Bàn Cách Phát Triển Cây Cao Su Tại Bắc Trung Bộ
"Phát triển cây cao su các tỉnh Bắc Trung Bộ" là chủ đề cuộc hội thảo vừa được Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Sở NNPTNT Quảng Trị phối hợp tổ chức, ngày 30/10.
Theo quy hoạch phát triển cao su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng Bắc Trung Bộ tiếp tục trồng mới khoảng 20.000 ha cao su, theo đó ổn định diện tích 80.000 ha. Tuy nhiên tính đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã trồng vượt quy hoạch, với 80.470 ha cao su theo mô hình đại điền và tiểu điền.
Địa phương bắt đầu chuyển hướng
Thực tế cho thấy, cây cao su có nhiều ưu thế nhờ khả năng thích ứng rộng với nhiều loại đất; chịu được khô hạn, hiệu quả kinh tế cao, sớm hòa vốn…
Tuy nhiên, tại vùng Bắc Trung Bộ, cây cao su gặp thách thức do khí hậu, thời tiết rét đậm, rét hại và đặc biệt là bão xảy ra với tần suất, cường độ cao hơn so với các vùng trồng cao su truyền thống khác. Sau cơn bão số 10 và 11 gần đây, 21.450 ha diện tích cao su đã bị thiệt hại, trong đó hơn 13.000 ha thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị, cho biết đối với tỉnh Quảng Trị, tại huyện Vĩnh Linh hiện do thu nhập từ cao su rất cao, bình quân 700.000-1 triệu đồng/ha/ngày nên đa số người dân vẫn quyết tâm trồng lại cao su sau bão.
Chủ trương chung của tỉnh là tiến hành rà soát quy hoạch phát triển cao su cho từng vùng, hình thành các vùng chuyên canh cao su gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tỉnh tiếp tục đề xuất phát triển cao su trên địa bàn với các giải pháp bổ sung như trồng đai rừng chắn gió, sử dụng giống chống chịu gió, áp dụng quy trình kỹ thuật phù hợp để phát triển cao su bền vững.
Theo Sở NNPTNT Quảng Bình, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng phương án khôi phục sản xuất cao su trên địa bàn, loại bỏ những diện tích cao su không phù hợp, chỉ trồng cao su trên những vùng đất đảm bảo điều kiện theo quy trình kỹ thuật, những vùng thường xuyên ảnh hưởng của gió, vùng thấp trũng vận động người sản xuất chuyển sang cây trồng khác.
Sở NNPTNT Hà Tĩnh chủ trương không phát triển thêm vùng cao su tại huyện Kỳ Anh, chuyển trọng tâm phát triển lên các huyện giáp biên giới như Hương Khê, Hương Sơn và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng cao su đặc thù phù hợp với điều kiện khí hậu của vùng.
Tại Hội thảo, đại biểu các địa phương đã có một số đề xuất, kiến nghị với Cục Trồng trọt về việc phục hồi, bảo vệ diện tích cao su sau bão; rà soát điểu chỉnh quy hoạch chi tiết, xây dựng quy trình kỹ thuật đặc thù cho vùng, thực hiện các chính sách hỗ trợ theo đúng quy định.
Giải pháp trước mắt
Để khắc phục thiệt hại cây cao su do mưa bão, Cục Trồng trọt, các Sở NNPTNT, Tập đoàn Cao su Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các biện pháp khắc phục, như: Thu dọn nhanh diện tích có cây cao su đổ gãy, tận dụng tối đa gỗ cao su để bán, liên hệ các công ty chế biến gỗ trên địa bàn tiêu thụ gỗ cao su cho người dân.
Với hơn 70.000 ha cao su còn lại, nhiều địa phương đã có các phương án chăm sóc, bảo vệ như vun lại gốc những cây bật rễ, cưa cành gãy, bôi thuốc để ra mầm mới. Đồng thời, nhiều tỉnh đã chủ động hỗ trợ bà con tiền mua máy cưa, mua thuốc, hỗ trợ nhân công và tiêu thụ gỗ cao su...
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo bà con trước mắt tận thu mủ và chặt lấy gỗ để bán trước khi hủy hoàn toàn. Sau đó, có thể xem xét trồng một vụ cây ngắn ngày như ngô, khoai lang, rau... để cứu vãn tình thế.
Đối với diện tích hơn 13.000 ha đã bị thiệt hại do cơn bão số 10 vừa qua tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, hiện đa số người dân có nguyện vọng muốn khôi phục lại sản xuất. Chính quyền các nơi cần phải có chỉ đạo, khuyến cáo, định hướng cụ thể cho nhân dân để có phương án bố trí khôi phục hợp lý theo đúng quy trình, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do mưa bão trong thời gian tới.
Các phương án và đề xuất của các địa phương sẽ được Cục Trồng trọt tiếp thu để trình Thủ tướng, Bộ NNPTNT xem xét, thực hiện theo đúng quy định trên cơ sở đảm bảo quyền lợi, ổn định sản xuất cho nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu của người dân các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều nông dân ở huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) chọn nuôi cá chình để phát triển kinh tế. Bởi cá chình dễ nuôi, ít bệnh, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc và có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn... Với giá từ 460.000 - 520.000 đồng/kg, cá chình trở thành loại thủy sản cho giá trị kinh tế cao, đặc biệt là đầu ra tương đối ổn định.
Gần đây, nhiều vườn hồ tiêu trên địa bàn Quảng Trị bị chết hàng loạt, thiệt hại lớn về kinh tế và gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa hoàn thiện và chuyển giao “quy trình sản xuất cà rốt đẹp” cho nông dân các khu vực chuyên canh cà rốt như Trại Mát, Xuân Thọ (Đà Lạt) với tổng diện tích gieo trồng khoảng 2.000 ha/năm.
Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang vừa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 5 hecta tại hộ nuôi tôm Trần Văn Mừng, ấp Pháo Đài, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông.
Sau khi Báo SGGP có bài phản ánh “Ùn ùn bán đáy ao tôm… trả nợ”, ngày 21-5, UBND huyện Duyên Hải (Trà Vinh) có công văn chỉ đạo ngành chức năng tạm ngưng cấp phép cải tạo ao hồ tận thu cát trên địa bàn 2 xã Dân Thành và Trường Long Hòa, kiểm tra thực tế, báo cáo đánh giá tác động môi trường.