Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Ở Nhơn Hải Nâng Cao Trách Nhiệm Cộng Đồng

Để quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (NLTS) ven bờ tại xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định), góp phần ổn định và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư vùng ven biển, UBND xã Nhơn Hải vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án Vì sự phát triển bền vững NLTS ven bờ (CRSD) và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS tỉnh thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ (ĐQLNCVB) xã Nhơn Hải.
Toàn xã Nhơn Hải có 305 phương tiện ghe, thuyền, tổng công suất 5.916 CV, hoạt động ven bờ với các nghề mành rút, trủ, mành trải tôm, mành đèn, thả chà… đánh bắt các loại cá, mực, tôm hùm… Ngư dân địa phương còn ương tôm hùm giống, nuôi tôm hùm thương phẩm, ốc hương, cá bớp, ghẹ xanh…
Trong 9 tháng đầu năm 2014, giá trị đánh bắt, khai thác và nuôi trồng ở xã Nhơn Hải ước thực hiện gần 94 tỉ đồng, đạt trên 89% kế hoạch năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sản lượng hải sản ven bờ ngày càng giảm sút do biến đổi khí hậu toàn cầu, việc đánh bắt bằng chất nổ, các chất hủy diệt, nghề cấm… đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động đánh bắt, nuôi trồng hải sản ở địa phương.
Trước thực trạng trên, UBND xã Nhơn Hải đã phối hợp với Ban quản lý Dự án CRSD và Chi cục Khai thác-Bảo vệ NLTS thành lập tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải, đại diện cho cộng đồng ngư dân ở địa phương tham gia quản lý hoạt động nghề cá ven bờ; bảo vệ, phát triển NLTS, môi trường sống của các loài thủy sản ven bờ, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân ven biển xã Nhơn Hải.
Tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải có 16 thành viên, gồm đại diện chính quyền địa phương, Hội Nông ngư dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, khuyến ngư viên, thôn trưởng 3 thôn: Hải Bắc, Hải Đông, Hải Nam, chi hội trưởng ngư dân các thôn.
Thành viên của tổ được cộng đồng dân cư các thôn giới thiệu và bầu, UBND xã ra quyết định thành lập. Cấp xã là tổ ĐQLNCVB, ở cấp thôn là các nhóm hạt nhân đồng quản lý nghề cá, mỗi nhóm có từ 5 - 6 thành viên, gồm trưởng thôn, chi hội trưởng ngư dân, ngư dân, hộ chế biến hải sản ở địa bàn thôn.
Mục tiêu hoạt động của tổ, nhóm hạt nhân ĐQLNCVB là truyền thông và tăng cường vận động cộng đồng dân cư bảo vệ NLTS, môi trường, hệ sinh thái biển ven bờ ở xã Nhơn Hải; kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác thủy sản vùng biển ven bờ, bảo vệ và phát triển NLTS trong phạm vi được phân công; triển khai các biện pháp bảo vệ tài nguyên và sử dụng nguồn lợi bền vững.
Phát hiện, ngăn chặn những đối tượng vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ NLTS, đề xuất chính quyền địa phương giải quyết; xây dựng mối quan hệ hợp tác, liên kết với các hội (nhóm) nghề nghiệp khác ở trong và ngoài địa phương; hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.
Tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải hoạt động theo quy chế, trên tinh thần dân chủ và tập thể, giải quyết vấn đề phù hợp với tập quán cư dân vùng ven biển. Tổ ĐQLNCVB sẽ được bầu lại sau 2 năm hoạt động. Kinh phí hoạt động được huy động từ nguồn đóng góp của các thành viên, các tổ chức, cá nhân khai thác, kinh doanh du lịch; hộ thu mua và chế biến hải sản; hỗ trợ từ Dự án CRSD, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Với việc thành lập tổ ĐQLNCVB xã Nhơn Hải, hy vọng NLTS ven bờ ở vùng biển Nhơn Hải sẽ được phục hồi, phát triển, hoạt động khai thác thủy sản được quản lý chặt chẽ và đời sống của cộng đồng ngư dân ngày càng được nâng cao.
Related news

Việc nhân rộng mô hình trồng ngô (bắp) lai giống LVN 10 của Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần thúc đẩy nhanh hơn chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng ở địa phương này.

Khoảng 2 giờ sáng 25.5, trong lúc ra kiểm tra lưới lồng đang thả tại khu vực gần tượng đài Chiến thắng Quy Nhơn, cách bờ biển Quy Nhơn gần 2 hải lý, anh Nguyễn Văn Vui (48 tuổi, ở tổ 56, KV 11, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn - Bình Định) đã phát hiện một con cá mập (còn gọi là cá nhám) bị mắc lưới. Sau một hồi quẫy đập quá mạnh trong lưới lồng, con cá mập đã chết do kiệt sức, đến khoảng 5 giờ sáng, anh Vui cùng một số người khác mới kéo được bộ lưới và con cá mập vào bờ.

Tôi được lãnh đạo Báo NTNN giao trọng trách viết cho chuyên mục “1001 cách làm ăn”. Mỗi tuần 1 bài. Mỗi bài là một vấn đề mà bà con đang cần để áp dụng tìm tòi để các vấn đề nêu ra đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.

Tận dụng diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen ở xã Định Thành (Thoại Sơn) và Cô Tô (Tri Tôn)- An Giang phát triển gần chục năm, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, những vụ gần đây, do dịch bệnh, giá cả bấp bênh, bà con không còn “mặn” với loại cây thủy sinh này.

Tiếp nối nghề truyền thống của cha ông, anh Ngô Văn Nhợi (xã Hải Tân, huyện Hải Hậu, Nam Định) đã phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.