Thừa Thiên - Huế: Bảo Vệ Nguồn Lợi Thủy Sản Dựa Vào Cộng Đồng
Mấy tháng qua, ngư dân các huyện ven đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) luôn bội thu nguồn lợi từ thủy sản. Riêng ở xã Điền Hải (huyện Phong Điền), ngư dân liên tục thắng đậm cá dìa, đem về hàng trăm triệu đồng. Có được kết quả này là do địa phương đã triển khai tốt chính sách bảo vệ nguồn lợi thủy sản dựa vào cộng đồng.
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích lên đến 22.000 ha, trải dài qua 5 huyện gồm Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc. Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chị cục Bảo vệ Tài nguyên môi trường Thừa Thiên - Huế, toàn tỉnh hiện có trên 14.000 lao động sống dựa vào nguồn lợi từ đầm phá này, vì thế việc nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đây là hết sức cần thiết.
Để góp phần ngăn chặn việc đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt như dùng xung điện, giã cào, lừ, nò sáo..., UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có công văn cho phép thành lập các trung tâm bảo vệ thủy sản, tiến hành thả con giống, tạo điều kiện cho thảm thực vật, rong rêu phát triển để làm nguồn thức ăn cho tôm cá. Các khu bảo vệ thuỷ sản là các vùng cấm khai thác, tôm cá được bảo vệ để sinh sản, sau đó nguồn lợi được phát tán bổ sung ra các vùng đầm phá xung quanh, nơi ngư dân được phép khai thác. Điều đáng nói là, dự án được triển khai dựa vào sức cộng đồng, nghĩa là người dân địa phương tự thành lập và quản lý. Khi được giao quản lý diện tích mặt nước, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trung tâm Bảo vệ thủy sản Cồn Chìm, xã Vinh Phú (huyện Phú Vang) là trung tâm đầu tiên được thành lập với diện tích 23,6 ha. Ông Bình cho biết: "Các trung tâm bảo vệ thủy sản có ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, dễ quản lý, quy mô nhỏ nên dễ dàng được nhân dân và chính quyền địa phương chấp nhận. Giải pháp lập khu bảo vệ thủy sản dựa vào cộng đồng được xem là phù hợp trong điều kiện hiện nay".
Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thành lập thêm 5 trung tâm bảo vệ thủy sản trải đều khắp các huyện ven hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với tổng diện tích hơn 160 ha. Hiện, tỉnh đang tiếp tục thành lập thêm 2 khu nữa là Khu bảo vệ thủy sản Cồn Sáo (xã Hương Phong - Hương Trà) với diện tích 16 ha và khu Vành Lăng (xã Lộc Bình - Phú Lộc) với 15 ha.
Trước đó, nhằm ngăn chặn kiểu đánh bắt tận diệt, Thừa Thiên - Huế đã tiến hành sắp xếp, phân bổ; xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép với khoảng 1.260 nò sáo được giải tỏa, sắp xếp lại. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong đợt cá Nam vừa qua, ngành chức năng đã bắt và xử lý 41 trường hợp khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá và ven biển, xử phạt hành chính 56,4 triệu đồng, tịch thu 24 bình điện, 20 kích điện và các ngư cụ khác.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các chuyên gia, giới doanh nghiệp 2 nước Việt Nam, Australia liên kết chặt chẽ, đóng góp ý kiến đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi các nguyên liệu đầu vào chủ yếu nhập khẩu và rất ít sản phẩm xuất khẩu nên khó cạnh tranh.
Ông Lê Văn Dũng - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Khánh Hòa cho biết, có tình trạng thật giả lẫn lộn trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng nhưng công tác quản lý gặp khó khăn.
Hiện nay, nông dân ở ĐBSCL chuẩn bị xuống giống vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 trong tình hình thời tiết khá bất thường.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Chánh – Bình Tân, tổ chức lượng giá 03 mô hình cơ giới hóa trên rau với 89 hộ dân tham gia ở các xã Vĩnh Lộc B, Hưng Long, Đa Phước, Qui Đức, Tân Qúi Tây, Phong Phú, Hưng Long, Bình Chánh, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt, Vĩnh Lộc A.