Bài toán về gia tăng giá trị đánh bắt hải sản
Tuy nhiên, do số lượng tàu giã cào vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 75%) nên địa phương đang tìm hướng chuyển đổi phương thức khai thác để gia tăng giá trị đánh bắt một cách bền vững.
Sản lượng tăng nhưng giá trị giảm
Sau gần 20 ngày lênh đênh trên biển, trung tuần tháng 11 vừa qua, 2 tàu lưới vây của ngư dân Huỳnh Cháy (ngụ tại 60/22 Bạch Đằng, phường 5) đã cập cảng an toàn.
Ông Cháy cho biết, chuyến này 2 tàu đánh bắt được gần 15 tấn cá ngừ bò, cá ngừ chấm, cá thu, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2014.
Với giá bán trung bình 40 ngàn đồng/kg, ông thu được gần 600 triệu đồng.
Với cách chia “chủ 6, bạn 4”, sau khi trừ chi phí, ông Cháy lãi hơn 100 triệu đồng.
Mỗi bạn ghe cũng được khoảng 15 triệu đồng trong chuyến biển này.
Theo ngư dân Bùi Văn Sinh (ngụ tại 444/49 Trần Phú, phường 5), chủ 2 tàu lưới rê công suất 400CV và 550CV, năm nay năng suất đánh bắt của tàu ông khá cao.
Mỗi chuyến đi khoảng nửa tháng, đánh bắt được từ 3 đến 3,5 tấn cá thu, tăng gần 30% so với năm ngoái.
Ông Sinh cho biết: “Với giá cá thu ổn định từ 100 đến 110 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí và chia cho 7 bạn nghe mỗi người khoảng 10 triệu đồng/chuyến, tôi lãi khoảng 130 triệu đồng/chuyến”.
Ông Sinh dự định vay vốn theo Nghị định 67 để đóng mới 1 tàu lưới rê có công suất 1.000CV để tăng hiệu quả đánh bắt xa bờ.
Nhiều chủ tàu ở phường 5 cho biết, năm nay đội tàu lưới vây của phường đều đạt năng suất từ 10 - 12 tấn/chuyến, chủ yếu vẫn là các loài quen thuộc như cá thu, cá ngừ.
Bên cạnh đó, nhờ giá dầu giảm chỉ còn 14 ngàn đồng/lít nên chi phí cho mỗi chuyến biển giảm 30%.
Hơn nữa, gần đây, nhiều tàu dịch vụ của thương lái chạy thẳng ra khơi mua cá cũng tạo thêm thuận lợi cho ngư dân.
Các tàu khai thác có thể ở ngoài biển lâu hơn để tiếp tục hành nghề vì đã có tàu dịch vụ đưa cá vào bờ, nhờ đó thời gian ướp đá giảm, chất lượng hải sản tăng.
Trên địa bàn phường 5 hiện có khoảng 400 tàu đánh bắt hải sản với tổng công suất 180.000CV.
Trong số này, 75% tàu hành nghề giã cào.
Tính đến tháng 9-2015, tổng sản lượng đánh bắt của phường ước đạt 54.000 ngàn tấn, tăng 3 ngàn tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND phường 5, đánh giá: “Sản lượng đánh bắt tăng, nhưng tổng giá trị đánh bắt chỉ đạt 1.564 tỷ đồng, giảm 278 tỷ đồng so với năm ngoái.
Nguyên nhân chủ yếu là chất lượng hải sản chưa đồng đều, tỷ lệ cá nhỏ, cá tạp cao nên giá trị đánh bắt giảm”.
Chuyển đổi phương thức đánh bắt: Gặp khó về vốn
Ngư dân Nguyễn Văn Nhượng (ngụ tại 201/1 Trần Phú, phường 5), chủ 3 cặp tàu đánh bắt bằng giã cào ở ngư trường Phú Quý (Bình Thuận), cho biết: Thời gian gần đây, hiệu quả kinh tế của đánh bắt giã cào không cao, vì cá nhỏ, cá tạp chiếm tới 50% sản lượng.
Do vậy, tôi và một số chủ tàu có ý định chuyển đổi sang nghề lưới vây hoặc lưới rê.
Tuy nhiên, vốn đầu tư quá lớn nên rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Thanh Duy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã có tác động tích cực đến hoạt động đánh bắt hải sản.
Tuy nhiên, để vay từ nguồn vốn này cần nhiều thủ tục, qua nhiều cấp quản lý nên chưa có nhiều ngư dân tiếp cận được.
Do vậy, Nhà nước cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn để ngư dân thuận lợi hơn khi vay vốn.
Trong thời gian tới, chính quyền phường sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân chuyển đổi phương thức đánh bắt từ nghề giã cào sang lưới vây, rê, câu; đồng thời tích cực hỗ trợ ngư dân về thủ tục để vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 nhằm nâng cao chất lượng đánh bắt và khai thác bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Bằng việc biết chọn những giống cà phê có chất lượng tốt, do các cơ sở sản xuất cây giống uy tín cung cấp, không mua trôi nổi trên thị trường, nhiều nông dân trồng cà phê đã đạt năng suất cao, có lợi nhuận khá.
Những năm gần đây, ngành chức năng đã liên tục cảnh báo về sự suy giảm nguồn nước mặt, nước ngầm, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của cả cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ, sử dụng tiết kiệm hơn tài nguyên nước.
Thời gian qua, để giúp nông dân nắm vững khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa có chất lượng vào sản xuất, ngành nông nghiệp đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tập huấn ICM, hội thảo đầu bờ, xây dựng mô hình trình diễn…
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thì trong giai đoạn 2011-2013, ngành đã triển khai thực hiện được 3 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi, 4 đề tài KH&CN cấp tỉnh và 3 nhiệm vụ hỗ trợ phát triển KH&CN cấp cơ sở.
Tại Hội thảo “Giới thiệu công nghệ sản xuất nông sản an toàn và bảo vệ môi trường” được tổ chức mới đây ở thị xã Gia Nghĩa, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng đã cho rằng, Đắk Nông có những lợi thế lớn trong việc trồng cây ca cao.