Bất Chấp Khuyến Cáo, Hàng Trăm Hộ Dân Có Nguy Cơ Mất Trắng

Trước cảnh “lúa trúng mùa, rớt giá” như hiện nay nhiều nông dân đang “rầu thúi ruột” nhưng có người ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp lại xuống giống vụ 3 ngoài chủ trương của chính quyền địa phương để tăng sản lượng lúa và nâng cao thu nhập bất chấp nước lũ từ thượng nguồn đang đổ về… Chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp “cứu” hàng trăm hộ dân này.
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Ngự nhận định tình hình nước lũ năm 2013 nhỏ nên xuống giống vụ thu đông ngoài đê bao, trái với chủ trương của chính quyền địa phương. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, vụ lúa thu đông này, toàn huyện có hơn 403ha gieo sạ ngoài chủ trương, tập trung nhiều nhất ở xã Thường Phước 1 và Thường Thới Hậu B. Mặc dù từ đầu mùa, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân thông báo, tuyên truyền chủ trương không xuống giống ở những nơi không sản xuất vụ 3, tuy nhiên hàng trăm hộ dân vẫn cứ làm “liều”.
Nhiều hộ nông dân cho rằng mực nước lũ năm ngoái nhỏ, từ đó dự báo năm nay nước lũ sẽ tiếp tục nhỏ nên đã bắt tay vào sản xuất. Nông dân Trần Văn Nghe ở ấp 1, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự có 15 công ruộng, cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi “liều” xuống giống theo những hộ khác. Trong lòng cũng hồi hộp dữ lắm! Nếu nước mà tràn bờ là mất trắng...”. Hợp tác xã ấp 1 (xã Thường Phước 1) không chủ trương bơm nước vào ruộng nhưng nhiều nông dân tận dụng các đợt mưa nước ứ đọng để xuống giống. Trước tình hình này, chính quyền địa phương yêu cầu nông dân làm cam kết nếu xảy ra thiên tai nông dân hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Huyện Hồng Ngự là huyện đầu nguồn lũ của tỉnh Đồng Tháp nên lượng nước từ thượng nguồn đổ về rất mạnh, các khu đê bao lửng không cho sản xuất lúa vụ 3 nhằm hạn chế dòng chảy. Hiện nay, địa phương có kế hoạch chủ động phòng ngừa “cứu” dân. Ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch UBND xã Thường Phước 1, cho biết: “Nông dân lỡ “liều” rồi chính quyền phải “cứu” dân trong lúc này. Trước mắt xã cho lắp vá lại đê bao ở những nơi xung yếu. Dự kiến, xã sẽ trích kinh phí khoảng 50 triệu đồng để gia cố lại đê bao, trang bị hệ thống máy bơm chống úng sẵn sàng rút nước.
Ông Phạm Minh Hiệp, Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B, cho biết: Địa phương tăng cường công tác chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp Ban nhân dân các ấp tổ chức tuần tra, kiểm tra lại hệ thống đê bao, các cống nhằm đảm bảo cho người dân thu hoạch lúa giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Nếu nước lũ lên cao gây ngập diện tích này, địa phương sẽ chỉ đạo các ngành quân sự, đoàn thể phối hợp với Đồn Biên phòng giúp dân thu hoạch lúa.
Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hồng Ngự, cho biết: UBND huyện đã chỉ đạo xã kiểm tra, vá đê bao sử dụng ngân sách của xã, củng cố lại các trạm bơm chuẩn bị cho công tác tháo úng khi mưa xảy ra hoặc nước lũ tràn về giúp dân ăn chắc vụ lúa này.
Related news

Chiều 25/5, Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã điều tra khám phá một vụ vận chuyển 2 tấn cá quả Trung Quốc về chợ Hà Nội để tiêu thụ.

Với 2 ao rộng 500m2 phía sau nhà, sau khi cải tạo và xử lý vôi bột tìm diệt cá tạp, ếch, rắn, chị Nguyễn Thị Nhít ngụ ấp Long An A, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) thả hơn 15.000 con cá lóc giống.

Sau gần một năm thực hành nuôi heo, gà trên nền mùn cưa, nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng không chỉ tiết kiệm đáng kể nguồn vốn đầu tư chuồng trại, mà còn giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường từ nguồn phân thải, phòng chống hiệu quả các dịch bệnh phát sinh trên từng vật nuôi.

Sáng 24/6, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 Lào Cai, cho biết: Trước thông tin khoai tây hồng nhập khẩu từ Trung Quốc bị cơ quan chức năng TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm đồng phát hiện có dư lượng hoạt chất Chlorpyrifos (thuốc chống mối) vượt ngưỡng gấp 16 lần cho phép của Bộ Y tế, buộc phải tiêu hủy, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 Lào Cai đã tăng cường nhân lực kiểm dịch khoai tây hồng nhập khẩu tại Cửa Quốc tế khẩu Lào Cai.

Nhiều thương lái Trung Quốc tiếp tục lách luật, núp bóng danh nghĩa khách du lịch có thời hạn để thu gom cua biển tại thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Ban đầu, họ tạo uy tín qua việc chi trả sòng phẳng.