Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bầm Dập Dưa Hấu Xuất Khẩu

Bầm Dập Dưa Hấu Xuất Khẩu
Ngày đăng: 25/03/2014

Thương lái hoa quả miền Nam đang đổ xô chở hàng về cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), xuất bán sang Trung Quốc. Nhưng giao thương ách tắc cục bộ, hàng nghìn xe đan xen nối đuôi nhau chờ thông quan. Nhiều ngày nay, chủ hàng, chủ xe đỏ mắt chờ đến lượt.

Anh Tư, người Bình Định, lái ô tô container biển số 77C-009.25, rầu lòng cho biết: “Tôi lái xe nhiều năm đến cửa khẩu này, từng gặp cảnh tắc đường, nhưng chưa năm nào lại khủng khiếp như năm nay. Cánh tài xế ăn chực, nằm chờ ở ven quốc lộ đã ba, bốn ngày nay mà xe nhúc nhích như rùa, bao giờ mới đến lượt!”.

Tăng giờ làm đêm, vẫn ùn xe

Đã ba ngày nay, đoàn xe cỡ lớn, chủ yếu là xe container từ miền Trung, miền Nam nằm dài từ ngã ba Pác Luống (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng) đến cửa khẩu Tân Thanh (xã Tân Thanh, Văn Lãng), dài chừng 5 km. Trong khi lượng hàng xuất khẩu qua biên giới không đáng kể, thì các xe chở hoa quả mới lại ùn ùn kéo đến, gây nên cảnh xếp hàng chờ đợi kéo dài.

Trước tình hình này, lực lượng CSGT công an huyện Văn Lãng được giao nhiệm vụ điều tiết, chặn những xe mới đến tại khu vực ngã ba Ma Mèo (xã Tân Mỹ). Các xe xếp hàng theo “nốt”, đỗ dọc tuyến đường 4A, 1A, dài đến khu vực Tam Lung (huyện Cao Lộc), với gần 2.000 container.

Thượng úy Đặng Văn Cao, Trạm trưởng Biên phòng Tân Thanh cho biết: Năm nay, dưa được mùa, lại chính vụ nên hàng về nhiều, đến mức quá tải. Giải thích về việc xuất hàng nhỏ giọt qua biên giới, thượng úy Cao cho biết: “Bên cạnh việc bãi xe ở Pò Chài, bên Trung Quốc chỉ chứa khoảng gần 200 xe, gần đây, do các ngành chức năng phía bạn tăng cường kiểm tra tạm trú, xuất nhập cảnh nên số người bốc vác của ta đã phải chạy nạn. Thay vào đó là “cửu vạn” người Trung Quốc không thạo việc… nên làm chậm giải phóng hàng”.

Theo thượng úy Cao, lực lượng Biên phòng, Hải Quan đã sang bàn bạc, thống nhất với Ban biên mậu Trung Quốc nhằm giảm bớt những thủ tục phiền hà và làm thêm giờ, có thể đến 22 giờ đêm. Nhờ đó, trung bình mỗi ngày xuất được khoảng 200 xe nông sản, nhưng so với lượng xe mới đến, chẳng thấm vào đâu.

Thống khổ nỗi lòng thương lái, lái xe

Chỉ vào hàng tấn hàng đang “nằm chết” trên xe, anh Tư (chủ xe người Bình Định), cho biết: “Lần này, tôi chở thanh long còn đỡ, nếu đi hàng dưa hấu mà chờ đợi ba, bốn ngày như thế này, thì coi như toi cơm”. Trong hàng ngàn xe chở nông sản, hoa quả tươi thì phần nhiều là dưa hấu, thanh long, chuối xanh, nhãn, trong đó dưa hấu chiếm đến 70%.

Ông Nguyễn Bồn (quê huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết, Bình Định có tới 500 ha dưa, phần nhiều để xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài việc phải đối mặt với ách tắc, thương lái còn ép giá. “Dưa của tôi thuộc loại quả to, tròn, chắc, không dập, thế nhưng sang đến chợ Pò Chài, họ chê bai đủ điều, rồi lại phân ra mấy thứ hạng với giá tụt dần. Đã sang đất họ rồi, không bán không được. Vứt đổ dưa thì họ phạt nặng vì gây ô nhiễm môi trường”, ông Bồn nói.

