Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất

Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 9 tỉnh ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Hiện tại, bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên đàn gia súc của BR-VT.
Để phòng bệnh lở mồm long móng trên gia súc, người chăn nuôi phải tiêm đầy đủ vắc xin, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Trong ảnh: Chăn nuôi bò thịt tại hộ bà Nguyễn Thị Phúc, ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ (huyện Đất Đỏ). Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Ngày 18-8-2014, Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện Xuyên Mộc phát hiện 1 con bò trong đàn gia súc của một hộ chăn nuôi ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận bị nhiễm bệnh LMLM.
Đến nay, ngành thú y đã phát hiện tại xã Phước Thuận có 13 con bò bị nhiễm bệnh LMLM, số bò nhiễm bệnh xuất hiện ở 3 đàn bò chưa được tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, (tháng 5-2014) tại địa bàn 2 xã Suối Nghệ và Láng Lớn (huyện Châu Đức) đã có một số bò bệnh có triệu chứng của bệnh LMLM.
Theo Trạm Thú y huyện Xuyên Mộc, bệnh LMLM được phát hiện tại đàn bò 5 con của hộ gia đình ông Trần Văn Hường, ấp Ông Tô, Phước Thuận với dấu hiệu sùi bọt mép, biếng ăn, lở loét ở móng chân... Đây là đàn bò được gia đình ông mua từ một hộ chăn nuôi ở xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) gần 2 tháng.
Bệnh LMLM cũng xuất hiện rõ rệt ở đàn bò của ông Nguyễn Văn Sáng ở cùng ấp do thả chung với đàn bò của ông Hường… Thống kê của Hội Nông dân xã Phước Thuận, xã có đàn bò lớn nhất huyện Xuyên Mộc với hơn 1.600 con, tập trung ở các ấp Gò Cà, Gò Tràm, Xóm Rẫy.
Trước hiện tượng này, ngành thú y của huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng xử lý bệnh cho số bò đã bị nhiễm và khoanh vùng nơi bệnh xuất hiện, tổ chức tiêm phòng cho đàn bò trong xã và tiến hành tiêu độc, khử trùng trong vòng bán kính 500m nơi phát hiện bò bị nhiễm bệnh LMLM. Hiện dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra dịch LMLM cho gia súc trong mùa mưa vẫn còn lớn.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thú y tỉnh, để bảo vệ đàn gia súc trước nguy cơ dịch LMLM, người chăn nuôi cần chủ động ngừa dịch bằng các biện pháp: Tăng chế độ dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để tăng sức đề kháng cho gia súc. Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo, hạn chế thương lái ra vào khu chăn nuôi khi chưa vệ sinh, sát trùng kỹ…
Khi phát hiện gia súc bị LMLM, người chăn nuôi cần nhanh chóng báo trạm thú y hoặc chính quyền địa phương. Người chăn nuôi phải thực hiện “5 không” khi phát hiện bệnh LMLM: Không giấu dịch, không bán chạy gia súc nhiễm bệnh; không mua gia súc bệnh và sản phẩm chế biến từ gia súc bệnh; không thả rông, không tự vận chuyển gia súc ra khỏi vùng dịch và không vứt xác gia súc nghi mắc bệnh LMLM bừa bãi….
Con giống đưa về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Tuyện đối không mua gia súc từ vùng đã phát hiện có bệnh, gia súc không rõ nguồn gốc. Song song đó, người chăn nuôi phải thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh LMLM cho đàn gia súc theo quy định của cơ quan Thú y.
Cụ thể, phải tiêm đủ 2 mũi đối với gia súc non tiêm phòng lần đầu thì mới đảm bảo khả năng bảo hộ, tiến hành tiêm bổ sung thường xuyên cho số gia súc chưa được tiêm phòng. Hàng ngày phải kiểm tra sức khỏe của đàn gia súc, khi phát hiện gia súc có dấu hiệu của bệnh cần nhanh chóng báo cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh LMLM đặc hiệu. Các thuốc kháng sinh dùng tiêm, hoặc bôi thoa và một số bài thuốc dân gian… chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn kế phát, không diệt được virút gây bệnh. Cách tốt nhất để tránh lây lan, khi phát hiện gia súc bị nhiễm bệnh LMLM phải cách ly và tiêu hủy ngay gia súc bệnh theo quy định của ngành thú y. Số gia súc bị tiêu hủy sẽ được tỉnh hỗ trợ theo quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm của tỉnh.
Biểu hiện của gia súc khi nhiễm bệnh LMLM: dáng vẻ mệt mỏi, đi khập khiễng, xuất hiện mụn nước ở móng chân, khi nhiễm nặng có thể tuột móng. Gia súc chảy nước dãi nhiều, xuất hiện mụn nước nhiểu ở mõm, lưỡi, xoang miệng và vú.
Related news

Sở NN&PTNT cho biết, trong vụ lúa hè thu chính vụ 2014, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với nhiều doanh nghiệp triển khai xây dựng mô hình “Cánh đồng lớn” trong sản xuất lúa.

Dòng sông Yên lững lờ uốn lượn qua nhiều xã phía nam huyện Quảng Xương. Tự ngàn đời, dòng nước trong xanh với đôi bờ cây lá xum xuê không chỉ mang lại phong cảnh hữu tình cho các xã vùng chiêm trũng mà sông Yên còn bồi lắng phù sa cho đồng ruộng tốt tươi.

Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh xảy ra trên diện rộng đối với cây mít do bà con chưa thực hiện đúng quy trình canh tác và phòng tránh sâu bệnh, sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật làm chết các loại thiên địch, cộng với thời tiết không thuận lợi, nóng ẩm thất thường, tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có hại phát triển.

Ông Trần Vững, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời), cho biết: Giá cá sặc bổi hiện nay giảm quá mạnh. Nhiều hộ dân đã đến thời điểm thu hoạch cá mà không dám lên hầm vì không có lời, còn hộ nào đi vay nợ để làm mô hình này thì lỗ nặng.

Với những con số trên, hiện Thanh Hóa đang là tỉnh có diện tích trồng ngô và năng suất đứng thứ 2 trong toàn vùng Bắc Trung bộ. Hiện tại, cây ngô đang chiếm 10,8% trong diện tích đất nông nghiệp canh tác hàng năm, và chiếm 7% giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh.