Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Nhơn Hải Nâng Cao Trách Nhiệm Cộng Đồng
Để quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), góp phần ổn định và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng ven biển, UBND xã Nhơn Hải vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững NLTS ven bờ (CRSD) và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS tỉnh thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (ĐQLNCVB) xã Nhơn Hải.
Toàn xã Nhơn Hải có 305 phương tiện ghe, thuyền, tổng công suất 5.916 CV, hoạt động ven bờ với các nghề mành rút, trủ, mành trải tôm, mành đèn, thả chà… đánh bắt các loại cá, mực, tôm hùm… Ngư dân địa phương còn ương tôm hùm giống, nuôi tôm hùm thương phẩm, ốc hương, cá bớp, ghẹ xanh…
Trong 9 tháng đầu năm 2014, giá trị đánh bắt, khai thác và nuôi trồng ở xã Nhơn Hải ước thực hiện gần 94 tỉ đồng, đạt trên 89% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng hải sản ven bờ ngày càng giảm sút do biến đổi khí hậu toàn cầu, việc đánh bắt bằng chất nổ, các chất hủy diệt, nghề cấm… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở địa phương.
Trước thực trạng trên, UBND xã Nhơn Hải đã phối hợp với Ban quản lý Dự án CRSD và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS thành lập tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải, đại diện cho cộng đồng ngư dân ở địa phương tham gia quản lý hoạt động nghề cá ven bờ; bảo vệ, phát triển NLTS, môi trường sống của các loài thủy sản ven bờ, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển xã Nhơn Hải.
Tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải có 16 thành viên, gồm đại diện chính quyền địa phương, Hội Nông ngư dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, khuyến ngư viên, thôn trưởng 3 thôn: Hải Bắc, Hải Đông, Hải Nam, chi hội trưởng ngư dân các thôn.
Thành viên của tổ được cộng đồng dân cư các thôn giới thiệu và bầu, UBND xã ra quyết định thành lập. Cấp xã là tổ ĐQLNCVB, ở cấp thôn là các nhóm hạt nhân đồng quản lý nghề cá, mỗi nhóm có từ 5 - 6 thành viên, gồm trưởng thôn, chi hội trưởng ngư dân, ngư dân, hộ chế biến hải sản ở địa bàn thôn.
Mục tiêu hoạt động của tổ, nhóm hạt nhân ĐQLNCVB là truyền thông và tăng cường vận động cộng đồng dân cư bảo vệ NLTS, môi trường, hệ sinh thái biển ven bờ ở xã Nhơn Hải; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, bảo vệ và phát triển NLTS trong phạm vi được phân công; triển khai các biện pháp bảo vệ tài nguyên và sử dụng nguồn lợi bền vững.
Phát hiện, ngăn chặn những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ NLTS, đề xuất chính quyền địa phương giải quyết; xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết với các hội (nhóm) nghề nghiệp khác ở trong và ngoài địa phương; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.
Tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải hoạt động theo quy chế, trên tinh thần dân chủ và tập thể, giải quyết vấn đề phù hợp với tập quán cư dân vùng ven biển. Tổ ĐQLNCVB sẽ được bầu lại sau 2 năm hoạt động. Kinh phí hoạt động được huy động từ nguồn đóng góp của các thành viên, các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh du lịch; hộ thu mua và chế biến hải sản; hỗ trợ từ Dự án CRSD, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Với việc thành lập tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải, hy vọng NLTS ven bờ ở vùng biển Nhơn Hải sẽ được phục hồi, phát triển, hoạt động khai thác thủy sản được quản lý chặt chẽ và đời sống của cộng đồng ngư dân ngày càng được nâng cao.
Có thể bạn quan tâm
Thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh, tháng 4/2014, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình nuôi cá giống mới cho 50 hộ dân trên địa bàn, với tổng diện tích 40ha. Mô hình nuôi cá giống mới hỗ trợ 1,2 triệu con cá rô phi đơn tính giống Đường nghiệp và 40 nghìn cá chép lai ba máu cho các hộ nuôi.
Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.
Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất được hơn 2,0 tỷ con cá giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do viện II cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22%, một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang.
“Gà “tiến vua”có đôi chân rất to, sần sùi, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 4,5kg. Đây là giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) thường được dùng để “tiến vua” ngày xưa” - ông Nguyễn Văn Bộ (ấp Hà Bao 1, xã Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết.