Bền vững nhờ nuôi cá dìa kết hợp tôm sú
Đối tượng nuôi đa dạng
Ông Châu Ngọc Phi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư Thừa Thiên – Huế cho biết, sau những vụ tôm thất thu vì dịch bệnh, người dân đã chuyển sang nuôi kết hợp cá dìa, dù doanh thu không cao so với chuyên tôm.
Trong tỉnh hiện có hơn 90% diện tích nuôi tôm sú được chuyển sang nuôi kết hợp tôm sú và cá dìa.
Nhờ đặc tính ăn tạp, cá dìa tận dụng tốt nguồn rong, tảo và một phần thức ăn thừa cùng mùn bã hữu cơ, giúp môi trường nước nuôi sạch hơn, giảm thiểu dịch bệnh.
Với giống lớn, mật độ thả ghép thưa (0,5 – 1 con/m2) sau 4 – 5 tháng nuôi cùng tôm, cá dìa có thể cho thu hoạch 0,8 – 1 tấn/ha, tỷ lệ sống 60% trở lên, lợi nhuận ước đạt 70 – 80 triệu đồng/ha.
Quan trọng hơn cả, khi nuôi ghép với tôm sú, tôm vẫn phát triển tốt, ít dịch bệnh, giảm được chi phí thuốc và hóa chất trong quá trình nuôi.
Cá dìa còn là đối tượng nuôi chính trong ao nuôi tôm bị dịch bệnh; vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa giúp tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trong ao tôm.
Với mật độ thả 2 – 3 con/m2, sử dụng thức ăn tự chế hoặc cám công nghiệp, sau 10 – 12 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng 0,6 – 1 kg/con, tỷ lệ sống cao.
Anh Nguyễn Văn Dưỡng (thôn Triệu Thôn, xã Phú An, huyện Phú Vang) là một điển hình.
Nắm được nhu cầu thị trường, anh mạnh dạn đầu tư hơn 5.000 m2 ao đất để nuôi cá dìa kết hợp tôm sú.
Sau 3 tháng nuôi, anh thu được 312 kg cá dìa thịt, 150 kg tôm sú, 100 kg cua và tôm đất.
Cá dìa trọng lượng bình quân 250 g/con, tỷ lệ sống trên 50%, trừ chi phí còn lãi hơn 8 triệu đồng.
Nhân rộng mô hình
Theo anh Nguyễn Văn Dưỡng, cá dìa ăn thức ăn tự nhiên nên chi phí thức ăn thấp.
Tuy nhiên, cần chọn con giống sạch, có chế độ chăm sóc tốt, đề phòng các bệnh, chủ động theo dõi các yếu tố môi trường, vì cá dìa khá nhạy cảm với biến đổi thời tiết.
Ông Châu Ngọc Phi cho biết: Thời gian tới, tỉnh vẫn tiếp tục khuyến khích người dân nhân rộng mô hình; nhưng vẫn còn nhiều khó khăn (nguồn giống, thị trường tiêu thụ, giá cả…).
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Đại học Huế, Đại học Nha Trang, Đại học Cần Thơ đã thử nghiệm sản xuất giống cá dìa nhân tạo thành công, nhưng số lượng con giống còn hạn chế.
Do vậy, nguồn giống cá dìa vẫn chủ yếu từ tự nhiên, hằng năm vào tháng 6 – 7 dương lịch, hoặc tháng 9 – 10, tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, giá bán 3 – 4 nghìn đồng/con, kích cỡ 3 – 4 cm.
Tỉnh đã triển khai mua cá giống về ương nuôi, đáp ứng một phần nhu cầu cho người nuôi.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cá dìa vẫn là nội địa nên giá cả bấp bênh, người nuôi chưa dám đầu tư mạnh.
Cá dìa (Siganus gustatus) còn được gọi là cá nâu hay tảo ngư.
Da trơn, màu nâu xám, thân dẹt, vây sắc.
Cá trưởng thành dài 25 – 30 cm, trọng lượng 1 – 2 kg.
Ở nước ta, cá dìa có ở hầu hết các tỉnh ven biển, nhiều nhất tại vùng biển Quảng Thái (Thừa Thiên – Huế), vùng hạ lưu sông Thu Bồn và các bãi bồi thuộc tỉnh Quảng Nam, vùng hạ lưu sông Hiếu và sông Bến Hải (Quảng Trị)…
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao chỉ mới phát triển trong vài năm gần đây ở Cà Mau. Tuy nhiên, nó đã được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng và mang lại hiệu quả khá cao.
Mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến ở vùng bán đảo Cà Mau cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận trên mỗi hecta khoảng 50 triệu đồng. Đây cũng là thành công trong luân canh tôm - lúa. Để áp dụng thành công, theo hướng dẫn của KS. Lê Quốc Tuấn (Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư Cà Mau), bà con nông dân lưu ý như sau.
Số liệu khảo sát của Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản cho thấy con tôm sú vẫn là đối tượng nuôi chính trong nuôi mặn lợ tại tỉnh Nghệ An.
Hơn nữa, khi phát triển quá nhiều, rong sẽ chết và nổi lên mặt nước, nếu không xử lý kịp thời, xác rong sẽ phân hủy sinh ra khí độc, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi và có thể gây chết tôm.
Tôm sú là loài động vật có máu lạnh, nhiệt độ cơ thể của tôm có thể thay đổi trong một khoảng nhiệt độ giới hạn. Tuy nhiên tôm sẽ bị yếu, sốc và có thể chết hàng loạt nếu các yếu tố môi trường thay đổi đột ngột vượt khỏi giới hạn cho phép.