Mật Ngọt Rừng Yên Thế
Cùng với những sản phẩm nổi tiếng như gà đồi, chè sạch, mật ong hoa rừng Yên Thế (Bắc Giang) sản xuất tại CLB nuôi ong xã Hồng Kỳ được nhiều người biết đến bởi ưu thế đặc sánh, sạch, thơm tinh khiết.
Khẳng định hiệu quả
Chạy xe hơn 10 km đường gập ghềnh từ trung tâm huyện theo triền đồi xanh ngát cây cối, chúng tôi đến xã Hồng Kỳ để "mục sở thị” nghề nuôi ong của người dân. Khai thác lợi thế diện tích rừng bạch đàn, keo lai, vải thiều, trước đây, nhiều hộ đã nuôi ong nhưng quy mô nhỏ, chưa biết áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, quay mật nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2006, Trung tâm Phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ cộng đồng (Hà Nội) thực hiện dự án xoá đói giảm nghèo cho các hộ dân tộc thiểu số tại xã đã hướng cho người dân phát triển nghề nuôi ong.
Thụ hưởng dự án này, 20 hộ được Trung tâm tổ chức tham quan các mô hình nuôi ong hiệu quả ở các tỉnh: Hải Dương, Hoà Bình, Lạng Sơn… để học hỏi kinh nghiệm. Đồng thời hỗ trợ con giống, thiết bị và tập huấn kỹ thuật nuôi tạo chúa, nhân và dưỡng đàn, phòng bệnh, khai thác mật.
Năm 2007, các hộ liên kết thành lập CLB nuôi ong để hỗ trợ nhau sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ thiết bị hạ thuỷ phần, mật không bị chua, mốc, bảo quản được lâu, tiêu thụ thuận lợi. Đến nay, CLB đã tăng lên 44 người ở hầu hết các thôn trong xã.
Anh Đỗ Văn Triệu, thôn Trại Nhất, xã Hồng Kỳ là điển hình làm giàu từ nghề nuôi ong. Anh cho biết: "Gia đình tôi vào CLB từ năm 2008, mỗi năm khai thác hơn 700 lít mật, bán hàng trăm đàn ong giống, trừ chi phí lãi 80-90 triệu đồng”. Được biết, trong vòng 3 năm trở lại đây, các thành viên CLB luôn duy trì 500 đàn, cao điểm gần 1.000 đàn lấy mật và ong giống.
Ông Hứa Văn Hinh, Chủ nhiệm CLB cho biết: "Hiện nay, mật ong hoa rừng của CLB không chỉ được tiêu thụ các tỉnh miền Bắc mà còn đưa vào cả miền Nam, không đủ cung cấp cho khách hàng. Mỗi năm, các hộ bán từ 7-8 nghìn lít mật và ong giống, thu nhập hơn một tỷ đồng.
Ăn ngủ tại rừng
Có được thành quả này, các thành viên CLB nuôi ong ở Hồng Kỳ luôn bận rộn. Cứ vào độ tháng Ba hằng năm, khi hoa nở khắp núi rừng cũng là lúc những đàn ong theo nhau bay đi tìm mật ngọt. Người nuôi thường chọn những vườn cây có nhiều hoa để đặt thùng ong. Trước tiên là khai thác tại các vườn, rừng trong xã sau đó mới di chuyển đi nơi khác. Mùa nào hoa ấy, hết hoa vải thiều đến hoa nhãn, hoa bạch đàn, keo, cỏ lào, chân chim…, mỗi đợt kéo dài 30 ngày là được khai thác mật.
Ông Trịnh Văn Bình, thôn Trại Nhì nói: "Do số lượng đàn lớn, để thu được nhiều mật các thành viên liên kết với nhau di chuyển đàn ong vào ban đêm bằng xe ô tô, thùng bịt kín đến các huyện khác như Lạng Giang, Tân Yên, thậm chí lên cả tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, nơi có diện tích rừng bạch đàn lớn dựng lều cả tháng để cho ong đón mùa hoa mới làm mật. Hành trang trong các chuyến đi có cả xoong, nồi, chảo, bát đũa, màn chiếu… để ăn ngủ cùng ong tại rừng”.
Không chỉ vậy, nghề nuôi ong cũng đòi hỏi sự quan sát, chăm sóc tỉ mỉ, mỗi lần di chuyển đàn phải chọn những vườn cây không phun thuốc bảo vệ thực vật đặt thùng để ong không bị nhiễm độc chết hàng loạt. Ngoài ra nghề này được xem là nghề đòi hỏi sự khéo léo, dày công chăm sóc. Để ong không phá đàn cần làm thùng đóng kín, giữ ấm tránh thiên địch, thường xuyên vệ sinh cầu ong hạn chế bệnh thối ấu trùng.
Theo kinh nghiệm của người nuôi ong ở Hồng Kỳ, cứ vào cữ thu, đông, cây khô lá vàng, mưa phùn gió bắc, đàn ong thiếu nguồn mật nên cần bổ sung đường cho ăn thêm để dưỡng đàn.
Nghề nuôi ong đã khẳng định được hiệu quả, vì vậy UBND huyện Yên Thế có chủ trương đưa nghề nuôi ong thành một nghề xóa đói giảm nghèo cho người dân. Ông Thạch Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "UBND huyện đã giao cho phòng chức năng xây dựng đề án phát triển và nhân rộng nghề nuôi ong. Trong đó tập trung hỗ trợ các hộ một phần giá ong giống, kỹ thuật và quảng bá sản phẩm”.
Năm 2011, sản phẩm mật ong của CLB được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu "Mật ong hoa rừng Yên Thế”. Năm 2008, sản phẩm này được tặng cúp Bạc "Vì Nông dân Việt Nam”. Mật ong của CLB đều được đóng chai, dán tem nhãn trước khi xuất bán.
Có thể bạn quan tâm
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Ngành khuyến nông phải tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.
Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khai thác thủy sản. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 6.139 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 302.511CV. Trong đó tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên là 1.033 chiếc, còn lại có công suất dưới 90CV hoạt động khai thác ở vùng lộng và gần bờ.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tiến hành lắp đặt 238 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tài cá qua vệ tinh) cho các tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định.
Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.
165ha mặt nước nuôi thuỷ sản ở phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Do được đầu tư đồng bộ nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã đầu tư kinh phí nuôi nhiều giống thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình phải kể tới là hộ anh Nguyễn Hữu Phước.