Bảo Hiểm Nông Nghiệp Trụ Đỡ Sản Xuất
Chính phủ nên tiếp tục triển khai BHNN với quy mô rộng hơn có sự hỗ trợ của nhà nước về phí bảo hiểm cho người nông dân, và phải gắn với các chương trình phát triển khác của nông nghiệp.
+ Mở rộng bảo hiểm cây trồng, vật nuôi
+ Bồi thường cho thủy sản chiếm 95% BHNN
Từng bước mở rộng bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) đối với sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi hướng vào cây, con chiến lược, chủ lực phục vụ Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục thí điểm bảo hiểm thủy sản đến hết năm 2015… là những đề xuất của Bộ NN-PTNT trong triển khai BHNN thời gian tới.
Chính sách hợp lòng dân
Ngày 27/6, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện thí điểm BHNN giai đoạn 2011 – 2013. Theo ông Phùng Ngọc Khánh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), trong 3 năm qua đã có hơn 300.000 hộ nông dân, tổ chức tham gia BHNN, trong đó có hơn 200.000 hộ nghèo.
Xét về đối tượng bảo hiểm, tổng diện tích lúa tham gia bảo hiểm là 65.300 ha; vật nuôi trên 1,2 triệu con và thủy sản 5.800 ha.
Tổng giá trị được bảo hiểm là 7.747,9 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp là 394 tỷ đồng, trong đó thủy sản 218,175 tỷ đồng (chiếm 55,4%); cây lúa 92 tỷ đồng (23,3%), còn lại là phí bảo hiểm vật nuôi. Tổng số tiền đã giải quyết bồi thường bảo hiểm đến thời điểm 20/6/2014 là 701,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm 178%.
Trong đó chủ yếu bồi thường bảo hiểm thủy sản với tổng số tiền đã bồi thường 669,5 tỷ đồng (chiếm 95%), tỷ lệ bồi thường 306%. Số tiền phải bồi thường cho cây lúa ở mức thấp: 19 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường bảo hiểm chỉ 20,6%); vật nuôi là 13,3 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường chỉ 15,9%).
Ông Khánh nhận định đây là một chính sách đúng đắn và hợp lòng dân nhằm ổn định SX và đời sống của người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đối tượng được bảo hiểm là những cây, con chủ lực và quan trọng của địa phương, phù hợp với điều kiện, đặc thù SX nông nghiệp, phân bố dân cư và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.
Việc giải quyết bồi thường cho người dân về cơ bản đảm bảo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có những thời điểm tổn thất xảy ra với quy mô lớn, đồng loạt, trên phạm vi rộng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ giám định, bồi thường của doanh nghiệp còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm; việc huy động tài chính để bồi thường bảo hiểm cũng gặp khó khăn.
Vẫn khó triển khai
Về thực hiện quy trình công bố dịch và tổn thất, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: Hầu hết các địa phương đánh giá cao 3 quy trình xác nhận dịch bệnh do Bộ NN-PTNT hướng dẫn.
Tuy nhiên, một số tỉnh thuộc ĐBSCL cho rằng việc xác nhận giao cho Chủ tịch huyện và phải lấy ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn như Chi cục Thú y, Chi cục Nuôi trồng thủy sản vẫn là bước khó và làm chậm việc xác nhận bồi thường cho người SX. Vì vậy một số địa phương đã ban hành quy trình phòng chống dịch bệnh và quy trình xác nhận dịch bệnh như: Hà Nội, Nghệ An, Bến Tre, Bạc Liêu…
Ông Phạm Văn Ca, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho rằng, BHNN là một chiến lược phát triển nông nghiệp mang tính bền vững, bởi nó gắn trách nhiệm của người nông dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Năm đầu tiên triển khai BHNN (2012), Thái Bình có nhiều diện tích lúa bị thiệt hại do bão số 8 gây ra khiến nông dân mất trắng, nhưng công ty Bảo Việt đã đền bù cho người dân tổng số tiền rất lớn: 26 tỷ đồng. Trong tình cảnh khó khăn lúc bấy giờ, 26 tỷ đồng là số tiền có ý nghĩa rất lớn với nông dân.
Tuy nhiên, ông Ca cũng thẳng thắn thừa nhận rằng việc triển khai thí BHNN vẫn còn nhiều bất cập. Không ít hộ muốn tham gia bảo hiểm cho lúa ở diện tích nhỏ lẻ của gia đình, nhưng phạm vi bảo hiểm thường là quy mô thôn, xã; lấy bình quân năng suất trong 10 năm làm cơ sở định mức đền bù nên nhiều người không mặn mà.
Thứ nữa, chính sách của chúng ta cũng thiếu đồng bộ. Mỗi khi xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản hay mất mùa do thiên tai, sâu bệnh thì nông dân đều nhận được tiền hỗ trợ của nhà nước (mua hay không mua bảo hiểm đều được hỗ trợ).
Để giải quyết vấn đề này, chính sách về nông nghiệp phải đồng bộ. Nếu muốn hỗ trợ cho nông dân thì nên hỗ trợ bằng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tiền mua máy móc, thiết bị SX nông nghiệp, giống cây, con chất lượng cao… để tăng năng suất, nâng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Còn khi xảy ra thiệt hại, ai tham gia bảo hiểm mới được hỗ trợ.