Một chủ hàng vừa từ Trung Quốc trở về, méo mặt cho biết, dưa rớt giá, lại gặp mấy tay bốc vác người Trung Quốc, ú ớ chẳng biết tiếng, không thạo việc; đã vậy lại lấy tiền công cao gấp 3 lần so với giá trước đây. Những người này rất chảnh, chỉ cần chủ hàng tỏ ý không vừa lòng là bỏ đi ngay.

Trường hợp ông Nguyễn Ngọc Thắng, một chủ dưa ở Quảng Ngãi dỡ dưa bán ngay tại cửa khẩu Tân Thanh cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Lượng dưa nhiều, giá rẻ như bèo (chừng 600 đồng/kg - PV), đã vậy lại hao hụt do bị mất cắp nên lỗ nặng. Theo cách tính của ông Thắng, gia đình ông trồng 1 mẫu dưa, thu 20 tấn quả, năm nay thua lỗ trên 15 triệu đồng.

Việc ăn chực, nằm chờ dọc đường biên đang là nỗi ám ảnh của cánh lái xe đường dài. Đêm đến, ở đây xuất hiện một tốp người, đeo băng đỏ, tự xưng là người của “Ban Quản lý Kinh tế cửa khẩu” đến thu tiền an ninh, đồng hạng 50 ngàn đồng/xe/tối.

Chưa hết, lúc vắng người, bọn nghiện đến từng ca bin, gõ cửa xin tiền. Xác nhận với phóng viên Tiền Phong, một cán bộ lãnh đạo tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết: “Lực lượng Biên phòng vừa bắt 2 đối tượng người bản địa đến các xe xin tiền, bàn giao cho công an Tân Thanh xử lý”.

Khổ nữa là, việc ăn uống, tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Chỉ vào túi cơm hộp vừa mua, anh Tư (xe 77C-009.25) cho biết: Mỗi suất cơm ở đây đắt gấp đôi ở nơi khác. Nhưng có ăn, là tốt lắm rồi. Nước uống cũng khan hiếm, phải mua với giá cắt cổ. Việc phóng uế bừa bãi, cộng với rác thải là những chiếc túi ny lon, bao cơm, vứt trắng bên đường, đang gây ô nhiễm nặng.


Có thể bạn quan tâm

Bao giờ thanh long ngọt Bao giờ thanh long ngọt

Ngoại phụ thuộc, nội không có bất cứ một sự liên kết nào giữa doanh nghiệp và nông dân từ sản xuất đến tiêu thụ, người trồng tự phát, đầy rủi ro, doanh nghiệp làm thuê cho thương lái Trung Quốc... khiến thanh long mãi chẳng “ngọt”!

30/09/2015
Quả táo mèo từ bỏ thối rụng đầy gốc thành hàng hóa bán chạy Quả táo mèo từ bỏ thối rụng đầy gốc thành hàng hóa bán chạy

Từ một loài cây hoang dã, trái chín rụng rơi đầy gốc vào mùa thu mỗi năm, giờ đây quả táo mèo (còn gọi là sơn tra) đang trở thành hàng hóa bán chạy về miền xuôi.

30/09/2015
Lao đao nghề muối Lao đao nghề muối

Niên vụ sản xuất muối năm 2015 của diêm dân xã Quảng Phú (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) sắp khép lại.

30/09/2015
Diện tích cà phê vượt nhiều so với mục tiêu đề ra Diện tích cà phê vượt nhiều so với mục tiêu đề ra

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, tính đến thời điểm này cả nước có 670.000 ha cà phê, tăng 170.000 ha so với quy hoạch và vượt 70.000 ha so với mục tiêu đặt ra đến năm 2020.

30/09/2015
Gạo nghi là hạt nhựa có mùi khét sau khi rang Gạo nghi là hạt nhựa có mùi khét sau khi rang

Sau một bữa cơm gia đình anh P. V ăn thì có nhặt được 5 đến 7 viên sạn màu trắng nghi là hạt nhựa. Sau khi rang những hạt gạo trở nên vàng và chuyển sang đen... vì cháy.

30/09/2015