Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng

Trước cảnh “lúa trúng mùa, rớt giá” như hiện nay nhiều nông dân đang “rầu thúi ruột” nhưng có người ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại xuống giống vụ 3 ngoài chủ trương của chính quyền địa phương để tăng sản lượng lúa và nâng cao thu nhập bất chấp nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về… Chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp “cứu” hàng trăm hộ dân này.
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Ngự nhận định tình hình nước lũ năm 2013 nhỏ nên xuống giống vụ thu đông ngoài đê bao, trái với chủ trương của chính quyền địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, vụ lúa thu đông này, toàn huyện có hơn 403ha gieo sạ ngoài chủ trương, tập trung nhiều nhất ở xã Thường Phước 1 và Thường Thới Hậu B. Mặc dù từ đầu mùa, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân thông báo, tuyên truyền chủ trương không xuống giống ở những nơi không sản xuất vụ 3, tuy nhiên hàng trăm hộ dân vẫn cứ làm “liều”.
Nhiều hộ nông dân cho rằng mực nước lũ năm ngoái nhỏ, từ đó dự báo năm nay nước lũ sẽ tiếp tục nhỏ nên đã bắt tay vào sản xuất. Nông dân Trần Văn Nghe ở ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự có 15 công ruộng, cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi “liều” xuống giống theo những hộ khác. Trong lòng cũng hồi hộp dữ lắm! Nếu nước mà tràn bờ là mất trắng...”. Hợp tác xã ấp 1 (xã Thường Phước 1) không chủ trương bơm nước vào ruộng nhưng nhiều nông dân tận dụng các đợt mưa nước ứ đọng để xuống giống. Trước tình hình này, chính quyền địa phương yêu cầu nông dân làm cam kết nếu xảy ra thiên tai nông dân hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp nên lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, các khu đê bao lửng không cho sản xuất lúa vụ 3 nhằm hạn chế dòng chảy. Hiện nay, địa phương có kế hoạch chủ động phòng ngừa “cứu” dân. Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, cho biết: “Nông dân lỡ “liều” rồi chính quyền phải “cứu” dân trong lúc này. Trước mắt xã cho lắp vá lại đê bao ở những nơi xung yếu. Dự kiến, xã sẽ trích kinh phí khoảng 50 triệu đồng để gia cố lại đê bao, trang bị hệ thống máy bơm chống úng sẵn sàng rút nước.
Ông Phạm Minh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, cho biết: Địa phương tăng cường công tác chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp Ban nhân dân các ấp tổ chức tuần tra, kiểm tra lại hệ thống đê bao, các cống nhằm đảm bảo cho người dân thu hoạch lúa giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Nếu nước lũ lên cao gây ngập diện tích này, địa phương sẽ chỉ đạo các ngành quân sự, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng giúp dân thu hoạch lúa.
Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo xã kiểm tra, vá đê bao sử dụng ngân sách của xã, củng cố lại các trạm bơm chuẩn bị cho công tác tháo úng khi mưa xảy ra hoặc nước lũ tràn về giúp dân ăn chắc vụ lúa này.
Có thể bạn quan tâm

Hiện tượng sương muối trùng vào đợt hoa nở khiến ong bị chết do đó không phát triển được đàn ong, giảm sản lượng mật.

Thủ tục kiểm dịch thực vật và kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi phiền hà đã làm cho các doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) trong nước thiệt hại nhiều do phải lưu hàng tại cảng. Có doanh nghiệp cho hay, chi phí lưu container có khi lên tới vài chục tỉ đồng mỗi năm và doanh nghiệp không thể kiểm soát được chi phí này.

Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa gửi văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ đề nghị tăng cường các biện pháp chống nóng cho vật nuôi.

Ngày 18/5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị "Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam" với sự tham gia của đại diện nhiều DN mía đường trên cả nước.

Những ngày qua, nông dân bắt đầu cày ải, vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt mầm bệnh hại lúa. Đối với những vùng trũng, thường bị ngập úng, nông dân đã chủ động gieo khô trước khi nước về.