Gian nan bảo hiểm thủy sản
Trong những năm vừa qua, không ít doanh nghiệp bảo hiểm đã phải đau đầu huy động tiền để bồi thường cho diện tích thủy sản bị thiệt hại.
Như đã đề cập ở trên, tổng doanh thu phí bảo hiểm thủy sản thu được chỉ trên 200 tỷ đồng, nhưng số tiền thực bồi thường bảo hiểm thủy sản rất cao: 669,5 tỷ đồng. Tại các tỉnh tham gia thí điểm bảo hiểm thủy sản như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm so với doanh thu phí bảo hiểm đều xấp xỉ 300%.
Nuôi trồng thủy sản cần được bảo hiểm
Theo ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, qua 2 năm thực hiện bảo hiểm thủy sản, tỉnh đã khai thác bảo hiểm trên 3.200 ha nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng với gần 3.400 hộ tham gia.
Mặc dù mức phí bảo hiểm thu được là 85,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 55,2 tỷ đồng; các hộ tham gia đóng góp 30,1 tỷ đồng), nhưng vì diện tích thiệt hại quá lớn: 2.607 ha, chiếm 83,9% tổng diện tích tham gia bảo hiểm, do đó tổng số tiền phải bồi thường lên tới hơn 250 tỷ đồng.
Lý giải về điều này, ông Khởi cho biết: Tôm nuôi là đối tượng chịu tác động mạnh của các yếu tố thiên nhiên như khí hậu, môi trường nên dễ mắc bệnh và thường xuyên xảy ra rủi ro.
Mặt khác địa bàn bảo hiểm rộng, khó quản lý nên các dấu hiệu trục lợi bảo hiểm rất khó giám sát. Bên cạnh đó, mức phí bảo hiểm nuôi tôm khá cao 13,73%, chưa thu hút được người dân và các tổ chức tham gia.
Đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh tỷ lệ phí bảo hiểm tôm là 9,72% theo Quyết định số 1042 ngày 8/5/2013 của Bộ Tài chính. Bộ NN-PTNT cũng cần sớm ban hành quy trình xét nghiệm “Hội chứng hoại tử gan tuỵ cấp trên tôm” và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm cho các đối tượng tham gia bảo hiểm để khuyến khích người dân tham gia, tạo thói quen SX có bảo hiểm.
Hỗ trợ phí BHNN gắn với NTM
Ông Hoàng Xuân Điều, Trưởng ban BHNN - Bảo hiểm Bảo Việt thẳng thắn thừa nhận rằng lực lượng triển khai BHNN tại Cty còn mỏng, thiếu chuyên môn về nông nghiệp nên việc đánh giá tổn thất chưa được tiến hành tốt.
Nhiều trường hợp khó xác định được rủi ro có được bảo hiểm hay không bởi quy trình SX ra một sản phẩm nông nghiệp của nông dân không đồng bộ. Bên cạnh đó, tâm lý của người nông dân còn trông chờ, ỷ lại vào chương trình hỗ trợ, không muốn phải nộp phí bảo hiểm nhưng vẫn được bồi thường…
Ông Điều kiến nghị: Chính phủ nên tiếp tục triển khai BHNN với quy mô rộng hơn có sự hỗ trợ của nhà nước về phí bảo hiểm cho người nông dân, và phải gắn với các chương trình phát triển khác của nông nghiệp. Ví dụ, hỗ trợ kinh phí gắn với chương trình NTM, coi bảo hiểm nông nghiệp là một tiêu chí cho sự phát triển của nông thôn.
Riêng với bảo hiểm thủy sản, cần tiếp tục triển khai bảo hiểm tôm nuôi, tuy nhiên sẽ phải điều chỉnh lại quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm để tránh tình trạng tỷ lệ tổn thất quá cao như thời gian thí điểm vừa qua.
Có thể bạn quan tâm
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2013 - 2014 và vụ Thu 2014, huyện Phù Cát (Bình Định) đã thực hiện 2 mô hình (MH) cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất đậu phụng trên diện tích 88 ha tại 2 xã Cát Hiệp và Cát Hải, có 373 hộ tham gia. Bên cạnh việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, MH còn được triển khai 5 công thức bón phân cho cây đậu phụng.
“Nông dân cần kịp thời được tư vấn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống mới. Thu hoạch cách nhau mấy ngày mà chênh lệch đến mấy triệu đồng... Sống nhờ vườn mà nghề vườn bấp bênh, rủi ro quá, nhiều người đã bỏ đất đi làm thuê làm mướn”, anh Nghĩa nói vậy. Bản thân anh cũng đang hợp đồng với ngành du lịch Vĩnh Long chạy đò chở khách để kiếm thêm phụ vợ nuôi bầy con.
Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam đã mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ trồng cam trên địa bàn huyện Cao Phong. (Gia đình anh Cao Xuân Quỳnh, xóm Nam Thành, xã Nam Phong (Hòa Bình) thoát nghèo vơn lên làm giàu nhờ cây cam).
Trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, sản phẩm cam Cao Phong ngày càng khẳng định được lợi thế nổi bật so với các loại đặc sản khác của địa phương. Đến nay, cam Cao Phong là sản phẩm đầu tiên và duy nhất của tỉnh đã đăng ký bảo hộ thành công chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Kết quả này mở ra nhiều cơ hội để cam Cao Phong trở thành một thương hiệu mạnh, có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây hồng xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay hồng xiêm đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây hồng xiêm. Tới đây, diện tích trồng hồng xiêm của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định