Bắp cải Trung Quốc tràn vào Việt Nam
Lập lờ nguồn gốc
Tại chợ Long Biên (quận Hoàng Kiếm) và chợ đêm Đền Lừ (ở quận Hoàng Mai), chợ nông sản Phương Viên và Quế Dương (huyện Hoài Đức)… Hà Nội, mỗi đêm có hàng trăm xe tải chở bắp cải về tập kết, sau đó chở vào miền Nam. Khi hỏi về nguồn gốc thì hầu như các thương lái đều lập lờ nói đây là nguồn hàng từ Đà Lạt chở ra hoặc Sa Pa về. Tuy nhiên, một số nguồn thông tin cho biết, tại Việt Nam vào thời điểm này chưa trồng được bắp cải. Đây là những lô bắp cải nhập về từ Trung Quốc.
Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đã có mặt tại cửa khẩu Kim Thành ở TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai (nơi chuyên dành để nhập khẩu nông sản) và đã tận mắt chứng kiến rất nhiều lô bắp cải Trung Quốc tràn vào nội địa. Chỉ trong một buổi trưa, đếm sơ sơ có tới gần 20 xe bắp cải Trung Quốc vào khu tập kết nông sản ở cửa khẩu Kim Thành, xe nào cũng xếp đầy bắp cải. Một cửu vạn đang ngồi ăn trưa ngay trên lô hàng cho biết, rau nhiều nên mỗi xe phải bốc 2-3 giờ mới xong.
Một nữ tiểu thương cho biết, Trung Quốc đang vào vụ thu hoạch rộ và giá rất rẻ, chỉ có nửa tệ một bắp cải. Điều đáng ngờ ở chỗ, bắp cải Trung Quốc trông rất khác so với bắp cải trồng ở Việt Nam. Đây là loại rau có rất nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc bảo vệ thực vật, chỉ ngơi một đêm có thể bị sâu phá nát, nhưng các lô bắp cải Trung Quốc hầu như không hề có sâu hoặc vết sâu cắn, sản phẩm nào cũng nhẵn bóng xếp trên xe hàng.
Lo ngại về kiểm dịch
Trao đổi với PV Báo SGGP, bà Bế Thị Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 7 Lạng Sơn cho biết, phần lớn bắp cải Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai do ở khu vực Vân Nam (Trung Quốc) đang trồng rất nhiều loại rau xanh này, còn ở Quảng Đông chủ yếu trồng cây ăn trái.
Tuy nhiên, khi liên lạc với cơ quan phụ trách lĩnh vực kiểm dịch thực vật ở địa bàn Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 thuộc Cục Bảo vệ thực vật - trụ sở chính đóng trên địa bàn TP Lào Cai, né tránh câu trả lời trực tiếp. Sau đó, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 8 có thông tin gửi qua e-mail cho biết, lượng bắp cải nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam mỗi ngày chỉ khoảng vài tấn đến vài chục tấn tùy thuộc vào nhu cầu trong nước.
Thời điểm này do Việt Nam không phải là chính vụ bắp cải nên lượng nhập về nhiều hơn đầu năm. Lượng bắp cải nhập từ đầu năm 2015 đến này là 9.700 tấn. Vùng trồng bắp cải ở Trung Quốc là vùng cao nguyên Thông Hải, tỉnh Vân Nam.
Cơ quan kiểm dịch thực vật đã kiểm tra nhanh bằng testkid tại cửa khẩu nhưng các mẫu rau bắp cải kiểm tra đều đạt yêu cầu. Các mẫu gửi đi kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng đạt yêu cầu, chưa có lô hàng nào vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngoài bắp cải, theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, vùng Vân Nam của Trung Quốc còn là một vựa khoai tây khổng lồ. Trước đây, khoai tây Trung Quốc thường tràn vào Việt Nam qua cửa ngõ Lào Cai, sau đó được vận chuyển sâu vào tận TPHCM và thị trường miền Nam trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến cuối năm, nhưng hiện nay hầu như mùa nào cũng có.
Điều đáng nói là mặc dù có lực lượng kiểm dịch thực vật cửa khẩu để kiểm soát nông sản nhập ngoại, nhưng vẫn để nông sản “bẩn” bị “lọt lưới”. Bằng chứng, cách đây hai năm, cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm nội địa tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) khi kiểm tra các xe tải chở khoai tây trên địa bàn đã phát hiện 26 tấn khoai tây hồng nhập khẩu từ Trung Quốc (chuẩn bị đưa về TPHCM) có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Sau đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng xác nhận, những lô khoai tây này được doanh nghiệp làm thủ tục hồ sơ và tờ khai nhập khẩu cũng như kiểm dịch tại cửa khẩu Lào Cai. Những vụ việc trên có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm do cơ quan chức năng chưa phát hiện hết những vi phạm, nhưng nếu cơ quan kiểm dịch không nghiêm ngặt ngăn chặn thực phẩm, nông sản “bẩn” ngay tại cửa khẩu thì chắc chắn người tiêu dùng chưa thể yên tâm tin tưởng về chất lượng nông sản cũng như công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Đại diện cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đều đồng tinh rằng việc nuôi theo hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra là cách bảo đảm cho người nuôi có lãi, hạn chế rủi ro khi nguồn nguyên liệu dư thừa hay thiếu hụt đẩy người nuôi cá nhỏ lẻ vào cảnh khó khăn.
Trong 96 mô hình ứng dụng sản xuất được triển khai trong năm 2013 ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) thì có 49 mô hình đầu tư nuôi gà thả vườn, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 227 con giống, trong đó, chủ yếu dành cho hộ nghèo và cận nghèo.
Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thủy sản, đặc biệt là các loài cá nước lạnh, thủy đặc sản do nguồn nước dồi dào, chưa bị ô nhiễm. Những năm qua, phát triển thủy sản góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Mơ ước trở thành kỹ sư công trình thủy lợi, nhưng khi “giấc mơ” trở thành hiện thực với 5 năm kinh nghiệm và công việc ổn định ở thủ đô, Thái Đình Hải lại “bỗng nhiên” từ bỏ tất cả, trở về quê nuôi lợn. Câu chuyện về chàng trai trẻ “ngược đời” này đang chuẩn bị đi đến hồi... kết thúc có hậu.
Sau 2 năm dài tôm bị dịch bệnh bùng phát làm chết tràn lan khiến hàng loạt hộ nuôi tôm ở ĐBSCL trắng tay, gần đây tôm nuôi “được mùa, được giá”, tạo nên không khí sôi động trên các cánh đồng tôm…