Bảo Vệ Gia Cầm Mùa Bão Lũ

Chỉ trong vài tuần, tại một số trang trại (TT) gia cầm ở xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) có gần 4.000 con gà bị chết do dịch tả. Sau các đợt bão lũ, các hộ nuôi chủ quan trong công tác phòng ngừa dịch bệnh là nguyên nhân dẫn đến gia cầm chết hàng loạt.
Gà chết hàng loạt
Anh Hồ Thạnh tỏ ra rất lo lắng khi tổng đàn gà khoảng 3.000 con đã có hơn 2.300 con bị chết do dịch bệnh. “Đến nay, dịch cơ bản được khống chế, nhưng gà vẫn chết lai rai, không biết khi nào chấm dứt. Từ khi có dịch, gia đình tôi rất lúng túng, không rõ nguyên nhân nên triển khai các biện pháp phòng trừ không hiệu quả”, anh Thạnh nói. Hỏi về các biện pháp phòng chống dịch, anh Thạnh cho biết, sau bão lũ, gia đình anh tăng cường phun thuốc quanh chuồng trại, cho gà ăn các loại tinh bột, gạo giàu dinh dưỡng nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. Lượng gà bị chết ước thiệt hại gần 200 triệu đồng”.
Nằm cạnh TT của anh Thạnh là trại gà của anh Trần Tuấn cũng có hơn 1.500 con bị chết. “Ban đầu gà chỉ chết vài chục con, gia đình tiến hành tiêm vắc xin phòng trừ dịch. Nhưng chỉ trong vòng 5 ngày sau đó, toàn bộ 1.500 con gà tại TT, cả lớn lẫn nhỏ đều chết hàng loạt, ước thiệt hại trên 70 triệu đồng. Mấy ngày nay, cả gia đình đứng ngồi không yên vì dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn...”, anh Tuấn lo lắng. Hộ anh Thạnh, anh Tuấn đều có chung nguyện vọng là được các ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ để tái đầu tư chăn nuôi. Ngành thú y tạo điều kiện tập huấn, tổ chức cho các hộ tham quan các mô hình chăn nuôi hiệu quả để học tập kinh nghiệm chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.
Ông Văn Hữu Nguyên, Phó Trưởng trạm Thú y huyện Quảng Điền cho hay, nguyên nhân dẫn đến gà chết hàng loạt ở hai hộ chăn nuôi trên là do bị nhiễm dịch Newcastle, hay còn gọi là dịch tả gà. Sau khi nhận được tin báo của các hộ, cán bộ Trạm Thú y huyện Quảng Điền tiến hành điều tra, xử lý dập dịch. Hai TT trên nằm cạnh nhau, lúc đầu gia cầm của TT anh Tuấn bị chết một số ít, sau đó lây lan sang hộ anh Thạnh. Khi phát hiện một số gà trong khu vực chăn nuôi bị chết, các hộ anh Tuấn, anh Thạnh tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh, những con bị chết được chôn hủy kịp thời nhưng gia cầm vẫn tiếp tục chết hàng loạt...
“Bí quyết” bảo vệ đàn gà
Trong khi nhiều hộ nuôi lo lắng trước dịch bệnh hoành hành, anh Trần Thiện Chương lại tỏ ra tự tin trong công tác bảo vệ TT gà khoảng 10 ngàn con của mình. 12 giờ trưa, nhưng anh Chương cùng vợ là chị Trang vẫn chăm sóc đàn gà. Anh nói: “Mùa bão lũ thời tiết thường diễn biến phức tạp, mưa lạnh và ẩm thấp là điều kiện rất thuận lợi đối với các loại dịch, nhất là dịch cúm gia cầm tái phát. Chỉ trừ lúc nghỉ ăn cơm, còn lại phải bám TT, thường xuyên chăm sóc nhằm phát hiện gia cầm có triệu chứng bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời”.
Mặc dù không có dịch nhưng hiện nay tại TT gà của anh Chương vẫn triển khai các biện pháp chăm sóc, phòng ngừa như đang có dịch. Mỗi năm, anh chi khoảng 5 triệu đồng mua hoá chất dự trữ tại chỗ, thường xuyên tổ chức tiêu độc khử trùng theo định kỳ. Anh Chương còn chủ động dự trữ nguồn thức ăn, tăng cường chế độ dinh dưỡng cho gia cầm, như hàm lượng vitamin tổng hợp antistrer, vitamin C, vitamin nhóm AB... Anh Chương tự nghĩ ra biện pháp bảo vệ đàn gà bằng cách ép nước tỏi trộn thức ăn cho gà và phun tiêu độc khử trùng. Lâu nay, TT gà của anh được bảo vệ an toàn một phần là nhờ dùng tỏi ép lấy nước để phun chuồng trại và cho gà ăn.
