Bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm
Cho đến nay, bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm.
Nội dung này vừa được đưa ra tại hội thảo công bố báo cáo dự án “Hỗ trợ xây dựng quản lý rủi do nông nghiệp thông qua liên kết công-tư ở Việt Nam” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha tổ chức sáng nay (25/11), tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, bảo hiểm nông nghiệp được xem là một công cụ tài chính để quản trị rủi ro trong nông nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng.
Tuy nhiên, sau chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013, bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ được lồng ghép vào các quyết định, đề án, chương trình khác chứ chưa có chính sách cụ thể.
Tại Việt Nam, bảo hiểm nông nghiệp đã được một số công ty bảo hiểm thử nghiệm cung cấp từ những năm 1980 nhưng thất bại.
Giai đoạn 2011-2013, Việt Nam đã tiến hành chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp áp dụng cơ chế liên kết công – tư và đã đạt được những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi và đảm bảo thành công, Việt Nam vẫn cần học hỏi rất nhiều từ các mô hình trên thế giới.
Theo ông Thắng, yếu tố đóng góp lớn cho thành công của bảo hiểm nông nghiệp là sự tham gia tự nguyện, bình đẳng của các bên liên quan.
Nông dân, chính quyền địa phương, công ty bảo hiểm, công ty tái bảo hiểm, các cơ quan nhà nước các cấp đều tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, phát triển sản phẩm với trách nhiệm đóng góp khác nhau nhưng đồng thuận về nguyên tắc.
“Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam đã có sự liên kết công-tư.
Đây là tiền đề quan trọng để thiết lập hệ thống bảo hiểm nông nghiệp khả thi và vững bền.
Tuy nhiên, các tổ chức tham gia đều thiếu nhân lực do chương trình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và chưa có chính sách chính thức,” ông Thắng nhấn mạnh.
Đề xuất một số giải pháp, các đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng, trước mắt cần cam kết chính trị của nhà nước trong việc giúp nông dân phòng chống rủi ro bằng việc dành tỉ lệ ngân sách thích đáng cho việc đầu tư từng bước từ thấp đến cao để xây dựng hệ thống bảo hiểm nông nghiệp một cách bài bản thay vì chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm như hiện nay.
Về lâu dài, trên cơ sở các văn bản pháp lý hệ thống, Việt Nam cần tiến đến dự thảo luật bảo hiểm nông nghiệp.
Ngoài ra, tùy theo sự phát triển của năng lực chuyên môn, đội ngũ cán bộ và ngân sách cho phép, thì tổ chức quản lý sẽ xây dựng một lộ trình hợp lý để triển khai bảo hiểm nông nghiệp theo từng bước từ sản phẩm đơn giản đến phức tạp, từ những rủi ro dễ đo lường và dễ xác định thiệt hại đến các rủi ro tổng hợp.
Cụ thể, bắt đầu từ bảo hiểm cây trồng đến vật nuôi, từ bảo hiểm một loại rủi ro, dịch bệnh đến nhiều loại rủi ro, dịch bệnh, từ bảo hiểm chỉ số đối với thiên tai đến bảo hiểm năng suất và cuối cùng là bảo hiểm tổng hợp mọi loại rủi ro (MPCI), từ địa bàn dễ triển khai đến phạm vi toàn quốc.
Related news
Lan ý dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, đầu tư thấp, giá bán bình dân, dễ tiêu thụ.
Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra mức giá sàn đối với cá tra nguyên liệu là 26.000 đồng/kg (loại cá 800g/con) và 24.000 đồng/kg (đối với cá quá lứa) nhưng các doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua cầm chừng với giá thấp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn
Tỷ lệ nhiễm chất cấm tại các tỉnh ngày càng thấp, vì thế người tiêu dùng không nên tẩy chay thịt heo để bảo vệ người chăn nuôi chân chính.
Nhóm các nhà khoa học của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp VN) vừa thực hiện thành công phương pháp chọn lọc cá thể đồng dạng từ các mẫu giống dưa bở nhập nội năm 1997, để tạo thành giống dưa bở vàng số 1.
Tình trạng tôm chết ở các tỉnh ĐBSCL ngày càng lan rộng khiến hàng loạt hộ nuôi tôm mất ăn mất ngủ. Mặc dù các ngành chức năng đang nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng tôm vẫn chết. Ngoài chuyện thiệt hại tiền tỷ, còn mối lo lớn nhất hiện nay là môi trường nuôi bị nhiễm độc do lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…