết kiệm thời gian.
Ngoài khám bệnh, tư vấn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng cho nông dân, bệnh xá luôn chủ động phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức bảo vệ thực vật, nâng cao kỹ năng chẩn đoán sâu bệnh hại cây trồng cho cán bộ, cộng tác viên ở cơ sở và nông dân. Tham gia thông tin về tình hình phát sinh sâu bệnh hại cây trồng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ứng dụng ,chuyển giao các tiến bộ khoa học mới đã được ngành công nhận... nhằm giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam trong đợt về tham quan mô hình Bệnh xá cây trồng tại tỉnh ta cho rằng: “Việc thành lập thí điểm các bệnh xá cây trồng là một chương trình có nhiều mục đích, lợi ích cao. Các bệnh xá được thành lập gần nơi sản xuất, đội ngũ bác sỹ của bệnh xá được đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu phòng trừ sâu bệnh cây trồng cho nông dân.
Bệnh xá cây trồng là mô hình quản lý cây trồng tổng hợp, đưa nông dân tiếp cận với KHKT, xử lý tại chỗ các vấn đề về cây trồng; giúp cho nông dân sử dụng đồng bộ thuốc BVTV. Đặc biệt, qua việc kiểm tra, phân tích, phát hiện sâu bệnh hại, khuyến cáo loại thuốc sử dụng, biện pháp phòng trừ… là cơ sở dữ liệu cho cơ quan BVTV nắm được tình hình sâu bệnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, hiệu quả”.
Bệnh xá cây trồng tuy mới được triển khai song nhìn chung tại các địa phương có bệnh xá hoạt động các loại sâu bệnh hại giảm nhiều, hầu hết nông dân nắm được các kỹ thuật, biết được các đối tượng dịch hại trên cây trồng để phòng trừ chính xác, giúp nông dân tiết kiệm công sức và tiền của.
Có thể bạn quan tâm
Tôm là mặt hàng thủy sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao, đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Chỉ khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo qui định của nhà nhập khẩu, có đầu ra ổn định thì nghề nuôi tôm mới có thể phát triển ổn định và bền vững.
Tại tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri phát triển nghề chăn nuôi vịt chạy đồng quy mô lớn nhất tỉnh. Nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập chủ yếu từ nuôi vịt thịt và nuôi vịt đẻ trứng. Thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước và các tỉnh lân cận Bến Tre, đã tác động mạnh đến đầu ra của sản phẩm gia cầm, khiến nhiều hộ chăn nuôi gia cầm lo lắng
Những người chăn nuôi đang bị bủa vây tứ phía, đối mặt với nguy cơ phá sản, buộc phải “treo” chuồng, tạm ngưng chăn nuôi vì thua lỗ nặng do sản phẩm không ngừng rớt giá.
Có thâm niên 7 năm trong nghề chăn nuôi lợn, anh Nghiêm Xuân Hùng ở thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là người đã thành công trong việc xây dựng được quy trình chăn nuôi lợn khép kín cho thu nhập ổn định.
Do lo sợ dịch cúm gia cầm A/H5N1, người tiêu dùng ngại mua gà, vịt, trứng… khiến sức mua và giá của các sản phẩm này giảm mạnh. Theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tình hình này nếu không được giải quyết sớm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cân đối cung cầu và khiến ngành này điêu đứng.