Bấp bênh nghề nuôi cá chẽm
Bỏ tôm nuôi cá
Ông Lê Văn Minh (thôn Tân Phú) cho biết, trước đây, gia đình ông thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên 4 đìa nuôi với diện tích hơn 1,5ha.
Do tôm thường xuyên bị dịch bệnh, thiệt hại nhiều vụ nên ông đã chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi tôm sang nuôi cá chẽm.
“ Cá chẽm dễ nuôi, ít dịch bệnh. Năm nay, gia đình tôi thả nuôi 3 đìa với 30.000 con cá giống. Mới đây, tôi đã xuất bán 1 đìa, sản lượng đạt hơn 8 tấn, 2 đìa còn lại ước sẽ thu được gần 20 tấn” - ông Minh nói.
Ông Nguyễn Văn Minh chăm sóc đìa cá chưa bán được
Gia đình bà Phạm Thị Xuân Đào (thôn Tân Phú) là một trong những hộ nuôi cá chẽm lớn ở Cam Thành Bắc. Những năm trước, gia đình bà chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng, ốc hương.
2 năm trở lại đây, bà đã chuyển sang nuôi cá chẽm.
Năm nay, gia đình bà thả nuôi khoảng 30.000 con giống, bà cũng đã bán khoảng 1/3 số cá nuôi với sản lượng đạt hơn 7,5 tấn. Bà Đào cho biết:
“Nuôi cá chẽm tuy đầu tư lớn, gấp 10 lần nuôi tôm, thời gian nuôi kéo dài 8 tháng đến 1 năm nhưng do cá ít bị dịch bệnh nên người nuôi yên tâm hơn.
Vì vậy, nhiều người dân trong vùng đã bỏ tôm chuyển sang nuôi cá chẽm”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hương (thôn Suối Cam) cũng chuyển sang đầu tư nuôi cá từ giữa năm 2014.
Trước đó, đìa nhà bà bỏ hoang vì thua lỗ gần 100 triệu đồng trong vụ nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2012. Bà Hương cho hay:
“Gia đình tôi đầu tư nuôi 8.000 con cá giống trên diện tích ao 0,5ha, đến nay cá sắp xuất bán.
Năm nay, do thời tiết nắng nóng nên tỷ lệ hao hụt lên đến gần 40%. Điều tôi lo sợ nhất là giá cá xuống thấp”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Cam Thành Bắc có 80ha nuôi trồng thủy sản.
Năm 2014, trong các đối tượng nuôi thì cá chẽm mang lại hiệu quả cao nhất, bởi loại cá này ít dịch bệnh và giá bán cao, lên đến hơn 110.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nuôi tôm thua lỗ nên từ giữa năm 2014, người dân đã chuyển sang nuôi cá chẽm, cao điểm diện tích nuôi cá chẽm lên đến gần 40ha.
Giá cá bấp bênh
Nhiều hộ nuôi cá chẽm tại xã Cam Thành Bắc cho biết, điều khiến nông dân lo lắng nhất là giá cá lên xuống thất thường. “Năm 2012, giá cá chẽm khá cao, đạt gần 90.000 đồng/kg; năm 2013, cá lại rớt giá thê thảm, chỉ còn 45.000 đồng/kg.
Năm 2014, giá cá đạt mức kỷ lục, hơn 110.000 đồng/kg, nhưng năm nay lại đang lao dốc, xuống 85.000 đồng/kg cách đây 2 tháng và hiện chỉ còn 65.000 đồng/kg.
Với lượng cá đang tồn lên đến hàng nghìn tấn ở các ao đìa nuôi tại Cam Lâm, TP. Cam Ranh cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh thì giá cá chẽm trong thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục xuống thấp”, ông Minh nhận định.
Trong khi đó, bà Đào cho biết: “Trung bình 1 ngày tôi tốn khoảng 10 triệu đồng tiền thức ăn cho 2 đìa cá chưa xuất bán. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nuôi chắc chắn sẽ thua lỗ nặng”.
Mới đây, khi xuất bán 7,5 tấn cá, gia đình bà chỉ thu được hơn 480 triệu đồng, tính ra bán đìa cá này bà thua lỗ mấy chục triệu đồng.
Hiện nay, bà đang lo lắng cho 2 đìa cá chưa xuất bán được.
Trước tình trạng ồ ạt chuyển đổi sang nuôi cá chẽm, UBND xã Cam Thành Bắc đã liên tục khuyến cáo người dân không nên nuôi quá nhiều để tránh trường hợp sản lượng lớn, việc tiêu thụ chậm sẽ bị thương lái ép giá dẫn đến thua lỗ.
“Trong kế hoạch nuôi trồng thủy sản của xã, cao điểm diện tích cá chẽm chỉ chiếm khoảng 50%, phần diện tích còn lại dành để nuôi tôm, ốc hương, cá mú...” - ông Lâm Ngọc Xuyên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thành Bắc nói.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), hiện toàn huyện có khoảng 700 ngàn con gà, giảm gần 500 ngàn con so với cùng kỳ năm ngoái. Số gà này được nuôi chủ yếu theo hình thức trang trại gia công cho các công ty.
Trà Vinh hiện có khoảng 63 ha trồng thanh long ruột đỏ, riêng xã Đức Mỹ, huyện Càng Long có 25 ha. Đây là loại trái cây đang được người tiêu dùng ưa chuộng và đã được Hợp tác xã thanh long ruột đỏ xã Đức Mỹ xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Nhiều năm qua, người dân thuộc ấp An Nhơn, xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) chọn cây ấu làm cây trồng cải thiện thu nhập vào mùa nước nổi.
Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Đài Loan (Trung Quốc), Trạm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp huyện Hoa Liên đã phát triển thành công gạo có màu sắc khác so với gạo thông thường hiện nay, vốn chủ yếu có màu trắng.
Phúc Thành (Yên Thành) là xã đầu tiên của Nghệ An thành công trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Đây là “cánh cửa” mở ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).