Bán 15 tấn hải sản, chỉ được trả tiền 10 tấn
Ngư dân “ngậm bồ hòn”
Lý Sơn có 415 tàu đánh bắt, sản lượng khai thác bình quân hằng năm luôn đạt trên 30.000 tấn. Tuy nhiên, hầu hết ngư dân huyện đảo này đều chỉ có thể tìm về các cảng cá khắp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ, vì huyện vẫn chưa có cơ sở thu mua, chế biến hải sản nào. Vì thế mà cứ bình quân 15 tấn hải sản, ngư dân bị “trừ hao” đi 5 tấn.
“Chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi dài ngày luôn dao động từ 300 - 500 triệu đồng. Nhiều lúc để có tiền mua nhiên liệu vươn khơi, ngư dân chúng tôi phải vay mượn của các đầu nậu. Bởi thế nên khi bán hải sản đánh bắt được cho đầu nậu, chúng tôi chẳng những bị ép giá mà còn bị trừ hao trọng lượng.
Hoặc dù không vay tiền của đầu nậu, thì ngư dân chúng tôi mỗi lần trúng mùa, sản lượng khai thác nhiều, đều thường xuyên bị ép giá như vậy”, ngư dân Huỳnh Văn Lắm, xã An Hải, cho biết.
“Trước đây, cứ 12 - 13 tấn, ngư dân chúng tôi được trả tiền 10 tấn. Nhưng giờ, phải 14 - 15 tấn hải sản, thậm chí 17 tấn, chúng tôi mới được trả tiền 10 tấn”, ngư dân Nguyễn Văn Đại, chủ tàu công suất 495 CV ở xã An Vĩnh, khẳng định.
HTX dịch vụ hậu cần vẫn còn trên “giấy”
Xác định kinh tế biển là mũi nhọn, thế nhưng đến nay, huyện Lý Sơn mới chỉ tập trung vào khai thác, đánh bắt chứ chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá. “Vì chưa có dịch vụ hậu cần nghề cá nên khi đánh bắt xong, ngư dân không chỉ tốn thêm chi phí nhiên liệu để vào đất liền bán hải sản, mà còn chịu thiệt thòi vì ép giá.
Việc tìm đến các “đầu nậu” ứng trước tiền để vươn khơi và vay vốn ở các chủ nậu để đóng mới tàu… là hai nguyên nhân chính khiến ngư dân trên địa bàn huyện phải phụ thuộc và thường xuyên bị ép giá khi bán hải sản”, bà Phạm Thị Hương -Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.
Nhằm tháo gỡ bớt những khó khăn của ngư dân trong đảm bảo giá cả cho hải sản đánh bắt được, năm 2014 HTX Dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản Lý Sơn - Hoàng Sa đã chính thức được thành lập và ra mắt. Với mục đích cung ứng nhiên liệu cho ngư dân ngay trên biển và đảm nhiệm bao tiêu đầu ra cho ngư dân, tránh bị ép giá. HTX được kỳ vọng sẽ là “bà đỡ” cho ngư dân, nhằm chấm dứt tình trạng ngư dân phải chịu thiệt.
Tuy nhiên, cho đến nay HTX vẫn chưa thể đi vào hoạt động, mà nguyên nhân là do địa phương chưa tìm được mặt bằng phù hợp. “Trụ sở HTX, khu chế biến, trạm xăng dầu… tất cả các hạng mục công trình này cần khoảng 16.000 m2 đất, nhưng đến nay, địa phương vẫn chưa tìm được vị trí thích hợp.
Vậy nên HTX mới chỉ thành lập chứ chưa thể triển khai, đi vào hoạt động. Trong khi đó, ngư dân chúng tôi đang mong mỏi từng ngày được tiếp nhiên liệu trên biển để khai thác dài ngày hơn, được bán hải sản ngay tại Lý Sơn để khỏi bị ép giá”, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, vụ nuôi tôm sú năm nay, người dân chỉ nên thả nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 7. Đối với tôm chân trắng, có thể nuôi 2 vụ, vụ 1 bắt đầu từ cuối tháng 3, vụ 2 kết thúc trước tháng 11. Về mật độ nuôi, đối với tôm sú có thể nuôi từ 20 đến 25 con giống/m2; đối với tôm chân trắng vụ 1 nên thả với mật độ từ 80 đến 100 con giống/m2, vụ 2 thả thưa hơn với mật độ từ 60 đến 80 con giống/m2.
Hiện nay, những loài cá được liệt vào hàng quý hiếm trong tự nhiên đang bị khai thác quá mức, nguy cơ tuyệt chủng rất lớn. Do vậy, bảo tồn nguồn gen quý hiếm của các loài cá này đang trở nên cấp bách. Tuy nhiên, việc nhân giống và phát triển nuôi đối tượng này vẫn còn khá gian nan nên nguồn cung cấp cá giống khá khan hiếm và nguồn cung về cá thương phẩm lại càng hiếm hơn...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giảm lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được vay vốn với lãi suất hợp lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phối hợp với các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Hội Nghề cá, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản… kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ đạo trên đối với lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ cá tra tại An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long (khu vực chiếm khoảng 65% sản lượng cá tra nguyên liệu và 80 - 90% cá giống).
Theo anh cán bộ khuyến nông huyện Đại Từ chúng tôi tới thăm trang trại của ông Đoàn Văn Chóng - xóm Tiên Trường 1 - xã Tiên Hội để tìm hiểu về giống gà đen Mông. Trang trại của ông Chóng rộng hơn 14.000 m2 bao gồm các loại cây ăn quả, cây chè; ông quy hoạch khoảng 4.000 m2 dưới tán cây vải thiều để đầu tư nuôi gà chăn thả.
Từ 11 đến 14-11, cá điêu hồng nuôi lồng bè ở thị trấn Thanh Bình và xã Tân Thạnh huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đột ngột chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trạm Thủy sản huyện Thanh Bình, đến chiều ngày 14-11, trên địa bàn huyện đã có 20 lồng bè tương đương 40 tấn cá của 9 hộ nuôi ở cồn Phú Mỹ (thị trấn Thanh Bình) và ấp Nam xã Tân Thạnh bị thiệt hại từ 30 đến 40%, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.