Tại TT của chị Trần Thị Tỵ khoảng 6.000 con được bảo vệ an toàn bằng việc áp dụng các biện pháp theo quy định của ngành thú y. Chị Trần Thị Tỵ cho biết, ngoài các biện pháp tiêm vắc xin cho đàn gà, tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kỳ, vừa qua chị còn học tập phương pháp chế biến tỏi của anh Chương để phun và cho gà ăn. Cán bộ thú y cũng thường xuyên đến kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ TT gà. Hạn chế tối đa người ra vào chuồng trại và trước khi cho vào TT phải qua tiêu độc khử trùng... cũng là biện pháp bảo vệ an toàn dịch bệnh cho gà. Mấy năm qua, kể từ khi đầu tư chăn nuôi gà theo mô hình TT an toàn sinh học đến nay gà chưa bao giờ xảy ra dịch bệnh.
Theo anh Trần Thiện Chương và chị Trần Thị Tỵ, cùng với các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, trước mùa bão lũ, tại các TT chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, các loại hoá chất đầy đủ để chủ động triển khai phòng chống khi có dịch xảy ra. Anh Chương nói: “Nếu dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh, anh sẽ cương quyết bảo vệ an toàn cho đàn gà, tuyệt đối không để xảy ra dịch”. Ngoài tăng cường tiêu độc khử trùng, tiêm vắc xin anh sẽ áp dụng phương pháp “lấy gà nuôi gà trong dịch cúm”, bằng cách luộc trứng gà sẵn có tại TT, pha trộn với bắp chuối, thóc để cho gà ăn. Với phương pháp này, anh từng bảo vệ an toàn đàn gà trong mùa dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 2004…
Theo anh Trần Thiện Chương, phương pháp dùng tỏi chế biến thức ăn cho gà: Cứ 1 lít nước tỏi pha trộn với 10 lít nước sạch, phun từ 5-10 ngàn con, theo chu kỳ 3 ngày phun 1 lần. Hiện nay, mỗi kg tỏi chỉ khoảng 20 ngàn đồng nên cũng rất tiện lợi cho các TT sử dụng để chế biến thuốc cho gia cầm và phun tiêu độc khử trùng. Áp dụng phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, mà còn đảm bảo quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, tại Đồng Nai giá cà phê nhân xô các đại lý mua vào là 42 - 42,5 triệu đồng/tấn, tăng gần 5 triệu đồng/tấn so với dịp cuối tháng 9 - 2014. Như vậy, sau một thời gian dài hạ xuống dưới 38 triệu đồng/tấn, từ đầu tháng 10 - 2014, giá cà phê trên thị trường đã tăng trở lại. Nguyên nhân là do giá cà phê trên thế giới trong 2 tuần qua liên tiếp tăng.

Tổ hợp tác sản xuất mãng cầu Thạnh Tân bước đầu có 9 hộ nông dân tham gia, với diện tích đất trồng mãng cầu là 74.000 mét vuông. Tổ hoạt động trên cơ sở liên kết nhiều hộ nông dân có diện tích đất sản xuất liền canh, liền khu vực, tự quản lý sản xuất, tự chịu trách nhiệm.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2014, mối liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đặc biệt là trong ngành hàng lúa gạo đã đạt được những thành quả rõ nét hơn so với cùng kỳ 2013.

Mới đây, bà đã mạnh dạn xây dựng xưởng sơ chế, bảo quản cấp đông sản phẩm chanh dây phục vụ cho các công ty trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm chanh dây của HTX đã xuất khẩu đến thị trường Đài Loan, Hàn Quốc…và đầu năm 2014 được Hội Nông dân Việt Nam công nhận là 1 trong số 150 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu.

Theo ông Đinh Xuân Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Đà thì Tổ hợp tác trồng rau an toàn là nơi để các hộ chuyên trồng rau ở địa bàn xã có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi kỹ thuật chăm sóc, nâng cao chất lượng và sản lượng rau.