Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật
Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.
Sau đó, các chị thành lập được một tổ nuôi ong ở ấp Cà Dâm có 10 chị tham gia, nuôi hơn 500 thùng ong, vốn đầu tư ước tính trên 100 triệu đồng. Nhờ có rừng tràm cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong nên việc nuôi ong giảm được chi phí thức ăn. Nuôi ong không khó, ai cũng có thể nuôi được. Trung bình nuôi 50 thùng ong phải đầu tư 30 triệu đồng, bắt đầu thu hoạch sau 3 tháng nuôi và khoảng 4 đến 5 ngày lấy mật một lần. Một lít mật ong bà con bán với giá 120 ngàn đồng, mỗi tháng trung bình 1 hộ nuôi thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Ây, ấp Cà Dâm là thành viên của tổ nuôi ong cho biết: “Tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để đầu tư nuôi ong, đến nay đã trả được vốn và bắt đầu có tích lũy. Nuôi ong giúp gia đình tôi thoát nghèo, lo cho các con được đầy đủ hơn, đời sống bớt khó khăn”.
Chị Nguyễn Thị Dẻo, ấp Cà Dâm là hộ nuôi đầu tiên trong tổ nuôi ong. Ban đầu chị Dẻo còn do dự vì không có vốn nhưng nhận thấy hiệu quả kinh tế của nuôi ong cao hơn so với chăn nuôi heo trước đây, nên chị đã cố 4 công đất để làm vốn nuôi ong. Đến nay, hơn 1 năm, lợi nhuận từ mật ong chị đã thu hồi được vốn, mỗi tháng thu nhập 4 triệu đồng.
Chị Dẻo chia sẻ: “Từ khi chuyển sang nuôi ong kinh tế gia đình khá lên rất nhiều, hiện giờ tôi nuôi được 70 thùng ong, dự định sẽ nuôi thêm 50 thùng nữa”. Ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi ong còn giúp thụ phấn cho cây trồng, góp phần tăng năng suất và bảo vệ môi trường sinh thái.
Chị Nguyễn Thị Tú Nguyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã cho biết: “Đây là mô hình mới, nhưng khi đưa vào áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao và cũng góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Sắp tới, tôi sẽ khuyến khích các chị chưa có việc làm tham gia và nhân rộng mô hình này đến các ấp còn lại trong xã”.
Có thể bạn quan tâm
Cơn lũ đi qua, hàng trăm hộ dân ở đầm Cầu Hai (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi hàng chục tấn cá lồng nuôi đồng loạt đổ bệnh chết…
Sơ chế và bảo quản hải sản rất quan trọng, để làm tăng giá trị hải sản, tăng hiệu quả đánh bắt, nâng cao thu nhập cho lao động. Bởi ở đây đang có sự lãng phí rất lớn. Ông Lê Văn Quốc, một chủ tàu đánh cá ở phường Nhơn Hải, thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định, cho biết: “Nhiều chuyến đi biển trúng cá nhưng về đến nơi, chủ yếu bán làm mắm
Bí xanh (còn có tên là bí đao, võ màu xanh có hoặc không có phấn) là loại rau ăn quả sạch thuộc họ bầu bí trồng vụ nghịch hiệu quả kinh tế rất cao
Hiện nay, giống chè mới này đã có diện tích khoảng 13.000ha và có mặt tại hầu hết các tỉnh trồng chè của Việt Nam như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An...
Hiện nay, bưởi da xanh là loại đặc sản rất được ưa chuộng bởi chất lượng độc đáo: vị thanh, không hạt, nước vừa phải, múi màu hồng, dễ lột,