Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bền Vững Với Nuôi Xen, Trồng Xen

Bền Vững Với Nuôi Xen, Trồng Xen
Ngày đăng: 27/06/2013

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, việc lựa chọn cây con giống thích ứng với từng vùng đất là hết sức quan trọng, áp dụng các biện pháp nuôi trồng thích hợp là yếu tố quyết định giúp nhà nông thành công. Thực tế cho thấy các mô hình nuôi trồng kiểu sinh học, sinh thái, tự nhiên hay nuôi xen, trồng xen đều cho hiệu quả kinh tế khá bền vững.

Lợi thế của các nhà vườn

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 1.700ha diện tích nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, trong đó, Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam là hai địa phương có diện tích lớn. Giồng Trôm có gần 500ha được bà con nuôi với nhiều hình thức như nuôi nhử (từ nguồn tôm giống tự nhiên), nuôi nhốt (tôm giống nhân tạo).

Anh Lê Văn Mến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Phú cho biết, bà con địa phương đã có nhiều kinh nghiệm với kiểu nuôi tự nhiên, gần như bà con thả nuôi quanh năm vì cứ ba tháng là thu hoạch một lần (nuôi nhử). Riêng với nuôi nhốt, thời gian kéo dài khoảng 5-6 tháng. Bà con cải tạo ao mương vườn, đắp đập lại là có thể nuôi được. Anh Mến cho biết thêm, ở Lương Phú, Thuận Điền, Long Mỹ, Tân Hào…, bà con đều đắp đập nuôi tôm càng xanh, cứ 10 nhà là có 8 nhà nuôi.

Anh Nguyễn Nhật Cường - cán bộ kỹ thuật Phòng Nghiệp vụ khuyến ngư tỉnh cho biết, hiện Trung tâm Khuyến ngư đã đầu tư 4 dự án lớn về phát triển nuôi tôm càng xanh trong mương vườn khoảng 20ha tại Lương Phú, Thuận Điền (Giồng Trôm), Phước Hiệp và Định Thủy (Mỏ Cày Nam), hiện tôm phát triển khá tốt (Dự án đầu tư 100% con giống, 20% thức ăn). Theo đánh giá của anh Cường, phần lớn các mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn, người nuôi đều có lãi (đã có nhiều mô hình thử nghiệm thành công).

Bình quân cứ ba tháng thu hoạch một lần, 1.000m2, người nuôi thu khoảng 25kg tôm thịt, nếu nuôi nhử là có lời 100% vì chi phí rất ít (thường người nuôi tận dụng thức ăn từ xác dừa hoặc cua, còng từ tự nhiên). Nếu nuôi nhốt, sản lượng còn có thể cao hơn, lợi nhuận cũng nhiều hơn. Một năm, 1.000m2, người nuôi có lợi nhuận trên dưới 15 triệu đồng.

Lợi thế của Thạnh Phú: tôm - lúa

Gần như mô hình nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa chỉ còn ở huyện Thạnh Phú, diện tích có hơn 8.000ha, tập trung ở các xã: Mỹ An, Bình Thạnh, An Điền, An Thạnh, An Thuận… Anh Phan Văn Bình - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, mô hình đang phát triển khá mạnh tại địa phương, trong những năm gần đây, bà con nuôi đều có lãi.

Thời vụ bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm (một vụ nuôi là 4-5 tháng). Mỹ An có diện tích khá lớn với 900ha ở các ấp: Thạnh Mỹ, An Bình, An Hòa, Thạnh Hưng. Anh Lê Minh Mạng - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, trước đây Trung tâm Khuyến ngư tỉnh có đầu tư mô hình nuôi, cho hiệu quả cao. Từ đó, bà con mạnh dạn thả nuôi, lợi nhuận mang lại rất khả quan. Bởi bên cạnh lợi nhuận thu được từ con tôm, bà con còn có lúa để ăn.

Sau vụ mùa, bà con còn tận dụng mặt nước sẵn có nuôi thêm vụ tôm thẻ chân trắng, cũng rất có hiệu quả. Đánh giá mô hình của địa phương, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho rằng, nếu tính ra lúa, một vụ tôm bà con thu hoạch bằng 30 giạ lúa ăn chắc/công. Như vậy, nếu 1ha, một năm vừa tôm, vừa lúa cộng lại, bà con thu hoạch từ 7-8 tấn lúa/ha.

Những hộ có đất từ 1ha trở lên, cứ đều đặn mỗi vụ là có lãi từ 30 triệu đồng trở lên (hộ anh Nguyễn Văn Phương - ấp Thạnh Mỹ, Huỳnh Minh Truyền - ấp An Bình). Ông Hùng cho biết, xã Bình Thạnh hiện có hai mô hình mang hiệu quả kinh tế: một là cây mía, hai là nuôi tôm càng xanh xen lúa. Từ những mô hình này, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu, như hộ anh Nguyễn Văn Bé, Hồ Văn Luân - ấp Thạnh Lại, hộ anh Trần Văn Dương, Trần Thị Ánh - ấp Thạnh Lợi.

Thay lời kết

Phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Thạnh Phú về việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, cần xác định và nhân rộng chọn lựa cây con giống thích hợp với điều kiện tự nhiên, các mô hình nuôi xen, trồng xen có hiệu quả. Thực tế cho thấy, những mô hình đầu tư vốn ít, chăn nuôi sạch, sản phẩm chất lượng cao là có hiệu quả kinh tế và bền vững.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu trái cây đừng lấy đá ghè chân mình Xuất khẩu trái cây đừng lấy đá ghè chân mình

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Yoichi Miyazawa cho biết, Nhật Bản sẽ sớm mở cửa thị trường cho xoài tươi của Việt Nam theo yêu cầu của Việt Nam.

22/09/2015
Muốn nhận bò hỗ trợ phải nộp tiền đối ứng Muốn nhận bò hỗ trợ phải nộp tiền đối ứng

Muốn nhận bò giống hỗ trợ từ Chương trình 30a, nhiều hộ dân tại xã An Hòa, huyện miền núi An Lão (Bình Định) phải nộp tiền đối ứng để chọn được giống bò đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, thực tế không như bà con nghĩ.

22/09/2015
Thanh long ruột đỏ, xoài sẽ sớm đến Nhật Thanh long ruột đỏ, xoài sẽ sớm đến Nhật

Bộ trưởng Yoichi Miyazawa cho biết, sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông- Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản về đề nghị của Việt Nam nhằm thúc đẩy mặt hàng nông sản và cho phép nhập khẩu thanh long ruột đỏ của Việt Nam trong thời gian tới.

22/09/2015
Nông dân nhận lương trên ruộng Nông dân nhận lương trên ruộng

Do diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp để làm công nghiệp, đô thị, nên từ nhiều năm qua ở Vĩnh Phúc đã hình thành các mô hình làm nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích đất ít, nhưng vẫn mang lại thu nhập cao, thậm chí giàu hơn làm trên diện tích đất lớn.

22/09/2015
Rực đỏ mùa thu hoạch việt quất Rực đỏ mùa thu hoạch việt quất

Mỗi năm, các trang trại ở miền Bắc nước Mỹ thu hoạch việt quất tới hàng nghìn tấn quả, với mức giá vào giữa vụ là 15 USD một kg.

22/09/2015